Trao đổi với Lao Động, ông Hoàng Quốc Cường – Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ – thông tin, hiện nay, Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ chỉ có 1 máy xạ trị Cobalt, không đủ đáp ứng nhu cầu điều trị cho người dân của vùng. Do đó, sở đang phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương xin chủ trương đầu tư thêm 1 máy xạ trị mới (đặt tại cơ sở 1 nằm trên đường Châu Văn Liêm, phường Tân An).
Về cơ bản, chủ trương trên được lãnh đạo thành phố, Hội đồng nhân dân thành phố ủng hộ.
Đối với thực hiện, Sở Y tế Cần Thơ phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và đầu tư thành phố sớm trình chủ trương, sau khi phê duyệt sẽ lập dự án và kế đến tiến hành mua sắm đấu thầu để trang bị máy mới.
“Nếu các thủ tục trình thông qua chủ trương cũng như các dự án thì nhanh nhất trong năm 2025, chúng tôi mới hoàn thành nhiệm vụ đầu tư máy xạ trị cho bệnh viện. Tuy nhiên, sau khi thay thế thì số lượng máy xạ trị vẫn chỉ là 1 máy nên cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị của người dân miền Tây. Do đó, trong thời gian tới không loại trừ khả năng bệnh nhân ung bướu vẫn phải chờ để xạ trị” – ông Cường cho biết.
Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ nói thêm, theo quy hoạch chuẩn điều trị ung bướu quốc tế thì trên 1 triệu người dân phải có 1 máy xạ trị trong khi ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng tiêu chuẩn này.
Được biết, mỗi máy xạ trị giá khoảng 130 tỉ đồng.
Trước đó, Báo Lao Động có thực hiện loạt bài về tình trạng quá tải bệnh nhân chờ xạ trị tại Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ bởi nơi đây chỉ có 1 máy xạ trị. Theo lời bác sĩ Chuyên khoa II Trần Thanh Phong – Trưởng khoa Điều trị tia xạ của bệnh viện – thông tin, máy xạ trị này đã lạc hậu, đã dùng 14 năm, hoạt động hết công suất 24/7 cũng chỉ xạ trị được khoảng 75 bệnh/ngày. Trong khi đó, số lượng bệnh chờ ở cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lên đến 300, cao điểm 400 người.