Nhiều người mắc bệnh tiểu đường cần kiểm tra chỉ số đường huyết khi hoạt động thể chất. Chi tiết như sau (đơn vị được tính bằng miligam trên deciliter (mg/dL) hoặc milimol trên lít (mmol/L):
Thấp hơn 90 mg/dL (5,0 mmol/L): Lượng đường trong máu của bạn có thể quá thấp để tập thể dục một cách an toàn. Trước khi tập luyện, hãy ăn một bữa ăn nhẹ chứa 15 đến 30 gram carbohydrate như nước ép trái cây, trái cây, bánh quy… Sau khi tập thể dục, kiểm tra lại lượng đường trong máu để biết liệu có ở mức khoảng 90 mg/dL hay không.
Từ 90 – 124 mg/dL (5 – 6,9 mmol/L): Uống 10 gram glucose trước khi tập thể dục.
Từ 126 – 180 mg/dL (7 – 10 mmol/L): Sẵn sàng để tập thể dục. Tuy nhiên cần lưu ý rằng lượng đường trong máu có thể tăng nếu bạn tập luyện thiên về sức mạnh hoặc các bài tập aerobic cường độ cao trong thời gian ngắn.
Từ 182 – 270 mg/dL (10,2 – 15 mmol/L): Phù hợp để tập thể dục. Lưu ý rằng chỉ số đường huyết có thể tăng nếu bạn tập luyện sức mạnh hoặc với cường độ cao ngắt quãng.
Trên 270 mg/dL (15 mmol/L): Đây là vùng thận trọng. Lượng đường trong máu của bạn có thể quá cao để tập thể dục một cách an toàn. Trước khi tập luyện, hãy kiểm tra nước tiểu của bạn để tìm xeton. Sự hiện diện của loại chất này cho thấy cơ thể bạn không có đủ insulin để kiểm soát chỉ số đường huyết.
Nếu tập thể dục khi có lượng xeton cao, bạn có nguy cơ mắc phải nhiễm toan xeton. Do có thể đe dọa đến tính mạng nên nó đòi hỏi phải điều trị khẩn cấp. Nhiễm toan xeton có thể xảy ra với bất kỳ ai mắc bệnh tiểu đường và phổ biến với bệnh tiểu đường loại 1.
Nhìn chung, nếu dự định tập luyện thể dục lâu dài, bạn nên kiểm tra lượng đường trong máu sau mỗi 30 phút. Qua đó nắm rõ được liệu việc tiếp tục vận động có an toàn hay không. Ngừng tập thể dục nếu chỉ số đường huyết là 70 mg/dL (3,9 mmol/L) hoặc thấp hơn. Khi đó bạn sẽ cảm thấy run rẩy, mệt mỏi, chóng mặt hoặc bối rối.