Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM là một trong ba bệnh viện tuyến cuối tại TPHCM, chịu trách nhiệm điều trị các ca bệnh nặng liên quan đến nhi khoa. Với kinh nghiệm từ nhiều mùa dịch bệnh, ngay từ đầu năm 2024, bệnh viện đã xây dựng phương án ứng phó với các bệnh dịch có thể xảy ra hàng năm.
Theo TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, từ tháng 6 năm 2024, số ca nhập viện do sởi bắt đầu tăng, đặc biệt tăng cao từ tháng 8 đến nay. Trong 8 tháng đầu năm 2024, bệnh viện ghi nhận 368 ca nhập viện, trong đó có 42 ca nặng (chiếm 11%) đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực. Bệnh nhân từ các tuyến tỉnh chuyển lên chiếm 66%, trẻ dưới 12 tháng tuổi chiếm 55%, và trẻ có bệnh lý nền đi kèm chiếm khoảng 25%.
Bác sĩ Quang Minh cho biết thêm, điều đáng lo ngại hiện nay là đa số bệnh nhân nặng đều từ các tuyến tỉnh chuyển lên. Tỉ lệ bệnh nhi tiêm đủ 2 mũi vaccine là 0%, trong khi có đến 84,6% bệnh nhân nặng chưa được tiêm phòng mũi nào. Hiện tại, trong số 42 bệnh nhân nặng, 28% phải thở máy và 60% có bệnh nền. Rất may mắn là chưa có ca tử vong nào.
Để kiểm soát tình trạng lây nhiễm chéo sởi trong bệnh viện, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã thành lập Ban chỉ đạo chống dịch và xây dựng các phương án chi tiết để phát hiện và xử trí ca sởi một cách hiệu quả, đồng thời dự trù nhân sự, thuốc, vật tư và trang thiết bị cần thiết.
“Khi khám bệnh, bệnh nhi có triệu chứng sởi sẽ được sàng lọc tại Khoa Khám bệnh. Trường hợp có dấu hiệu nặng sẽ được chuyển vào khu cách ly, trong khi các bệnh nhân không nặng sẽ được theo dõi và điều trị tại phòng khám chuyên sởi của bệnh viện. Bệnh nhân cần nhập viện sẽ được bố trí vào các khu riêng. Nhà thuốc bệnh viện cũng có cửa riêng để bán thuốc cho các bệnh nhi mắc hoặc nghi mắc sởi. Mọi khâu đều được tổ chức riêng biệt”, bác sĩ Quang Minh nhấn mạnh.
Gánh nặng hiện nay của các bệnh viện chuyên khoa nhi tuyến cuối ở TPHCM là số lượng bệnh nhân chuyển tuyến tăng cao. Dù đã có công tác hỗ trợ và đào tạo hàng năm cho các tuyến dưới, nhưng bệnh nhân vẫn đổ về nhiều, làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
Lo ngại về vấn đề này, TS. Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, trong thời gian dịch sởi, yêu cầu tất cả người bệnh và khách đến thăm bệnh viện phải đeo khẩu trang, đặc biệt với các đối tượng nặng và có nguy cơ cao.
Phòng lây nhiễm trong bệnh viện là bài học kinh nghiệm từ Bệnh viện Nhi Trung ương, yêu cầu cần cách ly, phân luồng và phòng ngừa lây nhiễm. Để giảm thiểu chuyển tuyến, ngành y tế cần tái thiết lập kênh hỗ trợ từ xa, giúp bệnh nhân có thể được điều trị tại địa phương, tạo sự yên tâm cho các cơ sở y tế tỉnh.
“Thông thường, các bệnh nhi nặng hay chuyển về TPHCM, vô tình có thể mang theo mầm bệnh khi trở lại tỉnh, khiến bệnh viện tuyến cuối trở thành trung tâm phân phối sởi về các địa phương, rất nguy hiểm. Chúng tôi khuyến nghị tiêm phòng sởi ngay tại bệnh viện cho các trường hợp đủ điều kiện, cùng với việc phân luồng điều trị. Dự kiến vào ngày 2.9, chúng tôi sẽ cập nhật phác đồ điều trị sởi mới và sau đó triển khai huấn luyện cho các cơ sở y tế địa phương trên toàn quốc”, TS Trọng Khoa nhấn mạnh.
Nguồn tin: https://laodong.vn/y-te/benh-vien-phan-luong-cach-ly-de-tranh-lay-nhiem-cheo-soi-1386459.ldo