Trong ngành răng hàm mặt, việc phẫu thuật chữa trị cho các bệnh nhân mắc các dị tật hàm mặt rất phổ biến. Không ít bệnh nhân dị tật bị móm, bị hô “rất nặng”, nếu không can thiệp, sức khoẻ và thẩm mỹ đều bị ảnh hưởng, có bệnh nhân còn bị ví có gương mặt “giống khỉ hơn giống người”, khiến họ vô cùng đau đớn, tự ti.
Kỹ thuật cắt hàm trên theo đường Le Fort 1 (cắt rời phần mang răng và xương ổ răng) là kỹ thuật rất phổ biến để đẩy hàm trên ra trước trong trường hợp sai khớp cắn loại III xương (hay còn gọi là móm), đồng thời khắc phục các sai lệch đi kèm theo bất kỳ chiều không gian nào. Tuy nhiên trên một số bệnh nhân dị tật bẩm sinh, toàn bộ phức hợp mũi-hàm trên kém phát triển thì việc sử dụng đường Le Fort 1 là không đủ để giải quyết vấn đề.
Mới nhất, một nữ bệnh nhân 20 tuổi có tiền sử khe hở môi- vòm miệng, kém phát triển nặng tầng mặt giữa (mũi-hàm trên), tuy nhiên gò má và ổ mắt tương đối bình thường. Trường hợp này nếu chỉ đơn thuần dùng kỹ thuật cắt LF1 thì chỉ có phần mang răng sẽ đưa ra trước khiến phần mũi trông sẽ càng lõm.
Để giải quyết những ca khó này, bác sĩ Quang lại tiếp tục mày mò, nghiên cứu, tìm cách. Rồi anh thảo luận cùng giáo sư Phẫu thuật Hàm Mặt người Israel Imad Abu El-Naaj, quyết định tiến hành cắt theo đường Le Fort 2 để đưa cả khối hàm trên và mũi ra trước, đồng thời cắt Le Fort 1 để sửa chữa những khiếm khuyết còn lại, còn hàm dưới được cắt, đẩy lùi vào khớp cắn theo hàm trên.
Nhưng đường cắt Le Fort 2 rất ít khi được thực hiện trên thế giới, tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương Hà Nội cũng chưa từng có ca nào tương tự. Vì vậy bác sĩ Quang phải thức nhiều đêm, mày mò, tự tìm kiếm tài liệu để thực hiện kỹ thuật này cho bệnh nhân.
“Với sự hỗ trợ của phần mềm lập kế hoạch điều trị ảo, mọi di chuyển của xương hàm đã được tính toán trên máy tính. Đồng thời dụng cụ hướng dẫn cắt, dụng cụ hướng dẫn vị trí di chuyển xương dạng implant cá nhân hoá (PSI) được thiết kế và chế tạo bằng phương pháp in 3D kim loại.
Tất cả các công cụ hỗ trợ trên đều là những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới, nhằm mục đích giúp ca phẫu thuật tăng độ chính xác và đảm bảo sự an toàn cho bệnh nhân”- bác sĩ Quang chia sẻ.
Tháng 7.2023, ca phẫu thuật “Le Fort 2” lần đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương Hà Nội và là ca phẫu thuật thuộc số ít trên thế giới có sử dụng kết hợp đường Le Fort 2 và Le Fort 1 có sử dụng máy tính và PSI hỗ trợ. Cả bệnh nhân và gia đình đều hài lòng, hạnh phúc với kết quả đạt được sau ca phẫu thuật.
Cô gái 20 tuổi bắt đầu hành trình mới với diện mạo mới, bắt đầu những ước mơ và khát vọng mới.