Số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh
Theo Bộ Y tế, chỉ trong 1 tuần, cả nước ghi nhận hơn 3.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Tích lũy từ đầu năm, cả nước ghi nhận 52.957 trường hợp, giảm so với cùng kỳ.
Một số địa phương số ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh. Như tỉnh Quảng Bình, đến ngày 21.8, toàn tỉnh có 906 ca mắc sốt xuất huyết. Số ca ghi nhận mắc sốt xuất huyết tăng gấp 4,1 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trường hợp tử vong đầu tiên do bệnh này là bệnh nhi V.A.H. (sinh năm 2023) ở Quảng Trạch.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết cộng dồn năm 2024, TP ghi nhận 2.050 ca mắc sốt xuất huyết, 0 ca tử vong. CDC Hà Nội nhận định, thời tiết hiện nay nắng nóng kèm theo mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để phát sinh muỗi truyền bệnh; kết quả giám sát tại một số ổ dịch vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ, dự báo số ca mắc tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, toàn thành phố Hải Phòng đã có hơn 10.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó địa bàn quận Lê Chân vẫn tiếp tục nóng với số ca mắc cao nhất. Đáng chú ý, nhiều hộ dân còn lơ là, chủ quan và không hợp tác với tổ công tác trong phòng chống dịch.
Sắp có vaccine sốt xuất huyết
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành và sử dụng vaccine phòng sốt xuất huyết do Takeda sản xuất. Đây là vaccine sốt xuất huyết đầu tiên được phê duyệt tại Việt Nam từ trước tới nay, với chỉ định cho các đối tượng từ 4 tuổi trở lên, không phân biệt người đã từng hoặc chưa mắc bệnh bao giờ, tức là không cần phải xét nghiệm trước khi tiêm.
Dự kiến, vaccine sốt xuất huyết sẽ có mặt tại một số trung tâm tiêm chủng trong cả nước bắt đầu từ tháng 9.2024.
Vaccine Qdenga phòng sốt xuất huyết do hãng dược phẩm Takeda sản xuất có hiệu lực bảo vệ hơn 80% chống lại cả 4 nhóm huyết thanh virus sốt xuất huyết, dành cho trẻ từ 4 tuổi trở lên. Lịch tiêm 2 mũi cách nhau 3 tháng.
Vaccine sốt xuất huyết mà Việt Nam phê duyệt cũng đã được cấp phép ở hơn 30 quốc gia, bao gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Brazil, Indonesia, Thái Lan và Malaysia…
Vaccine cũng đã được phê duyệt và sử dụng cho chương trình tiêm chủng quốc gia tại Brazil và Argentina.
Theo WHO, đối tượng có thể áp dụng tiêm phòng vaccine sốt xuất huyết là trẻ em và người lớn tùy theo tình hình dịch tễ và gánh nặng bệnh tật ở từng quốc gia về tình hình sốt xuất huyết nghiêm trọng ở các nhóm dân số đặc thù cũng như các dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả của vaccine sốt xuất huyết.
Theo Nghị quyết 104/NQ-CP của Chính phủ, 4 loại vaccine quan trọng sẽ được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng trong giai đoạn 2021-2030 là vaccine phòng bệnh do virus Rota, vaccine phòng bệnh do phế cầu, vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung và vaccine phòng bệnh cúm mùa.
Hiện nay, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã miễn phí 10 loại vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Việc bổ sung thêm 4 loại vaccine mới sẽ giúp nâng cao tỉ lệ tiêm chủng, bảo vệ sức khỏe cho người dân, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ.
Tuy nhiên, vaccine sốt xuất huyết không nằm trong chương trình này.
Nguồn tin: https://laodong.vn/suc-khoe/cao-diem-dich-sot-xuat-huyet-vaccine-sap-trien-khai-1382676.ldo