TS. Apurrva Sawant cho biết, mặc dù tuổi tác và di truyền cũng đóng vai trò nhất định trước nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Nhưng bên cạnh đó, ít vận động cùng với thói quen ăn uống không lành mạnh, ngủ kém và căng thẳng cao độ cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Ít vận động
Lối sống ít vận động là một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với bệnh tiểu đường type 2. Phần lớn những người thuộc lực lượng lao động làm công việc có lịch trình thất thường, hay phải ngồi nhiều giờ có nguy cơ mắc tiểu đường cao hơn.
Bởi, việc không tập thể dục thường xuyên sẽ khiến lượng đường dư thừa và lưu lại trong máu thay vì được đưa vào cơ để sử dụng làm năng lượng. Việc này làm gián đoạn phản ứng của cơ thể với insulin và khiến cơ thể rơi vào tình trạng lượng đường trong máu cao mạn tính.
Tập thể dục có nhiều lợi ích trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường, bao gồm giảm mỡ trong cơ thể, hạ huyết áp và giảm lượng đường trong máu.
Vị bác sĩ khuyên, bạn nên tập thể dục thường xuyên để tăng sự hấp thụ glucose vào các tế bào trong cơ, gan và mỡ. Điều này sẽ cải thiện phản ứng của cơ thể với insulin, giảm tình trạng kháng insulin.
Do vậy, bạn nên tập thể dục và hoạt động thể chất khoảng 150 phút mỗi tuần. Những thay đổi nhỏ như đi bộ hằng ngày, đi cầu thang và nghỉ ngơi sau khi ngồi có thể làm tăng mức độ hoạt động thể chất của bạn.
Ăn uống không lành mạnh
Cũng theo TS. Apurrva Sawant, sự gia tăng số ca mắc bệnh tiểu đường type 2 trên toàn cầu được thúc đẩy bởi ba yếu tố chính trong chế độ ăn uống gồm: ăn không đủ ngũ cốc nguyên hạt; tiêu thụ quá nhiều gạo tinh chế, lúa mì và tiêu thụ quá mức thực phẩm chế biến sẵn.
Ngoài ra, thực phẩm chế biến sẵn (thường được gọi là đồ ăn vặt) có ở khắp mọi nơi cũng dễ dàng tạo thói quen không tốt cho sức khỏe của bạn.
Nhìn chung, những thực phẩm này bao gồm đồ ăn nhẹ đã qua chế biến và chế biến sẵn với danh sách thành phần dài có lượng calo cao nhưng giá trị dinh dưỡng thấp. Tiêu thụ quá nhiều đường và chất béo có trong những thực phẩm này có thể góp phần làm tăng cân. Trọng lượng dư thừa này có liên quan đến bệnh tiểu đường.
Việc quản lý chế độ ăn uống lành mạnh là chìa khóa để kiểm soát bệnh tiểu đường. Lượng đường trong máu có thể được kiểm soát bằng cách ăn uống như: lựa chọn thực phẩm chứa ít natri; thực phẩm ít chất béo bão hòa và không chứa chất béo chuyển hóa
Ngoài ra, bạn nên thêm vào khẩm phần ăn như trái cây và rau quả; ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ; chất béo lành mạnh như dầu ô liu, các loại hạt và bơ…
Ngủ kém và thường xuyên căng thẳng
Căng thẳng không liên quan trực tiếp đến bệnh tiểu đường nhưng nó được coi là một yếu tố góp phần. Khi bị căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra một loại hormone căng thẳng có tên cortisol.
Các hormone căng thẳng làm cho lượng đường trong máu của bạn tăng lên. Vì vậy, bạn có thể cần thêm insulin hoặc thuốc để kiểm soát nó.
Ngoài ra, đánh đổi số giờ ngủ quý giá để lướt điện thoại, xem phim hay tán gẫu suốt đêm đã trở thành thói quen phổ biến ở những người trẻ tuổi. Việc này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Bởi, thiếu ngủ có thể tạo ra sự mất cân bằng trong các hormone điều chỉnh sự thèm ăn của bạn, khiến bạn cảm thấy đói hơn và do đó, có nhiều khả năng ăn quá mức và tăng cân, thừa lượng đường trong cơ thể.