Thời gian cấp cứu là vàng
Vừa qua, trên các mạng xã hội lan truyền thông tin, nữ điều dưỡng Đặng Thị Hạ – Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai – kịp thời cấp cứu, cứu sống du khách nước ngoài ngừng tim đột ngột tại một nhà hàng ở Đà Nẵng.
Khi đang ăn tối cùng vợ, người đàn ông xuất hiện choáng, đi loạng choạng, ngã quỵ xuống đất, mất ý thức, vệ sinh không tự chủ, ngừng tim và được cấp cứu kịp thời. Sau khoảng vài chục lần ép tim ngoài lồng ngực theo chu kỳ, bệnh nhân có ý thức trở lại, ổn định chức năng sống và được xe Cấp cứu 115 Đà Nẵng vận chuyển đến cấp cứu tại một bệnh viện ở địa phương.
Ca cấp cứu diễn ra khoảng 2 phút tại chỗ đã cứu sống người đàn ông. Bởi trong tình huống không được hồi sinh tim phổi kịp thời, bệnh nhân ngừng tuần hoàn có thể chết não và tử vong chỉ trong 3-5 phút.
Một trường hợp khác vừa được cứu sống tại Bệnh viện Bạch Mai vào tháng 3 vừa qua, nữ bệnh nhân P.L.Q.L (21 tuổi) bị tai nạn giao thông được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Cấp cứu A9 – Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng đa chấn thương, ngừng tuần hoàn ngoại viện, sốc mất máu nghiêm trọng.
PGS.TS Đào Xuân Cơ – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai – cho biết, điểm mấu chốt của thành công trong trường hợp đặc biệt này là sự kết hợp tác chiến kịp thời đa chuyên khoa của đội ngũ y bác sĩ. Bên cạnh đó, trường hợp này cũng phải kể tới việc cấp cứu ngoại viện đúng cách và kịp thời.
Trong trường hợp bệnh nhân P.L.Q.L, khi xảy ra tai nạn đã được nhân dân quan tâm gọi cấp cứu 115, đưa vào cơ sở y tế gần nhất tại Thường Tín, sơ cứu ban đầu đã làm đúng cách, đặt nội khí quản, khi vào đến Bệnh viện Bạch Mai đã được Trung tâm Cấp cứu A9 cấp cứu ngừng tuần hoàn, tiếp máu tối cấp và sau đó nhanh chóng được phẫu thuật.
Sơ cấp cứu là nhằm giảm thiểu các trường hợp tử vong
PGS.TS Đào Xuân Cơ cho rằng, trong cuộc sống, các tai nạn, biến cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do đó, cần phải cấp cứu ngay tại chỗ. Trong khoảng 10 giây, não thiếu ôxy, con người sẽ giảm ý thức và dẫn đến hôn mê.
“Có trường hợp một em bé sặc dị vật, chặn đường thở. Những người xung quanh cần phải tìm cách lấy dị vật ngay tại chỗ chứ không phải gọi cho y tế vì sẽ không kịp thời gian để y tế đến hỗ trợ. Hoặc gần đây, có trường hợp một bé gái 11 tuổi đã cứu sống em mình do bị đuối nước bằng các kỹ năng học ở trường.
Hay với người bệnh đột quỵ (đột quỵ não và đột quỵ tim) với khoảng thời gian vàng từ 3-4h đầu sau khi khởi phát, nếu người bệnh được cấp cứu kịp thời và đưa đến bệnh viện đúng lúc thì cơ hội sống và phục hồi rất cao. Nhiều trường hợp chấn thương do tai nạn, thảm họa… không được xử trí cấp cứu ban đầu, không được kiểm soát các chức năng sống (như đường thở, hô hấp, tuần hoàn), không được băng bó, cầm máu, cố định xương gãy đúng cách… làm mất cơ hội cứu chữa, thậm chí tử vong trước khi được đưa đến viện…” – PGS.TS Đào Xuân Cơ đưa ra dẫn chứng.
Bác sĩ Ngô Đức Hùng – Trung tâm Cấp cứu A9 – Bệnh viện Bạch Mai – cho biết: Mục đích của sơ cấp cứu là nhằm giảm thiểu các trường hợp tử vong, hạn chế tổn thương thứ phát và tạo điều kiện cho nạn nhân hồi phục.
Nguyên tắc chung của sơ cấp cứu phải là: An toàn; Không di chuyển nạn nhân khi chưa đánh giá ban đầu; Bình tĩnh và luôn cần sự trợ giúp; Hành động thống nhất; Đề phòng lây nhiễm: Đeo găng tay hoặc sử dụng túi nylon khi tiếp xúc với vết thương; Rửa tay trước và sau khi sơ cứu; Xử lý các vật dụng sau khi sơ cứu.
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, cấp cứu ngoại viện nghĩa là hành động cấp cứu ở ngoài khu vực bệnh viện, như cơ quan, công sở, trường học, các khu du lịch, nhà máy, khách sạn… Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ phối hợp với Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam đào tạo nguồn lực cấp cứu ngoại viện cho đội ngũ y tế các tuyến địa phương.