Đa phần bệnh nhi đều có bệnh lý nền nặng đi kèm
Sau hơn 4 ngày cùng con chiến đấu với bệnh sởi, sáng 12.8, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, mẹ của bệnh nhi 5 tháng tuổi từ tỉnh Long An, phải chuyển con sang khoa Thận, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM để điều trị.
Chị Nhung chia sẻ, trước đó, con chị được phát hiện mắc bệnh thận nên cần điều trị tại khoa Thận của bệnh viện. Tuy nhiên, sau hai ngày nhập viện, bệnh nhi bắt đầu có các triệu chứng như sốt cao không hạ, quấy khóc, ho liên tục. Các bác sĩ đã nhanh chóng chẩn đoán bé mắc bệnh sởi và chuyển lên khoa Nhiễm – Thần kinh của bệnh viện để tiếp tục điều trị.
“Bé nổi ban đen khắp người, nhưng may mắn là hôm nay bé đã được bác sĩ chẩn đoán khỏi bệnh sởi, nên sẽ trở về khoa Thận để tiếp tục điều trị. Do bé mới 5 tháng tuổi và đã mắc bệnh thận từ khi sinh ra nên chưa kịp tiêm vaccine sởi, vì vậy gia đình rất lo lắng” – chị Nhung chia sẻ.
Trường hợp khác là một bệnh nhi bị sốt xuất huyết, đã xuất viện được 10 ngày. Tuy nhiên, 6 ngày sau, bệnh nhi 10 tháng tuổi này lại bị sốt, ho, sổ mũi. Gia đình đã mua thuốc cho bé uống trong 2 ngày, nhưng sau đó, bệnh nhi bắt đầu xuất hiện các nốt ban đỏ rải rác trên cơ thể, nên gia đình nhanh chóng đưa bé nhập viện.
Theo gia đình, khi bé ở tháng thứ 8 và 9 liên tục bị bệnh nên chưa kịp tiêm vaccine phòng bệnh sởi. Hiện tại, mẹ bé cũng đang mắc bệnh thủy đậu, nên bà ngoại phải thay mẹ chăm sóc bé.
Số lượng ca mắc sởi tăng mỗi ngày
Theo BS.CKII Dư Tuấn Quy – Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, trong hơn một tuần qua, số lượng bệnh nhân nhập viện vì sởi đã tăng đột biến.
Riêng ngày 12.8, số lượng bệnh nhân nội trú mắc bệnh sởi là 50 ca, đa phần đều trong tình trạng nặng. Trong đó, nhiều ca phải thở ôxy và có bệnh lý nền như hen suyễn, tim bẩm sinh, thận hư, bệnh lý huyết học. Những bệnh nhi này thường cần điều trị kéo dài, tốn nhiều thời gian, chi phí.
“Một thực tế đáng lo ngại là số lượng bệnh nhi nặng từ tuyến tỉnh chuyển lên rất nhiều, chiếm 2/3 số ca nội trú. Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm, dễ lây lan, nên khi di chuyển một quãng đường dài như vậy, nguy cơ phát sinh thêm ca bệnh mới rất cao. Trong khi đó, năng lực điều trị bệnh sởi ở các bệnh viện tuyến dưới và y tế cơ sở cũng hoàn toàn đáp ứng được, do đó người dân nên chăm sóc, điều trị con em mình tại các cơ sở y tế gần nhà để tránh lây nhiễm chéo” – bác sĩ Quy cho biết.
Hiện nay, việc tiêm phòng vaccine sởi là phương án hiệu quả nhất để phòng bệnh. Tuy nhiên, điều đáng buồn, các ca mắc bệnh sởi chủ yếu xuất hiện ở trẻ dưới 9 tháng tuổi – những trẻ chưa kịp tiêm vaccine, trẻ có lịch tiêm chủng bị quên, hoặc những trường hợp chưa tiêm đủ mũi, dẫn đến nguy cơ bệnh sởi tấn công trở lại.
Theo Sở Y tế TPHCM, từ đầu năm đến nay, TPHCM đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong do bệnh sởi. Trong khi đó, từ năm 2021 đến năm 2023, cả thành phố chỉ có 1 ca xét nghiệm dương tính với sởi. Hiện tnay, toàn thành phố đã ghi nhận 48 phường, xã thuộc 14 quận, huyện có ca bệnh sởi xác định; 8 quận, huyện có từ 2 phường, xã trở lên có ca bệnh.
Theo thống kê của Viện Pasteur TPHCM, tính đến hết ngày 28.7, toàn khu vực phía Nam đã báo cáo 1.147 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 481 ca xét nghiệm dương tính (ca xác định). Số ca sốt phát ban nghi sởi đã tăng gấp 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh cần chủ động tiêm phòng vaccine đầy đủ cho trẻ nhỏ. Đặc biệt, trẻ có bệnh lý nền và trẻ sắp đi học trở lại cần được tiêm phòng để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Nguồn tin: https://laodong.vn/suc-khoe/benh-nhi-phia-nam-nhap-vien-don-dap-vi-mac-benh-soi-1379679.ldo