Bệnh nhân nam, 49 tuổi nhập viện do hệ quả của việc vui đùa với cháu bé 3 tuổi, cháu bé có cắn vào cẳng tay trái.
Sau đó, bệnh nhân có chảy máu và dịch ở các vết cắn và cũng nghĩ đơn giản, không điều trị gì. Một ngày sau, cẳng tay trái bệnh nhân bị sưng nề, tấy đỏ, chảy dịch và sốt cao 39,5 độ. Bệnh nhân đi khám ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định và được chẩn đoán viêm mô tế bào, chuyển Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai).
Tại Trung tâm Chống độc các bác sĩ thăm khám thấy bệnh nhân có vết thương ở phần mềm cẳng tay trái, sưng nề, nhiều nốt bầm tím, chu vi cẳng tay trái sưng nề tăng 2cm so với tay phải bình thường, vùng hoại tử diện tích lên 6cm. Chụp MRI cẳng tay trái cho thấy viêm mô tế bào tổ chức dưới da. Bệnh nhân nằm viện và được điều trị tích cực.
Sau 3 ngày thì vết thương lành dần và được ra viện.
Các bác sĩ cho biết, thực tế cho thấy vết cắn của người có thể truyền bệnh viêm gan B, virus Herper, giang mai, bệnh lao và uốn ván. Khả năng lây nhiễm HIV hiếm gặp nhưng trên lâm sàng đã được ghi nhận. Nhiễm trùng huyết cũng không loại trừ với những vết cắn sâu, chảy máu.
Trong đời sống hàng ngày, vết thương do người cắn là khá phổ biến. Vết cắn do va chạm xung đột trong xã hội, bạo lực gia đình, lạm dụng trẻ em hoặc con trẻ nô đùa quá trớn … hầu như đều để lại thương tích. Không loại trừ những vết “cắn yêu” trong quan hệ tình dục nam nữ hoặc đồng giới. Những vết cắn mang tính yêu đương mãnh liệt trên vùng cổ, vùng ngực hay bộ phận sinh dục cũng có thể lây những bệnh truyền nhiễm nêu trên, do vậy các bạn tình cũng cần chú ý.
Trong nước bọt của người có chứa 50 loài vi khuẩn với nồng độ 10,8 triệu vi khuẩn/ml. Vết thương do người cắn thường đa khuẩn, vi khuẩn hiếu khí và kỵ khí. Vi khuẩn kỵ khí có thể tìm thấy ít nhất trong một nửa vết thương. Vi khuẩn kỵ khí phát triển trong môi trường yếm khí như vùng cao răng, vùng lợi bị viêm.
Người cắn và người bị cắn đều có thể lây nhiễm bệnh truyền nhiễm sang nhau, chứ không phải một chiều, người cắn có thể bị lây nhiễm bệnh từ người mình cắn và ngược lại.