Tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM (cơ sở 2), bà N.T.T (55 tuổi, tỉnh Tiền Giang) đang xếp hàng đợi tới đợt xạ trị ung thư của mình. Bà T. được chẩn đoán mắc ung thư vú, nên bác sĩ tư vấn quyết định cho bà T. xạ trị bảo tồn tuyến vú. Tuy nhiên, vì số lượng người đợi đến lượt xạ trị còn nhiều, nên sau gần 6 tuần, bà T. mới được xạ trị.
“Tôi có đăng ký xạ trị trước đó, bác sĩ cũng cho thêm thuốc về nhà uống và theo dõi đợi ngày xạ trị. Ở đây rất đông người dân đến khám, điều trị mỗi ngày nên mình cũng chờ đợi thì cố gắng vậy”, bà T. chia sẻ.
Liên quan đến việc quá tải số lượng người chờ xạ trị kéo dài từ 4-6 tuần tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, qua tìm hiểu được biết, khi đi vào hoạt động cơ sở 2 ở thành phố Thủ Đức, Bệnh viện Ung bướu TPHCM đã bố trí ở tầng hầm 1 và tầng hầm 2 làm khu xạ trị mới.
Tuy nhiên, dù các bác sĩ ở Khoa Xạ trị, Bệnh viện Ung bướu TPHCM đã cố gắng tiếp nhân bệnh nhân xạ trị đến 22h giờ đêm nhưng hiện vẫn còn đang có khoảng 500-600 bệnh nhân đợi tới lượt xạ trị.
TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh – Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết, trung bình một bệnh nhân phải chờ 4-6 tuần mới đến lượt chạy xạ trị. Bệnh viện có số lượng máy xạ trị lớn nhất tại Việt Nam, tuy nhiên việc bệnh nhân có tâm lý đổ dồn về tuyến cuối để điều trị dẫn đến nơi quá tải, trong khi máy xạ trị tuyến cơ sở lại chưa hoạt động hết công suất.
Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng khác là nhân lực phục vụ xạ trị vẫn còn ít. Theo thống kê năm 2020, cả nước có 318 bác sĩ xạ trị, 151 kỹ sư y vật lý, 356 kỹ thuật viên xạ trị, phục vụ cho dân số 100 triệu người, nên nguồn nhân lực vẫn là bài toán nan giải.