Nguy kịch vì bỏ điều trị đái tháo đường
Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân ngộ độc chất Phenformin do sử dụng thuốc chữa bệnh đái tháo đường không rõ nguồn gốc. Bệnh nhân là nam giới 61 tuổi ở Hà Nội, mắc bệnh đái tháo đường từ nhiều năm trước, đã tự ý mua thuốc y học cổ truyền không rõ nguồn gốc về để điều trị. Tối 22.2 vừa qua, bệnh nhân uống rượu, đi ngủ đến sáng sớm 23.2 thì bị hạ đường huyết, hôn mê. Bệnh nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nhiễm toan chuyển hóa nặng, hôn mê.
Sau khi khai thác tiền sử, các bác sĩ được biết, bệnh nhân có uống một loại thuốc y học cổ truyền từ nhiều năm nay để điều trị bệnh tiểu đường. Thuốc này có hình tròn, nhỏ, đường kính khoảng 0,5cm, màu nâu. Kết quả xét nghiệm cho thấy thuốc chứa chất cấm Phenformin.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) – cho biết: Phenformin là chất cấm, ngay từ những năm 70-80 của thế kỷ trước đã bị cấm sử dụng làm thuốc điều trị bệnh. Phenformin là một chất có độc tính cao, gây nhiễm toan chuyển hóa nặng, người uống phải nguy cơ tử vong cao.
Trường hợp nam bệnh nhân nêu trên có thể là do may mắn chỉ uống liều lượng thấp, vẫn bị nhiễm độc hằng ngày nhưng nhẹ. Lần cấp cứu, do bệnh nhân uống rượu, nên triệu chứng nhanh chóng nặng lên.
Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng vừa tiếp nhận nam bệnh nhân bị loét hoại tử nhiễm trùng cẳng bàn chân trái do không tuân thủ điều trị đái tháo đường. Nam bệnh nhân V.Q.Th, (53 tuổi, Phúc Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) vào nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng nặng, viêm phổi, suy tim, đái tháo đường type 2, suy kiệt cơ thể, vết thương bàn cẳng chân trái hoại tử lan rộng với tổn thương nặng nề.
Tiền sử bệnh nhân Th có nhiều bệnh lý nền đi kèm như mắc đái tháo đường 15 năm, tăng huyết áp 3 năm. Hai năm trước, bệnh nhân đã từng phải cắt cụt 1/3 trên đùi phải do liên quan tới biến chứng đái tháo đường.
Tuổi thọ trung bình người mắc đái tháo đường sẽ giảm từ 6 đến 12 năm
TS.BS Nguyễn Quang Bảy – Trưởng khoa Nội tiết Đái tháo đường (Bệnh viện Bạch Mai) – cho biết: bệnh đái tháo đường có tỉ lệ tử vong cao gấp 2 – 4 lần so với người bình thường, những bệnh nhân mắc đái tháo đường thì tuổi thọ trung bình sẽ giảm từ 6 đến 12 năm tùy thuộc vào việc họ có biến chứng đi kèm theo hay không.
Đái tháo đường là bệnh lý mạn tính diễn biến âm thầm, khi người bệnh có các biểu hiện, triệu chứng thì bệnh thường ở giai đoạn nặng. Kèm theo đó, người bệnh đái tháo đường kiểm soát đường huyết không tốt có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm.
Đái tháo đường là thủ phạm gây tử vong đứng hàng thứ 7 vào năm 2009; nhưng đến năm 2019 đứng hàng thứ 3.
Việc điều trị phòng ngừa biến chứng và phòng ngừa tử vong do đái tháo đường là vô cùng quan trọng.
Theo báo cáo của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới, số tiền để điều trị cho 1 bệnh nhân mắc đái tháo đường ở Việt Nam chiếm khoảng 14-15 triệu đồng/năm; nhưng nếu có biến chứng thì chi phí điều trị tăng lên gấp đôi, xấp xỉ 30 triệu đồng/năm.
Nếu như trước đây đái tháo đường là bệnh thường gặp ở người cao tuổi thì hiện nay có nhiều người trẻ mắc đái tháo đường hơn và ngày càng có nhiều người mắc căn bệnh này. Càng ngày càng có nhiều người béo phì, thừa cân do vậy tỉ lệ người mắc đái tháo đường gia tăng. Trong tương lai, số lượng bệnh nhân mắc đái tháo đường sẽ tăng dần vì đó là xu hướng tất yếu.
Điều đáng nói, người bệnh đái tháo đường thường có tâm lý chủ quan, không thăm khám định kỳ hoặc thấy bệnh có dấu hiệu ổn định là tự ý ngừng thuốc, mua các loại thuốc không rõ nguồn gốc để sử dụng.
Người bệnh đái tháo đường cần biết, đây là bệnh lý mạn tính, không thể điều trị khỏi và cần chung sống với bệnh cả đời. Tuy nhiên, người bệnh chỉ cần tuân thủ điều trị của bác sĩ thì bệnh có thể ổn định suốt đời. Việc sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc để chữa bệnh đái tháo đường có thể gây ra các biến chứng như suy tim, suy thận, khiến sức khỏe của người bệnh ảnh hưởng nặng nề.