Chúng ta được nghe nhiều về hành trình chữa lành và tìm lại bản thân. Một năm mới vừa tới, điều gì sẽ đón chờ chúng ta trên hành trình tìm kiếm các giá trị hạnh phúc, thưa anh?
– Những năm đại dịch vừa qua là những năm có nhiều thử thách biến động với mỗi chúng ta. Sau những khoảng thời gian giãn cách thì Liên Hợp Quốc đã chọn chữa lành là thông điệp của năm 2021 (Year of Healing). Cụm từ này dần trở nên phổ biến hơn và đến năm 2023 là một trong những mối quan tâm của nhiều người. Thực chất nó cũng dựa trên các giá trị nền tảng của sức khỏe là khỏe về thể chất và tinh thần mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đề cập từ lâu.
Trong tiếng Việt, healing được hiểu là “chữa lành”. Thực chất đây là một thuật ngữ thể hiện sự hàn gắn, phục hồi cho cả cảm xúc, tâm hồn cũng như thể chất của con người.
Từ healing thường được dùng để chỉ việc chúng ta chủ động chăm sóc bản thân mình, tự tạo ra những điều tích cực, tốt đẹp để làm dịu những vết thương trong cuộc sống. Phương pháp healing sẽ giúp bản thân chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn, tự tin hơn để đương đầu với mọi khó khăn.
Đặc biệt trong thời đại hiện nay, healing cũng dần trở thành xu hướng và là một phần quan trọng của cuộc sống. Mọi người luôn tìm cách để giảm bớt lo lắng, căng thẳng cũng như áp lực và tìm đến healing như một liệu pháp để tự chữa lành, tạo ra sự hài hòa và cân bằng các khía cạnh của cuộc sống.
Gần đây, nhất là sau đại dịch COVID-19, nhu cầu chăm sóc sức khỏe tinh thần ở người trẻ nói riêng, người dân nói chung tăng đột biến. Anh có cho rằng xu hướng chữa lành ra đời và đang nở rộ?
– Trầm cảm là căn bệnh thứ hai gây hại đến sức khỏe của con người chỉ sau tim mạch. Mới đây nhất, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố tỉ lệ lo âu và trầm cảm trên toàn cầu đã tăng lên 25% trong năm đầu tiên của đại dịch COVID-19. Theo thống kê năm 2023, tỉ lệ người cần chăm sóc sức khỏe tâm thần đang ngày một tăng nhanh và có xu hướng trẻ hoá.
Tại Việt Nam, 14,9% dân số (khoảng 15 triệu người) bị mắc các rối loạn về tâm thần. Trong đó, tỉ lệ bị trầm cảm, lo âu chiếm tới 5,4% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như: Tâm thần phân liệt, động kinh, chậm phát triển tâm thần, mất trí tuổi già, rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên, lạm dụng rượu… Ở trẻ em, khoảng 12% (tương đương hơn 3 triệu trẻ em) có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần.
Đại dịch COVID-19 xuất hiện và Gen Z chính là những người lo lắng về cuộc sống sau đại dịch hơn các thế hệ khác. Áp lực ngày càng gia tăng khi họ phải tập thích nghi với làm việc online, tốt nghiệp từ xa, thiếu đi sự giao tiếp với các mối quan hệ khác… Vậy nên bên cạnh việc đến các phòng khám, bệnh viện để tư vấn điều trị về vấn đề tâm lý, sức khỏe tâm thần thì nhiều người tìm đến liệu pháp được mang tên chữa lành.
Chỉ cần lên mạng gõ cụm từ chữa lành sẽ cho hơn 60 triệu kết quả tìm kiếm trong vòng 0,2 giây, có thể thấy trào lưu chữa lành đang trở thành “trend” và được nhiều người tìm kiếm.
Trong xã hội hiện nay, người ta tìm đến chữa lành thông qua nhiều hình thức như: Thiền định, du lịch trải nghiệm, bỏ phố về quê, âm nhạc, phim ảnh, sách, các podcast, workshop, thể thao…
Có lẽ chưa bao giờ trào lưu chữa lành lại phát triển phổ biến như hiện nay. Bất cứ điều gì khiến tâm hồn con người ta thư thái, an nhiên; những nỗi đau, sự tổn thương được xoa dịu; những cảm xúc suy nghĩ tiêu cực, bất an được vứt bỏ, họ thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, yêu đời hơn thì đều được gọi là chữa lành. Anh có thể lý giải về hiện tượng này?
– Chữa lành thực chất là cơ chế tự nhiên của cơ thể con người, chúng ta cần hướng vào bên trong, lắng nghe cơ thể và tâm hồn mình, để luôn cảm thấy an yên, cân bằng dù bên ngoài xảy ra bất cứ điều gì. Các cụ ngày xưa cũng thường nói, thời gian là phương thuốc hữu hiệu nhất để chữa lành mọi tổn thương. Chúng ta đôi khi chỉ cần sống một cuộc sống thường nhật an yên, nghỉ ngơi, ăn uống điều độ, hòa nhập với thiên nhiên, tĩnh dưỡng là đã có thể tự chữa lành mà không cần phải làm điều gì đó cao siêu.
Anh có cho rằng: Khi đời sống vật chất quá dư thừa, thậm chí dư thừa đến mức khủng hoảng, cuộc sống hàm chứa nhiều nguy cơ với những căn bệnh về tinh thần hiển hiện rất rõ trong đời sống hiện đại ngày nay như stress, trầm cảm, thì sẽ nảy sinh nhu cầu cần được giải tỏa, chữa lành?
– Những cuộc thăm dò mới cho thấy, nỗi ám ảnh về kiếm tiền để trở nên giàu có đã quan trọng hơn so với thời trước. Đây là tham vọng thực sự của lớp trẻ và cả các tầng lớp trung lưu. Nhu cầu đó là chính đáng, tuy nhiên khi “vượt ngưỡng” cũng gây các ám ảnh, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và cả thể chất.
Nhiều người luôn chịu áp lực tiền bạc, làm giàu giữa bối cảnh khủng hoảng kinh tế dẫn tới căng thẳng, mệt mỏi kéo dài, phát bệnh tâm thần. Sau đại dịch COVID-19, tình hình kinh tế khó khăn cùng với áp lực làm giàu khiến nhóm người này dễ bị căng thẳng.
Cùng với những tiến bộ của công nghệ và truyền thông, thói quen hấp thụ văn hóa của một số người đi theo chiều hướng “nhiều, dễ, nhanh và vui nhộn”. Tại các cơ sở khám bệnh nhiều người đến khám vấn đề tâm lý, tâm thần là người trẻ tuổi, khoảng 20% gặp áp lực về kinh tế. Nhiều bệnh nhân là dân trí thức, công chức, doanh nhân trẻ – những ngành nghề chịu áp lực cao.
Xu hướng chữa lành đang phát triển, ngoài ra, tâm lý học tại Việt Nam đang dần trở thành một ngành “hot” trong xã hội. Điều này đã dấy lên sự tò mò của xã hội về lĩnh vực này, và việc mở các khóa học chữa lành là một định hướng ứng dụng của nghề tâm lý. Anh có ý kiến gì?
– Theo UNICEF, Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần. Tuy nhiên chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết.
Rất nhiều người chia sẻ về việc họ vượt qua được những áp lực tâm lý, stress lo âu, trầm cảm, hoặc bệnh tật được chia sẻ trên mạng. Và lâu dài chính họ trở thành các chuyên gia tâm lý, thành “coach” để tiếp tục thực hiện “sứ mệnh” đi “chữa lành” cho người khác.
Người Việt Nam thường không có thói quen trị liệu tâm lý, khi gặp vấn đề trục trặc trong đời sống tinh thần thì lại đi cầu cúng, tìm đến các dịch vụ chữa lành, nên hiện nay dịch vụ chữa lành do tư nhân tổ chức mọc lên rất nhiều.
Trong khi các bác sĩ tâm lý thường phải mất 4 – 5 năm, thậm chí cả chục năm để có bằng cấp liên quan đến tư vấn tâm lý, nhưng với các “chuyên gia”, các “coach” “chữa lành” thì dường như người ta không thấy có một nơi nào đào tạo bài bản, bằng cấp, mà tất cả là tự nhận mà ra. Vậy nên việc đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực tâm lý đang ngày càng được quan tâm
Hiện nay, ngành Tâm lý học hội đủ “thiên thời, địa lợi” để trở thành một hướng đi cho bạn trẻ yêu thích tìm tòi, nghiên cứu, đặc biệt là chuyên ngành tham vấn và trị liệu với mục tiêu cải thiện tình trạng tinh thần và sức khỏe thể chất.
Cách tốt nhất để tự chữa lành, mỗi người hãy tự trang bị cho bản thân những kỹ năng sống, kỹ năng mềm, và tinh tế hơn là năng lực cảm xúc – xã hội. Đây là những nguồn lực nội tâm quan trọng giúp củng cố khả năng phục hồi và tự thích ứng, đương đầu với các khó khăn trong cuộc sống. Anh có cho rằng như vậy là đúng đắn?
– 3 thành tố hợp thành năng lực của một con người là: Kiến thức, kỹ năng và thái độ theo mô hình ASK. Trong 3 yếu tố trên thì 3 yếu tố sau đều thuộc về kỹ năng và nó có vai trò quyết định trong việc hình thành nhân cách, bản lĩnh, tính chuyên nghiệp và sự thành công của mỗi con người.
Xã hội hiện đại có sự thay đổi toàn diện về nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa và lối sống với tốc độ nhanh đã làm nảy sinh những vấn đề mà trước đây con người chưa gặp, chưa trải nghiệm, chưa phải ứng phó, đương đầu. Hoặc có những vấn đề đã xuất hiện trước đây, nhưng nó chưa phức tạp, khó khăn và đầy thách thức trong xã hội hiện đại, nên con người dễ hành động theo cảm tính và không tránh khỏi rủi ro, nguy cơ, thách thức trong cuộc sống. Khi đó, kỹ năng sống chính là hành trang giúp con người chuyển những điều đã biết đến để thay đổi hành vi, nhờ đó mà đạt được lối sống lành mạnh, đảm bảo chất lượng cuộc sống, kỹ năng sống là một phần quan trọng trong nhân cách con người trong xã hội hiện đại.
Vậy nên tự trang bị cho bản thân những kỹ năng sống, kỹ năng mềm, và tinh tế hơn là năng lực cảm xúc – xã hội là cách để bạn có thể thích ứng với cuộc sống.
Theo anh, làm cách nào để tự chữa lành cho chính mình?
– Phương pháp chữa lành là phải làm thế nào để hóa giải vấn đề một cách tích cực, chứ không phải như một làn sóng xa bờ xuất hiện, rồi sẽ mất hút đi lúc nào đó.
Đầu tiên là có kế hoạch làm việc và thư giãn hợp lý, đừng quên nghỉ ngơi và thư giãn đầu óc bằng những sở thích cá nhân của mình.
Tiếp đó là cần có chế độ ăn lành mạnh, vì não cần sự kết hợp của các chất dinh dưỡng để duy trì sức khỏe và hoạt động tốt giống như mọi bộ phận khác trong cơ thể.
Thứ ba, tập luyện thường xuyên, hoạt động thể chất rất quan trọng đối với mọi khía cạnh sức khỏe, bao gồm cả sức khỏe tâm thần.
Thứ tư là ngủ tốt hơn, giấc ngủ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần. Theo nghiên cứu, những người ngủ ít hơn 5 giờ mỗi đêm có nguy cơ cao mắc bệnh tâm thần.
Thứ năm, xử lý stress. Stress có thể liên quan đến công việc, các mối quan hệ hoặc vấn đề tiền bạc, stress kéo dài rất nguy hiểm cho sức khỏe tâm thần. Hãy biết cách loại trừ thông tin nhiễu (chuyện ngoài lề không tham gia).
Tiếp đó là tìm việc làm có thu nhập, tham gia các hoạt động tình nguyện, thỏa mãn sở thích. Thất nghiệp có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần. Tham gia hoạt động tình nguyện hoặc thỏa mãn các sở thích cá nhân cũng có hiệu quả thúc đẩy sức khỏe tâm thần tốt.
Và tránh lạm dụng rượu bia, các chất kích thích. Vì nếu sử dụng thường xuyên, lâu dài nó sẽ khiến thần kinh bị lệ thuộc, gây nên các chứng ảo giác, mất kiểm soát trong suy nghĩ, hành động. Cuối cùng là nên hạn chế sử dụng các thiết bị thông minh, game online.
Xin cảm ơn anh!