Làm bác sĩ tạo hình thẩm mỹ vất vả gì đâu!
“Bác sĩ có vất vả gì đâu! Rất vui thích! Đúng là vui vì mình đem lại hạnh phúc cho người khác mà. Còn vất vả thì nghề nào cũng có cái hay, cái dở nhưng đã đam mê thì đó là trải nghiệm.
Bác sĩ tạo hình thẩm mỹ còn mang lại hạnh phúc cho những bệnh nhân kém may mắn, những bệnh nhân đang ở tột cùng của sự tự ti, tuyệt vọng vì khiếm khuyết của cơ thể do dị tật bẩm sinh, bỏng, chấn thương hay sau cắt bỏ khối ung thư… trở nên lành lặn cả về thể xác lẫn tâm hồn”, bác sĩ Dung chia sẻ và đây cũng là một trong những lý do bác sĩ đến với ngành tạo hình thẩm mỹ.
“Tôi cùng các đồng nghiệp vừa xử lý một ca thẩm mỹ tái tạo ngực. Ca thuận lợi, người bệnh hài lòng lắm”, bác sĩ Dung vui vì chị vừa giúp thêm một người đẹp lên, giúp họ bước sang trang mới bớt tự ti với bản thân. Nhưng không phải lúc nào mọi thứ đều suôn sẻ. Với một bác sĩ, nhất là bác sĩ tạo hình thẩm mỹ mỗi mũi dao, đường chỉ rất căng thẳng bởi đặt lên đó không chỉ nhiệm vụ làm đẹp mà còn là sứ mệnh thay đổi cuộc đời của một con người.
Bác sĩ Dung nhớ lại, có bệnh nhân đến với chị với đầy tâm sự: Không hiểu mình bị sao, không biết phải làm gì khi thấy phần cơ thể phụ nữ của mình bị khuyết thiếu, có người phụ nữ đành nhắm mắt chấp nhận số phận, không dám lấy chồng, hoặc lấy rồi thì đành để chồng đi với người khác khi rơi vào hoàn cảnh trớ trêu ấy. Rất nhiều người đã đánh vuột khỏi tay hạnh phúc cuộc đời, sống cùng bi kịch chỉ vì không biết rằng, giờ đây, y học đã có thể khắc phục được sự khuyết thiếu của tạo hóa…
Như trường hợp của nữ bệnh nhân trẻ mà bác sĩ Dung nhớ mãi. Nữ bệnh nhân đến gặp bác sĩ với sự lúng túng và cả lo lắng vì đang gặp vấn đề với người chồng mới cưới. Cô cho biết, đêm tân hôn đối với cô thực sự là địa ngục. Anh chồng loay hoay mãi cũng không thể “gần gũi” được vợ trong khi cô đau đớn muốn ngất xỉu.
Cô không hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình. Từ đó, cô rất sợ khi chồng gần gũi. Thậm chí, có lần cô đã đề nghị chồng đi tìm cô gái khác vì thấy mình không có khả năng làm vợ. Chồng cô tưởng vợ bị bệnh về tâm lý nên đã khuyên cô đến bệnh viện khám. Khi đi khám cô mới biết mình bị dị tật sinh dục nữ bẩm sinh: Không có tử cung, không có âm đạo.
“Có một tỉ lệ không nhỏ phụ nữ bị căn bệnh rất khó nói này. Đương nhiên, dị tật này ảnh hưởng rất lớn tới hạnh phúc, tới thiên chức làm vợ của người phụ nữ. Rất nhiều người phụ nữ đã lỡ dở cả cuộc đời chỉ vì không biết phải làm gì với sự khuyết thiếu bẩm sinh mà tạo hóa trớ trêu đặt vào họ. Bởi thế, đã có nhiều người phụ nữ mặc cảm đến mức trốn tránh đàn ông, hoặc lấy chồng rồi đành chia tay hay chấp nhận cho chồng ngoại tình; nhiều người không biết làm thế nào để thoát khỏi cảnh đó…”, bác sĩ Dung nói.
Giờ đây, những người phụ nữ đáng thương ấy đã có lối thoát để tìm lại hạnh phúc nhờ sự tiến bộ của y học. PGS.TS.BS Phạm Thị Việt Dung đã bước vào nghề với những ca chữa lành khiếm khuyết cơ thể như thế cho người bệnh, giúp rất nhiều chị em phụ nữ đẹp hơn, tự tin hơn.
Dường như với nhiều người, trong số đó có chúng ta bấy lâu nay vẫn luôn nghĩ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ đơn giản là nâng mũi, nâng ngực, cắt mí… nhưng đó chưa phải là đích đến cuối cùng của người bác sĩ. Bởi cảm nhận tuyệt vời nhất không phải là sau mổ thẩm mỹ giúp ai đó đẹp hơn mà là sau các ca tạo hình bệnh lý, giúp các bệnh nhân đang ở tột cùng của sự tự ti, tuyệt vọng vì khiếm khuyết của cơ thể do dị tật bẩm sinh, bỏng, chấn thương hay sau cắt bỏ ung thư… trở nên lành lặn cả về thể xác lẫn tâm hồn.
Bác sĩ Dung luôn tự nhủ, chuyên ngành này tuy không phải cứu bệnh nhân giữa ranh giới của sự sống và cái chết nhưng nó giúp bệnh nhân hoàn thiện hơn, tự tin hơn, yêu cuộc sống hơn. Đó cũng là mục tiêu, là động lực để chị cố gắng hoàn thiện mình hơn trong công việc hàng ngày.
“Bệnh nhân đầu tiên chính là bố đẻ của tôi”
PGS.TS.BS Phạm Thị Việt Dung chính là học trò xuất sắc của GS.TS.BS Trần Thiết Sơn – nguyên Trưởng Bộ môn Phẫu thuật tạo hình, Đại học Y Hà Nội – người được coi là vị “phù thủy” đem lại hạnh phúc cho người khác.
Gần 20 năm gắn bó với công việc phẫu thuật thẩm mỹ, bác sĩ Dung quá quen với những ca bệnh dù khó hay đơn giản. Ở ca bệnh nào, ca đầu đời hay hiện nay bác sĩ Dung cũng hoàn thành xuất sắc. Người bệnh đầu tiên của bác sĩ Dung không ai khác chính là người bố, người thầy, người đồng nghiệp của chị.
Nhớ lại 26 năm trước, đó là mùa hè năm 1998, sau khi tốt nghiệp cấp 3, cô bé Dung năm ấy thi đỗ cùng lúc cả 3 trường đại học, trong đó có Trường Đại học Y Hà Nội. Thế nhưng, cả gia đình phản đối vì cho rằng nghề y vất vả, thời gian học dài, tốn kém. Mẹ khuyên cô nên học sư phạm để sớm ổn định rồi lập gia đình. Ngày nhập trường, mặc mọi lời năn nỉ, bố vẫn chở con một mạch từ nhà đến cổng trường Đại học Khoa học Tự nhiên.
Sau hai tuần đi học, ý nghĩ về học y vẫn không ngừng đeo bám. Cuối cùng, chị đánh liều rút hồ sơ nộp sang trường Đại học Y Hà Nội.
Năm 2004, khi chị chuẩn bị tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, chưa kịp lựa chọn chuyên ngành để học tiếp thì một tai nạn bất ngờ ập đến gia đình. Bố của chị bị chấn thương sọ não nặng phải nằm điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Suốt 2 tháng ròng rã, ông nằm thở máy, mê man, nhiễm trùng phổi và xuất hiện những vết loét do tỳ đè.
Những đêm trông bố, chị lang thang ra phòng trực cấp cứu và được chứng kiến những ca cam go cứu tạo hình cho các bệnh nhân nặng. Từ đó trở đi, chị nuôi dưỡng ước mơ trở thành bác sĩ phẫu thuật tạo hình. Hồi đó, chuyên ngành phẫu thuật tạo hình còn mới mẻ, bác sĩ thường chọn ngoại khoa, tim mạch…
Bác sĩ Dung vẫn nhớ như in về ca phẫu thuật đầu tiên trong chuyên ngành. “Bệnh nhân đầu tiên tôi phẫu thuật tạo hình chính là bố”, chị tâm sự. May mắn ca phẫu thuật đầu tiên trong nghiệp làm bác sĩ của chị thành công ngoài mong đợi.
GS.TS.BS Trần Thiết Sơn từng chia sẻ về những học trò của mình: “Tôi có 7 – 8 người học trò say mê đi theo chuyên ngành này. Những lĩnh vực này ít người đam mê vì theo dõi một bệnh nhân hàng năm trời, thậm chí phải tự bỏ tiền túi ra để làm cho bệnh nhân. Họ mà không làm nữa thì mình mất bệnh nhân để nghiên cứu. Nó là đam mê thôi! Quan trọng nhất là mình làm được những việc mà người khác không làm được”.
Trong số đó có PGS.TS.BS Phạm Thị Việt Dung. Đến nay, sau gần 20 năm gắn bó với nghề bác sĩ phẫu thuật tạo hình, bác sĩ Dung chưa bao giờ hối hận về con đường mình đã chọn. Ở chuyên ngành nào cũng đều có thể gặt hái được thành công nếu chăm chỉ, cố gắng đầu tư tâm huyết, đầu tư tình cảm, công sức. Trong bài thuyết trình tại Hội đồng Giáo sư ngành Y học vừa qua, bác sĩ Phạm Thị Việt Dung nhắc đến 3 điều giúp mình có được ngày hôm nay: “Đó là “sự nỗ lực, sự tử tế và may mắn”. Nếu không tử tế, tôi sẽ không thể nhận được những cơ hội mình đã có. Nếu không nỗ lực thì có cơ hội cũng không thể tận dụng. Và nếu không may mắn gặp được những người thầy, những người bạn rất tốt, tôi cũng không thể có được ngày hôm nay”.
PGS.TS.BS Phạm Thị Việt Dung đã từng bước nỗ lực, phấn đấu và có nhiều đóng góp thiết thực, quan trọng cho ngành y tế nước nhà, đặc biệt là chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.