BS Lê Thị Thanh Mai – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 – cho biết, nhồi máu cơ tim cấp là một tình trạng nguy hiểm tính mạng, xảy ra khi dòng máu đến cơ tim đột ngột bị ngừng trệ, dẫn đến thiếu máu mô cơ tim. Bệnh thường là kết quả của sự tắc nghẽn của hệ thống mạch vành. Tắc nghẽn có thể do sự hình thành mảng xơ vữa tại chỗ với thành phần chủ yếu là chất béo, cholesterol và sản phẩm thải của tế bào hoặc do huyết khối từ nơi khác đến làm giảm đột ngột dòng máu đến tim.
Nhồi máu cơ tim là căn bệnh vô cùng nguy hiểm bởi nó có thể cướp đi tính mạng con người bất kỳ thời điểm nào. Đây là một cấp cứu tim mạch nguy hiểm, nếu may mắn sống sót, người bệnh vẫn có nguy cơ cao bị tái phát nhồi máu cơ tim, suy tim hoặc đột tử.
BS Lê Thị Thanh Mai cho biết, triệu chứng của nhồi máu cơ tim cấp rất đa dạng nhưng điển hình là đau ngực và khó thở. Các triệu chứng bao gồm cảm giác nặng ngực hoặc thắt bóp trong tim; đau vùng ngực lan ra sau lưng, lên hàm hoặc cánh tay trái, kéo dài hơn vài phút hoặc có thể hết sau đó tái phát; khó thở, vã mồ hôi, buồn nôn, cảm giác ngột thở.
Một điều quan trọng là các bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim thường có biểu hiện rất khác nhau về triệu chứng và mức độ.
Đau ngực là triệu chứng điển hình và phổ biến nhất ở cả hai giới. Tuy nhiên triệu chứng ở phụ nữ thường ít điển hình hơn nam giới có thể là khó thở, đau hàm, đau vùng lưng, choáng váng, buồn nôn và nôn.
Thậm chí, có một vài phụ nữ bị nhồi máu cơ tim nhưng triệu chứng giống như nhiễm cúm.
Bác sĩ Lê Thị Thanh Mai giải thích: Yếu tố chính thúc đẩy quá trình tạo mảng xơ vữa là chất béo trong máu. Ăn nhiều thực phẩm chiên rán và chế biến sẵn, thịt, thực phẩm hàng ngày chứa nhiều chất béo không có lợi và chất béo chuyển hóa bão hòa gây nguy cơ cao. Béo phì có thể tăng nguy cơ bệnh này.
Giảm cholesterol máu và những chất béo không có lợi trong cơ thể thông thường cần một chế độ ăn cân bằng chứa ít thực phẩm đã qua chế biến, và sử dụng thuốc giảm mỡ máu nếu cần.
Có nhiều cách để dự phòng nhồi máu cơ tim và góp phần hồi phục, trong đó bao gồm thay đổi ăn uống và lối sống. Bữa ăn nên chứa chủ yếu: Ngũ cốc nguyên hạt, rau củ, hoa quả, protein nạc.
Giảm các thực phẩm chứa đường, thực phẩm đã qua chế biến, ngừng hút thuốc (kể cả hút thuốc lá điện tử) sẽ làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và có lợi cho cả hệ tim mạch và hệ hô hấp của bạn.