Trẻ em nhiễm ấu trùng giun sán gia tăng
Bệnh nhân Nguyễn Thị Ngọc Thành (12 tuổi, ở Bắc Ninh) được chẩn đoán nhiễm sán lá gan do thói quen ăn đồ sống, đồ tái chưa chín kỹ… Khoảng một tháng trước bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, sốt kèm theo đau bụng dữ dội kéo dài. Sau khi được các bác sĩ tích cực điều trị, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã có dấu hiệu phục hồi.
Bệnh nhân cho biết, gia đình nhiều năm nay có tâm lý chủ quan, thường xuyên ăn các loại rau trồng ngoài mương, ruộng, có khi là mua ngoài chợ và hầu như dùng để ăn sống.
Bác sĩ Phan Thị Thu Phương – Khoa khám bệnh, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Hà Nội) – là người tiếp nhận và theo dõi điều trị ca bệnh này cho biết, bệnh nhân mới chỉ 12 tuổi nên việc điều trị rất cẩn trọng bởi khi nhiễm sán lá gan, các ấu trùng sán đã xâm nhập và tàn phá chức năng gan làm sức đề kháng của bệnh nhân suy giảm, dễ đối diện với biến chứng nguy hiểm.
“Thời gian ủ bệnh của sán lá gan phụ thuộc vào số lượng ấu trùng ăn phải và đáp ứng của vật chủ, đối với sán lá gan nhỏ nhiễm trên 100 sán mới có biểu hiện rõ rệt. Vì vậy, khiến nhiều người lầm tưởng đó là bệnh thông thường nên có tâm lý chủ quan và khi đến khám tình trạng bệnh đã diễn biến phức tạp” – bác sĩ Phan Thị Thu Phương nhấn mạnh.
Tương tự, bệnh nhân Thảo Vy (10 tuổi, quê ở Nghệ An) cũng phát hiện bệnh muộn. Khi nhập viện, bệnh đang diễn biến phức tạp, khắp cơ thể đặc biệt là vùng mặt, trán, gần mắt đã bị ấu trùng sán chó mèo phủ kín.
Được biết, gia đình bệnh nhân nuôi rất nhiều chó và mèo, số lượng lên đến hàng chục con mỗi loại. Sinh hoạt của bệnh nhân và người nhà đều tiếp xúc trực tiếp với chó mèo, đặc biệt bệnh nhân rất thích ôm, hôn chúng.
Bác sĩ Phan Thị Thu Phương cho hay: “Hiện nay, rất nhiều người có sở thích nuôi chó mèo, cho chúng ăn ngủ sinh hoạt cùng và không có các biện pháp vệ sinh, thăm khám phòng ngừa tẩy giun sán cho thú cưng. Dẫn đến, chó mèo bị nhiễm giun sán nặng và rất dễ lây lan sang người đặc biệt qua việc ôm, hôn, ngủ cùng chó mèo.
Theo số liệu thống kê của bệnh viện, trong những năm gần đây, số ca nhập viện do nhiễm sán ngày càng gia tăng, không chỉ người lớn mà trẻ em hiện là đối tượng có tỉ lệ nhiễm giun sán cao với hàng nghìn ca mỗi năm và tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm”, bác sĩ Phương nói.
Để phòng tránh bệnh sán lá gan lớn, giun đũa chó và các bệnh giun sán, bác sĩ khuyến cáo người dân cần ăn chín, uống nước đun sôi để nguội; rửa tay trước khi ăn hay sau khi nô đùa với chó, mèo; dọn dẹp phân chó, mèo vào túi và vứt vào thùng rác; chích ngừa, tẩy giun định kỳ cho thú nuôi…
Ngoài ra, khi phát hiện dấu hiệu bị nhiễm sán ở trẻ, cần đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời để ngăn ngừa bệnh tái phát và các biến chứng khác.
Nguồn tin: https://laodong.vn/suc-khoe/be-gai-bi-hang-tram-au-trung-san-bam-thanh-o-o-gan-1388768.ldo