Sau 9 phiên đấu thầu, có 6 phiên thành công, với hơn 48.000 lượng vàng miếng được nhà điều hành tung ra thị trường. Càng về sau, khối lượng đấu thầu vàng thành công càng tăng. Phiên gần nhất tổ chức ngày 23/5 có 11 ngân hàng và doanh nghiệp mua 13.400 lượng, chiếm gần 80% quy mô chào thầu.
Dù vậy, giá vàng trong nước đạt kỷ lục hơn 92 triệu đồng vào đầu tháng 5/2024 và liên tục diễn biến khó lường. Đến thời điểm ngày 27/5, giá vàng miếng SJC kết thúc phiên ở mức 87,90-89,90 triệu đồng/lượng, tăng gần 7 triệu đồng/lượng so với trước phiên đấu thầu đầu tiên (23/4) và cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 17 triệu đồng/lượng.
Theo GS.TS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), vàng tăng giá bởi 2 yếu tố chính xuất phát từ trạng thái không tốt của thị trường tài chính cùng với đó là kỳ vọng bi quan của nền kinh tế.
“Giá vàng ở Việt Nam tăng xuất phát từ chính từ các nhà đầu tư muốn tranh thủ cơ hội kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn, kết hợp với sự hiểu biết về vận hành nền kinh tế và thị trường tài chính nói chung còn hạn chế”.
GS.TS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch AVSE Global
Theo PGS. TS. Võ Đình Trí, PGS. trường IPAG Business School Paris và giảng viên trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế còn rất lớn, nhu cầu vàng tăng đột biến tạo ra những cơn sốt và việc kiểm soát thị trường vàng phi chính thức.
Ông Trí cho rằng cơ chế quản lý thị trường vàng miếng hiện nay cũng như Nghị định 24 bộc lộ một số bất cập và cần phải sửa đổi để thị trường vàng vận hành theo đúng nguyên tắc thị trường hơn.
Trong phiên họp Quốc hội đang diễn ra, nhiều đại biểu cho rằng giải pháp đầu thầu vàng từ Ngân hàng Nhà nước chưa hiệu quả. Theo ông Trần Văn Lâm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách, cho rằng cách thức thực hiện các phiên đấu thầu vàng vừa qua không rõ mục tiêu, mức giá sàn (mức nhà chức trách công bố để doanh nghiệp bỏ thầu) đang cao nên các đơn vị khi trúng thầu khó bán thấp hơn.
Nhằm đưa giá vàng trong nước về sát với quốc tế, các chuyên gia nhận định rằng nhà chức trách cần tính đúng, đủ giá thành sản xuất trong nước, cộng với chi phí nhập khẩu và các chi phí khác để làm giá khởi điểm đấu thầu.
Song song với đó, đấu thầu chỉ là giải pháp tình thế, dài hơi hơn khi sửa đổi Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước cần tính đến phương án bỏ độc quyền vàng miếng SJC.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho biết sẽ tổ chức thanh tra việc hoạt động kinh doanh vàng gồm Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong, Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài gòn (SJC), Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu. Thời kỳ thanh tra từ ngày 01/01/2020 đến ngày 15/5/2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/tu-3-6-ngan-hang-nha-nuoc-trien-khai-phuong-an-khac-binh-on-thi-truong-vang-mieng-thay-the-dau-thau.htm