Theo các nhà nghiên cứu từ Đại học Uppsala của Thụy Điển, quá nhiều chất béo xung quanh gan, thận, ruột và các cơ quan khác có thể gây ra tình trạng kháng insulin.
Từ đó có thể gây rối loạn chuyển hóa đường, dẫn đến bệnh đái tháo đường loại 2. Do đó, mỡ nội tạng là yếu tố có thể làm tăng đường huyết và nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường loại 2.
Mỡ nội tạng nằm sâu trong khoang bụng và bao phủ các cơ quan trong cơ thể như tim, gan, tụy, thận, ruột, buồng trứng…, đồng thời cũng sẽ được lưu trữ bên trong nội tạng.
Chức năng của mỡ nội tạng là bảo vệ các cơ quan nội tạng khỏi bị tổn thương do va chạm. Tuy nhiên, nếu mỡ tích tụ quá nhiều sẽ dẫn đến béo phì, xảy ra hội chứng chuyển hóa, gây gan nhiễm mỡ, kháng insulin…
Mỡ nội tạng không dễ dàng nhận ra khi nhìn bề ngoài, vì người bị mỡ nội tạng có thể không béo, mà phát hiện được khi chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (chụp CT).
Để loại bỏ mỡ nội tạng, chúng ta phải bắt đầu bằng việc giảm cân. Chế độ ăn kiêng thường được khuyến nghị là cố gắng không ăn quá nhiều thịt đỏ, chẳng hạn như thịt bò, thịt lợn, thịt cừu… mà thay vào đó là thịt trắng như thịt gà, cá… Bạn cần tiêu thụ đủ chất xơ mỗi ngày, ít nhất là 20 gram/ngày.
Ngoài việc chú ý đến chế độ ăn uống, chúng ta cũng nên tập thể dục đầy đủ, ít nhất 3 ngày/tuần, mỗi lần khoảng 30 phút sẽ giúp ích rất nhiều trong việc loại bỏ mỡ nội tạng.