Vaccine phòng sốt xuất huyết của Takeda là một trong số 40 vaccine, sinh phẩm được cấp phép, gia hạn lần này. Vaccine sốt xuất huyết sử dụng cho người từ 4 tuổi trở lên, bất kể đã hoặc chưa từng mắc bệnh. Đây là vaccine sốt xuất huyết đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam cho cá nhân mà không cần xét nghiệm trước khi tiêm.
Theo dự kiến, vaccine phòng sốt xuất huyết vừa được phê duyệt sẽ có mặt tại Việt Nam bắt đầu từ tháng 9.2024.
Đến nay, vaccine phòng sốt xuất huyết do Takeda sản xuất đã được phê duyệt ở hơn 30 quốc gia, bao gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Brazil, Argentina, Indonesia, Thái Lan và Malaysia.
Vaccine này cũng đã được phê duyệt và sử dụng cho Chương trình Tiêm chủng quốc gia tại Brazil và Argentina.
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 1 trường hợp tử vong. Sốt xuất huyết có thể diễn biến đột ngột gây nhiều biến chứng đặc biệt nguy hiểm, thậm chí tử vong, thời gian phục hồi lâu. So với cùng kỳ năm 2023 số mắc giảm 1,6 lần; có 1 trường hợp tử vong, giảm 5 ca so với cùng kỳ.
Bộ Y tế cho biết, xét nghiệm trên người bệnh cho thấy, có cả 4 type huyết thanh gây sốt xuất huyết dengue, trong đó DEN-2 chiếm 88% tổng số ca nhiễm năm 2023 và 70% tổng số ca nhiễm năm 2024.
Phân bố theo thời gian trong năm cho thấy, trường hợp mắc sốt xuất huyết thường tăng cao từ tuần 26 đến tuần 47 (từ tháng 7 đến tháng 11).
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể bùng phát thành dịch do virus Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt bệnh nhân đã nhiễm virus rồi truyền sang cho người bình thường. Bệnh có 3 giai đoạn chính: sốt, nguy hiểm và phục hồi.
Các chuyên gia cho hay, sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư. Do đó, đây là bệnh phải tập trung phòng, chống số một.