Theo TS.BS Lê Văn Tuấn – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM, suy giảm trí nhớ ở người trẻ là tình trạng trí nhớ có dấu hiệu suy giảm bất thường ở người trẻ. Tình trạng này không chỉ tác động tiêu cực đến trí não mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Người trẻ bị suy giảm trí nhớ có thể lãng quên các hoạt động, sự việc thường ngày như nấu ăn, cuộc hẹn, địa điểm quen thuộc… Bên cạnh đó, còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu suất học tập và làm việc của người trẻ.
Khi đó, người trẻ bị suy giảm trí nhớ phải đối mặt với nhiều vấn đề trong cuộc sống và có xu hướng tránh các hoạt động xã hội. Lâu dần, điều này có thể dẫn đến rối loạn lo âu, trầm cảm.
Chứng suy giảm trí nhớ có thể còn là dấu hiệu của một số bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể, trong đó có mất ngủ, thiếu ngủ, thiếu máu não, thoái hóa thần kinh, alzheimer, thậm chí đột quỵ, u não… Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tình trạng suy giảm trí nhớ ở người trẻ có thể tiến triển nhanh, gây nguy hiểm cho người bệnh.
Suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, bao gồm bệnh lý hoặc vấn đề tâm lý nghiêm trọng như trầm cảm, stress, chứng mất ngủ, đột quỵ, bệnh Alzheimer…
Để phòng tránh nguy cơ bị suy giảm trí nhớ, bác sĩ Tuấn khuyến cáo người trẻ cần nâng cao sức khỏe tổng thể bằng cách rèn luyện thể chất, xây dựng chế độ dinh dưỡng và lối sống khoa học và rèn luyện trí não. Đồng thời, tránh tác nhân gây suy giảm trí nhớ như chất kích thích, thăm khám sức khỏe định kì.