Hệ thống tim mạch, còn được gọi là hệ tuần hoàn, bao gồm tim và một mạng lưới mạch máu chặt chẽ, chẳng hạn như động mạch, tĩnh mạch và mao mạch.
Chức năng chính của tim là bơm máu và oxy đi khắp cơ thể và vận chuyển các chất thải đến các cơ quan giúp loại bỏ chúng. Các mạch máu như tĩnh mạch cung cấp máu cho tim, trong khi các động mạch đưa máu ra khỏi tim.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, khi hệ thống tuần hoàn ngừng hoạt động bình thường, nó có thể dẫn đến bệnh tim mạch (CVD) và đã cướp đi sinh mạng của khoảng 1,79 triệu người vào năm 2019. Trong đó có 85% là do đau tim và đột quỵ.
Mặc dù ở giai đoạn đầu, bệnh tim không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào đáng chú ý nhưng theo thời gian, bạn có thể nhận thấy một số dấu hiệu nhất định trên cơ thể. Cụ thể, TS. Subrat Akhoury, Giám đốc Phòng thí nghiệm Cath, Bác sĩ tim mạch và là Giám đốc Bệnh viện Châu Á (ở thành phố Faridabad, Bắc Ấn Độ) đã đưa ra những phân tích về vấn đề này.
Nhóm người có nguy cơ mắc bệnh tim
Theo TS. Subrat Akhoury, bệnh tim xảy ra khi các động mạch của tim không cung cấp đủ máu giàu oxy từ tim đến phần còn lại của cơ thể. Điều này có thể do sự lắng đọng cholesterol hoặc hình thành mảng bám, có thể thu hẹp động mạch, hạn chế lưu lượng máu đến tim.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ), phụ nữ từ 55 tuổi trở lên hoặc nam giới từ 45 tuổi trở lên có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn. Ngoài ra, các tình trạng sức khỏe như huyết áp cao, cholesterol cao, béo phì và tiểu đường cũng làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch.
Hơn nữa, các yếu tố về lối sống như chế độ ăn uống không lành mạnh, hạn chế hoạt động thể chất, hút thuốc và uống quá nhiều rượu cũng có thể làm tăng thêm nguy cơ mắc bệnh.
Hai vùng trên cơ thể có thể báo hiệu các vấn đề về tim
TS. Akhoury cho biết, hệ thống tim mạch rất quan trọng trong việc duy trì lưu lượng máu đi khắp cơ thể. Bệnh tim thường cản trở quá trình này, ảnh hưởng đến khả năng bơm máu hiệu quả của tim.
Một nguyên nhân phổ biến của bệnh tim là xơ vữa động mạch, một tình trạng đặc trưng bởi sự tích tụ mảng bám trong động mạch.
“Mảng bám này bao gồm cholesterol, chất béo và các chất khác, làm thu hẹp động mạch, hạn chế lưu lượng máu. Khi các động mạch cung cấp máu cho các chi bị tắc nghẽn hoặc thu hẹp, nó có thể dẫn đến giảm lưu thông máu, khiến bạn cảm giác lạnh và tê ở cánh tay và chân”, vị bác sĩ nói.
Ngoài ra, khi lưu lượng máu đến các chi giảm đi, nó cũng có thể làm mất đi lượng oxy cần thiết ở khu vực này, gây tổn thương các dây thần kinh và mô ở cánh tay và chân, dẫn đến tê và cảm giác lạnh ở khu vực đó.
Các triệu chứng thường gặp
TS. Subrat Akhoury liệt kê các triệu chứng thường gặp của người mắc bệnh tim gồm: Đau ngực hoặc khó chịu; chóng mặt, choáng váng; ngất xỉu; tim đập nhanh; nhịp tim quá nhanh hoặc quá chậm; hụt hơi.
Bệnh tim là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Thật không may, nó không biểu hiện bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng đáng chú ý nào, đó là lý do tại sao nó thường được chẩn đoán ở giai đoạn sau.
Điều quan trọng là bạn cần đánh giá các yếu tố rủi ro và thực hiện các biện pháp phòng ngừa chống lại chúng.
TS. Akhoury khuyên rằng, mọi người nên ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và bỏ hút thuốc. Đây là một số cách phổ biến để giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Ngoài ra, hãy lưu ý ngay cả những dấu hiệu nhỏ nhất của vấn đề về tim mạch.