Hành trình “tầm sư học đạo”
Sau nhiều năm ngồi trên giảng đường, TS.BS Nguyễn Anh Khôi – Trưởng Khoa Ngoại đầu, cổ – hàm mặt Bệnh viện Ung Bướu TPHCM ra trường và gắn bó với những bệnh nhân ung bướu suốt nhiều năm qua.
Trong khoảng thời gian trước năm 2018, khi tiếp xúc với các bệnh nhân, bác sĩ Anh Khôi vẫn luôn đau đáu về những trường hợp mắc bệnh ung thư lưỡi giai đoạn cuối. Bởi nếu bị chẩn đoán mắc bệnh này, ít người có thể vượt qua được 6 tháng, dù trước đó, các cuộc xạ trị, hóa trị cũng chỉ làm giảm bớt cơn đau.
“Chứng kiến nhiều bệnh nhân ung thư lưỡi tử vong, tôi đã đọc rất nhiều sách báo và vô tình đọc được cuốn sách của vị giáo sư người Mỹ viết. Tôi đã liên hệ với trường mà giáo sư đó làm việc xin email, từ lúc đó hành trình “tầm sư học đạo” của tôi diễn ra liên tục suốt hơn 1 năm. Cứ có vấn đề gì không biết tôi lại gửi email hỏi”, bác sĩ Anh Khôi chia sẻ.
Đặc biệt, thời điểm trước năm 2018, kỹ thuật vi phẫu, nối mạch máu chưa áp dụng cho những bệnh nhân ung thư. Ở các nước trên thế giới đã thực hiện nhưng đi học phải mất ít nhất 3 năm, kinh phí là một vấn đề lớn.
Sau quá trình tìm hiểu học hỏi từ vị giáo sư Mỹ, bác sĩ Anh Khôi còn học hỏi thêm những bác sĩ tại Khoa Vi phẫu, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM.
Hành trình táo tạo lại lưỡi – sự sống được nối dài
Sau 5 năm phẫu thuật đến nay, anh D.Đ (36 tuổi, ngụ TPHCM) đã có thể nói chuyện, ăn uống như một người bình thường. Qua trò chuyện, khó có thể nhận biết anh Đ. đã từng mắc ung thư lưỡi giai đoạn 4 và phải cắt một phần lưỡi.
Anh Đ. nhớ lại thời điểm phát bệnh anh ăn uống thất thường, mệt mỏi kéo dài. Chỉ đến khi lưỡi có một vết loét không lành dù đã uống thuốc, anh mới đến Bệnh viện Ung Bướu TPHCM thăm khám. Tại đây, anh không thể nói được vì đau đớn nên giao tiếp với bác sĩ bằng cách viết ra giấy. Anh được bác sĩ chỉ định sinh thiết, kết quả xác định anh mắc ung thư lưỡi.
“Lúc này mọi thứ như sụp đổ vì tôi còn trẻ. Tuy nhiên, nhờ sự động viên của gia đình và bác sĩ điều trị, tôi tự trấn an mình và vượt qua cú sốc để vực dậy tinh thần” – anh Đ. kể lại.
Sau đó, anh Đ. đã được phẫu thuật cắt bỏ khối bướu, các bác sĩ đã lấy một phần vạt đùi bên trái để tái tạo lưỡi mới cho anh.
“Sau 5 năm phẫu thuật, tôi đã có thể quay trở lại cuộc sống bình thường, vẫn tiếp tục công việc dạy học và thực hiện tiếp những ước mơ của mình” – anh Đ. xúc động nói.
Nhớ lại hành trình những ca phẫu thuật đầu tiên, bác sĩ Anh Khôi vẫn chưa hết cảm xúc vui mừng vì mình và êkíp bệnh viện đã đi được một hành trình dài, thành công tới ngày hôm nay.
Ca bệnh đầu tiên là một bệnh nhân nữ, ngoài 80 tuổi. Vì tuổi cao nên sức khỏe không tốt như người trẻ, cuộc phẫu thuật tạo hình lưỡi, vi phẫu nối mạch máu liên tục thất bại, đến lần thứ 7 phẫu thuật bệnh nhân mới thành công.
“Ở những ca bệnh đầu tiên, vì còn khá mới nên chắc chắn có sự hỗ trợ về chuyên môn trực tiếp từ bác sĩ của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình. Đến những ca sau, tôi phải thực hiện một mình ở mọi khâu, trung bình những ca đầu này kéo dài từ 12-13 tiếng. Mọi thứ còn mới và sơ khai nên mình phải chấp nhận, không có đam mê và trách nhiệm thì khó có thể theo tới ngày nay. Hiện nay, tại bệnh viện cũng đã có nhiều nhân viên y tế thực hiện được kỹ thuật này, cùng nhau hỗ trợ để san sẻ bớt công việc”, bác sĩ Anh Khôi tâm sự.
Từ năm 2018 đến nay đã có 400 trường hợp được tái tạo khuyết hổng toàn bộ lưỡi, thậm chí thời gian nối mạch máu cũng rút ngắn hơn so với các đồng nghiệp nước ngoài vì đã quen tay.
Theo đánh giá của các bác sĩ, đối với những bệnh nhân ung thư khoảng 2 năm nếu không thấy bệnh tái phát có thể được chẩn đoán là khỏi bệnh, và rất mừng là tỉ lệ bệnh nhân ung thư lưỡi sau phẫu thuật được thành công và không tái phát lên tới 98%.
“Khi tôi thực hiện những ca phẫu thuật vi phẫu, nối mạch máu cho bệnh nhân và có quay clip lại gửi cho giáo sư ở Mỹ, bởi mỗi một bệnh nhân lại có những bệnh sử khác nhau nên việc áp dụng các phương pháp thậm chí chưa từng được ghi trong sách vở là có. Vị giáo sư người Mỹ có lần phải ngạc nhiên vì không nghĩ một cơ sở y tế tại Việt Nam có thể làm được, đó là niềm vinh dự”, bác sĩ Anh Khôi vui vẻ nói.
Nhờ phương pháp “Tái tạo khuyết hổng gần toàn bộ và toàn bộ lưỡi sau phẫu thuật trị ung thư”, đã có hàng trăm bệnh nhân ung thư lưỡi có thể nói, nuốt và phục hồi chức năng của lưỡi.
Đây là công trình nghiên cứu của nhóm tác giả gồm: TS.BS Nguyễn Anh Khôi, BS chuyên khoa II Nguyễn Quốc Cẩn, BS chuyên khoa I Lê Hùng Khương (Bệnh viện Ung Bướu TPHCM). Công trình này cũng đã đoạt giải nhất Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần 3-2023.
Nói về công trình này, bác sĩ Khôi cho biết, đây là phương pháp hoàn toàn do bác sĩ của bệnh viện tự nghiên cứu, sau đó hình thành các êkíp chuyên nghiệp, phục vụ người bệnh.
“Chứng kiến bệnh nhân ung thư lưỡi hồi phục có thể nói được, nuốt được là nguồn động viên cũng là món quà lớn đối với các bác sĩ chúng tôi” – bác sĩ Khôi chia sẻ.