3 năm vào nghề
Năm 2024 cũng là năm thứ 3 nữ bác sĩ Lâm Mỹ Khanh (thuộc Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ) vào làm việc tại ngành y.
“May mắn tôi được các anh, chị đi trước hướng dẫn chỉ dạy nên dù có đối mặt với cường độ công việc dày đặt, áp lực cao, tôi vẫn cố gắng làm việc và yêu nghề. Với bác sĩ tham gia cấp cứu như chúng tôi sẽ không phân biệt bất kỳ bệnh nhân nào. Chẳng hạn như dịp Tết, có những bệnh nhân tai nạn giao thông chưa tìm được gia đình, chúng tôi vẫn tiếp nhận và kiên trì điều trị. Điều quan trọng nhất lúc này là phải đảm bảo an toàn sức khỏe cho họ”, bác sĩ Khanh chia sẻ.
Kể về về sự bận rộn trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 vừa qua, bác sĩ Khanh cho biết, bệnh nhân đa phần vào cấp cứu là bệnh ngoại, tai nạn giao thông. Khi đó, họ sẽ tiến hành chụp X-Quang, cận lâm sàn, chụp CT sọ não; tiếp đến là mời chuyên khoa ngoại về tổng quát hoặc chấn thương; về chuyên Khoa Ngoại thần kinh để tham khảo ý kiến hội chẩn cùng với bác sĩ.
Mặc dù không ít lần bị ảnh hưởng tâm lý do tiếp cận bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nóng tính, song dần dần, bác sĩ Khanh cũng thích nghi và thuần thục hơn trong công việc.
“Đêm giao thừa, tôi tiếp nhận một bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hoá trên, bị ói ra máu, mệt mỏi, sinh hiệu bất ổn nhưng ông vẫn cố gắng chịu đựng. Vợ của ông luôn bên cạnh động viên, chính hình ảnh này đã làm chúng tôi cũng được lan tỏa sự ấm áp trong ngày Tết.
Cuối cùng nam bệnh nhân này cũng qua cơn nguy kịch, chúng tôi rất vui và sẽ tiếp tục thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe cho nhiều bệnh nhân khác nữa”, nữ bác sĩ chia sẻ.
Học chữ nhẫn
Theo bác sĩ Chuyên khoa II Đặng Văn Hải, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, Khoa cấp cứu là đơn vị đặc thù của ngành y tế, nơi được mệnh danh là “đầu sống ngọn gió” vì tiếp nhận và xử trí bệnh nhân thường nặng, khẩn cấp ngay từ ban đầu.
Với châm ngôn “Cấp cứu nhanh – Để giành sự sống”, đội ngũ nhân viên y tế luôn làm việc 24/24 và kể cả ngày lễ, Tết, chủ nhật.
“Đối với bác sĩ cấp cứu, sẽ chịu áp lực rất lớn, cả về chuyên môn lẫn tinh thần. Trăn trở của chúng tôi là bác sĩ và các em sinh viên ngành y khi vào bệnh viện phải học được chữ “nhẫn”. Bởi thông thường tại Khoa cấp cứu, người nhà bệnh nhân sẽ có tâm lý lo lắng, khó kiểm soát hành vi và phát ngôn.
May mắn, các bác sĩ tại khoa đã học được sự nhẫn nại để giao tiếp với mọi người. Có những bệnh nhân sau khi hồi phục quay trở lại Khoa cảm ơn, chúng tôi lấy đó làm động lực để tiếp tục công việc”, bác sĩ cho hay.
Cũng theo bác sĩ Hải, qua đại dịch, các bác sĩ trên cả nước nói chung và tại Khoa Hồi sức cấp cứu nói riêng dường như đều tôi luyện ý chí để phục vụ người dân. Do đó, người làm nghề cao quý cần tiếp tục ổn định công việc vì ngày mai tươi sáng hơn.
“Hy vọng ngày 27.2 sắp tới, tất cả người làm y tế sẽ thấy hạnh phúc vì được làm nghề, tiếp tục giữ nghề và bám nghề để phục vụ nhân dân”, bác sĩ Hải gửi lời chúc.