Vai trò của tuyến giáp
Theo tiến sĩ Harshitha Boyareddigari, chuyên gia tư vấn – bệnh tiểu đường và nội tiết, bệnh viện Manipal, Sarjapur và Jayanagar, tại Ấn Độ cho biết, tuyến giáp sản xuất hormone thyroxine và triiodothyronine đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất, điều hòa năng lượng cũng như tăng trưởng và phát triển tổng thể. Những hormone này ảnh hưởng đến hầu hết mọi tế bào trong cơ thể, đảm bảo các cơ quan của chúng ta hoạt động tối ưu.
Căng thẳng ảnh hưởng đến tuyến giáp như thế nào?
Mất cân bằng về mức độ hormone: Theo tiến sĩ Boyareddigari, căng thẳng cũng là yếu tố gây ảnh hưởng gián tiếp đến chức năng của tuyến giáp thông qua tuyến thượng thận (tuyến nội tiết phía trên của quả thận). Khi cơ thể đối diện với căng thẳng, tuyến thượng thận sẽ giải phóng một lượng chất cortisol nhằm chống viêm và gây ức chế căng thẳng. Tuy nhiên, sự gia tăng glucocorticoid và cortisol do tình trạng căng thẳng kéo dài sẽ làm rối loạn hoạt động của tuyến giáp. Nếu tình trạng căng thẳng được giải quyết, chức năng của tuyến giáp sẽ hoạt động bình thường và cân bằng nồng độ của các hormone.
Phản ứng tự miễn dịch: Căng thẳng mạn tính có thể góp phần gây ra các tình trạng tuyến giáp tự miễn dịch như bệnh hashimoto hoặc bệnh graves. Trong những tình trạng này, hệ thống miễn dịch tấn công nhầm tuyến giáp, dẫn đến viêm và rối loạn chức năng.
Kiểm soát căng thẳng để hạn chế nguy cơ bị bệnh
– Bổ sung cho cơ thể đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất như vitamin A, B, C, D, E, kẽm, selenium, magie, sắt,… nhằm cải thiện tình trạng mệt mỏi, giúp cơ thể tỉnh táo và giảm bớt căng thẳng.
– Xây dựng và duy trì thói quen ăn uống lành mạnh cũng như cân bằng chế độ dinh dưỡng. Bên cạnh đó, hạn chế sử dụng các thức ăn, nước uống có chứa caffein, cồn, chất béo và đường.
– Giấc ngủ rất quan trọng vì trong thời gian ngủ, cơ thể sẽ hồi phục sức khỏe, giảm bớt căng thẳng. Ngoài ra, trước khi đi ngủ, mọi người nên hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, tivi.
– Duy trì thói quen tập luyện thể dục không những giúp tăng cường sức khỏe thể chất mà còn làm giảm nồng độ cortisol trong cơ thể. Nhờ đó mà cơ thể luôn trong trạng thái thoải mái, giảm bớt cảm xúc tiêu cực như giận dữ, lo lắng, căng thẳng.
– Kết hợp các kỹ thuật giảm căng thẳng như thở sâu, thiền, yoga để có thể giúp kiểm soát mức độ căng thẳng.