Bà Lindsey DeSoto – nhà dinh dưỡng lâm sàng tại Bệnh viện Gulfport Memorial (Hoa Kỳ) cho biết, văn hóa hiện đại chấp nhận rộng rãi rằng, mọi người nên chia chế độ ăn hằng ngày thành ba bữa lớn gồm: bữa sáng, bữa trưa và bữa tối để có sức khỏe tối ưu.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các chuyên gia dinh dưỡng đã bắt đầu thay đổi quan điểm của mình và cho rằng, ăn các bữa ăn nhỏ hơn, thường xuyên hơn có thể là cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh mạn tính và giúp giảm cân.
Những người ủng hộ việc ăn nhiều bữa nhỏ và thường xuyên cho rằng kiểu ăn uống này có thể: Cải thiện cảm giác no; tăng sự trao đổi chất; ngăn sụt giảm năng lượng; ổn định lượng đường trong máu; ngăn việc ăn quá nhiều…
“Trong khi thực tế một số nghiên cứu ủng hộ những khuyến nghị này, và một số nghiên cứu khác cho thấy, nó không có lợi ích đáng kể. Trên thực tế, một số nghiên cứu cho thấy việc duy trì ba bữa ăn lớn hơn có thể có lợi hơn”, bà Lindsey DeSoto khẳng định.
Tần suất bữa ăn và bệnh mạn tính
Theo bà Lindsey DeSoto, các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy, việc tăng tần suất bữa ăn có thể cải thiện mức lipid (chất béo) trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Trong những năm qua, một số nghiên cứu cũng đã ủng hộ những phát hiện này, cho thấy những người ăn nhiều bữa nhỏ, thường xuyên có mức cholesterol tốt hơn những người ăn ít hơn ba bữa mỗi ngày.
Ngoài ra, một đánh giá được công bố trên tạp chí Circulation của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã kết luận rằng, tần suất ăn uống nhiều hơn có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch.
Tần suất bữa ăn và giảm cân
Cũng theo nhà dinh dưỡng Lindsey DeSoto, có quan niệm phổ biến rằng, ăn thường xuyên hơn có thể giúp giảm cân. Tuy nhiên, nghiên cứu về điều này vẫn còn chưa rõ ràng.
Bà DeSoto lấy ví dụ về một nghiên cứu so sánh việc ăn ba bữa mỗi ngày và việc ăn nhiều bữa ăn nhỏ hơn/ngày sẽ tác động như thế nào đến lượng mỡ trong cơ thể và cảm giác đói.
Cả hai nhóm tham gia nghiên cứu đều nhận đủ lượng calo để duy trì trọng lượng cơ thể bằng cách sử dụng cùng một mức phân bổ chất dinh dưỡng đa lượng: 30% năng lượng từ chất béo, 55% carbohydrate và 15% protein.
Vào cuối cuộc nghiên cứu, các nhà nghiên cứu quan sát thấy không có sự khác biệt về tiêu hao năng lượng và giảm mỡ trong cơ thể giữa hai nhóm. Ngoài ra, những người ăn các bữa nhỏ trong ngày có mức độ đói và ham muốn ăn tăng cao so với những người ăn ba bữa lớn mỗi ngày.
Mặc dù lượng calo nạp vào được kiểm soát ở cả hai nhóm, nhưng các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng, những người ăn thường xuyên sẽ có nhiều khả năng tiêu thụ nhiều calo hằng ngày hơn những người ăn ít thường xuyên hơn.
Hơn nữa, theo báo cáo khoa học của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) của Ủy ban Tư vấn Hướng dẫn Chế độ ăn uống năm 2020, do có sự không nhất quán và hạn chế trong cơ sở bằng chứng hiện tại nên không có đủ bằng chứng để xác định mối quan hệ giữa tần suất bữa ăn và thành phần cơ thể với nguy cơ thừa cân, béo phì.
Kết luận
Mặc dù không có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy phong cách ăn uống này tốt hơn phong cách ăn uống khác, nhưng cả hai đều có thể mang lại lợi ích về sức khỏe và thể chất nếu bạn tuân theo một mô hình ăn uống lành mạnh.
Do đó, hãy tham khảo ý kiến nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi đáng kể nào đối với chế độ ăn uống.