Liên quan đến tình trạng quá tải bệnh nhân xạ trị tại Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ mà Báo Lao Động phản ánh, bác sĩ Chuyên khoa II Trần Thanh Phong – Trưởng khoa Điều trị tia xạ thông tin, hiện khoa đang sử dụng máy xạ trị Cobalt 60 để xạ trị cho bệnh nhân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây cũng là chiếc máy duy nhất được trang bị tại bệnh viện.
“Máy xạ trị Cobalt đưa vào sử dụng từ năm 2010, là máy xạ trị lạc hậu mà các bệnh viện trong nước và thế giới không nơi nào còn dùng nữa. Tuy nhiên đối với Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ phải sử dụng nó hết công suất”, bác sĩ Phong bày tỏ.
Theo đó, để đáp ứng cho 300 lượt bệnh chờ đợi mỗi ngày, Khoa Điều trị tia xạ đã chia 4 ca trực xạ trị cả ngày lẫn đêm. Mỗi lượt xạ trị trung bình từ 15 – 20 phút, đáp ứng được khoảng 75 người/ngày. Tính toán này đang dựa trên con số lý tưởng, chưa kể những lúc máy trục trặc hư hỏng, công tác xạ trị bị trì trệ.
Trong khi đó, đối với hệ thống máy xạ trị gia tốc hiện đại mà các bệnh viện trên cả nước đang sử dụng, mỗi lượt xạ trị chỉ kéo dài 5 – 7 phút, rút ngắn được 1/3 thời gian.
Anh Nguyễn Văn Hòa – Kỹ thuật viên, Khoa Điều trị tia xạ trăn trở: “Chúng tôi đã cố gắng hết sức lực của người và máy nhưng vẫn không đáp ứng được 1/4 nhu cầu bệnh của vùng. Từ ngày đến đêm, chúng tôi phải vào ra nơi có hàng chục, hàng trăm bệnh nhân mòn mỏi chờ đợi. Họ đau đớn còn chúng tôi thì đau lòng và áp lực”.
Trao đổi với Lao Động, ông Võ Văn Kha – Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ cho biết, bệnh viện đã trình các cơ quan chức năng của thành phố từ 6 tháng trước để khẩn thiết xin được đầu tư mới hệ thống máy xạ trị gia tốc thay thế cho máy xạ trị Cobalt lạc hậu.
“Nếu không kịp thời đầu tư các trang thiết bị này trong thời gian sớm nhất thì có thể bệnh viện phải ngưng hoạt động hệ thống xạ trị.
Tôi cũng muốn nói thêm, ở các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau hay Trà Vinh đều đã có hệ thống máy xạ trị gia tốc nhưng không phải bệnh nhân nào cũng đến xạ trị được. Thứ nhất, họ phải di chuyển xa và kế đến, đa số bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn lệ thuộc vào bảo hiểm y tế. Chúng tôi không ngoại trừ khả năng rằng khi Cần Thơ ngưng hoạt động hệ thống xạ trị sẽ có rất nhiều bệnh nhân không được xạ trị kịp thời” – ông Kha phân tích.
Vị giám đốc nói thêm, với việc xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 59 ngày 5.8.2020 của Bộ Chính trị, Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ sẽ là một trong những trung tâm y tế chuyên sâu của vùng ĐBSCL. Triển khai thực hiện Nghị quyết, bệnh viện đã và đang tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho bệnh nhân ung bướu.
Song, thực trạng cơ sở vật chất hạn chế hiện nay chính là “điểm nghẽn” trong việc phát triển bệnh viện và tạo niềm tin với người dân vùng ĐBSCL.