Làm sao để biết con bạn béo phì hay thừa cân?
Tiến sĩ Esha Gupta – bác sĩ chuyên khoa nhi tư vấn, Bengaluru, tại Ấn Độ – cho biết, việc xác định béo phì ở trẻ em là rất quan trọng để kịp thời can thiệp và ngăn ngừa các nguy cơ sức khỏe. Dưới đây là những điều cha mẹ nên chú ý ở con mình.
Chỉ số khối cơ thể (BMI): Biểu đồ BMI cho trẻ em có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo để đánh giá xem trẻ có nằm trong phạm vi cân nặng khỏe mạnh hay không.
– Trọng lượng khỏe mạnh: Từ 5 đến 84%.
– Thừa cân: Từ 85% đến 94%.
– Béo phì: 95% trở lên.
Vấn đề về hô hấp: Béo phì ở trẻ em có thể dẫn đến khó thở, chẳng hạn như hen suyễn.
Hình dáng cơ thể: Bất kỳ sự thay đổi đáng chú ý nào về hình dáng cơ thể của trẻ đều có thể là dấu hiệu của bệnh béo phì, mỡ thừa chủ yếu tích tụ quanh bụng.
Đau khớp: Thừa cân hoặc béo phì có thể gây căng thẳng cho khớp.
Nguyên nhân gây béo phì ở trẻ em
Tiến sĩ Gupta cho hay: “Lựa chọn chế độ ăn uống kém và tiêu thụ quá nhiều thức ăn nhanh, loại thực phẩm có hàm lượng calo cao và ít chất dinh dưỡng, có thể góp phần gây ra tình trạng này. Ngoài ra, lối sống ít vận động và thời gian ngồi trước màn hình kéo dài cũng có thể là nguyên nhân gây béo phì ở trẻ em”.
Cha mẹ nên làm gì khi con có dấu hiệu béo phì?
Nếu không được kiểm soát và giải quyết, tình trạng béo phì ở trẻ em có thể gây ra một số biến chứng lâu dài. Những biến chứng này bao gồm tăng nguy cơ phát triển các bệnh mạn tính, tiểu đường loại 2, hen suyễn, huyết áp cao, cholesterol cao, bệnh tim, gan nhiễm mỡ…
Vì vậy, điều quan trọng là cha mẹ phải thực hiện các bước cần thiết, bao gồm:
– Duy trì giấc ngủ hợp lý cho trẻ.
– Thực hiện theo kế hoạch ăn kiêng lành mạnh.
– Ăn nhiều loại rau và trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm ít chất béo.
– Giúp trẻ kiểm soát khẩu phần ăn.
– Tăng cường hoạt động thể chất.
– Giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử.