Chia sẻ tại Đối thoại tháng 7: Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán do Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán tổ chức ngày 26/7 tại Hà Nội, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia, đặt vấn đề về những động lực tăng trưởng sẽ đem lại cơ hội, triển vọng cho kinh tế Việt Nam năm 2023 – 2024 như thế nào.
LẠM PHÁT QUA ĐỈNH, KỲ VỌNG BƯỚC VÀO CHU KỲ GIẢM LÃI SUẤT
Đánh giá bối cảnh kinh tế thế giới, theo TS. Cấn Văn Lực, lạm phát hiện yên tâm qua đỉnh, trong đó, lạm phát tổng thể đang giảm nhanh hơn mong đợi và dự báo. Tại Mỹ, lạm phát tổng thể giảm còn 3%, lạm phát lõi giảm chậm hơn do giá lương thực thực phẩm và hàng hoá khác ngoài năng lượng vẫn giữ ở mức cao. Năm tới, lạm phát tổng thể toàn cầu còn khoảng 3% và phấn đấu trở về lạm phát trung bình.
Rõ ràng, đây là tín hiệu đáng mừng trong cuộc chiến chống lạm phát của Fed. Giới phân tích cho rằng Fed có thể tăng lãi suất vào cuối tháng 7, sau đó, lạm phát tiếp tục hạ nhiệt hy vọng giúp Fed bắt đầu giữ lãi suất đi ngang và giảm lãi suất về 3% đến năm 2025. Nối tiếp động thái này, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới bắt đầu giảm lãi suất. Còn tại châu Á, xu hướng giảm lãi suất bắt đầu, Trung Quốc giảm mạnh lãi suất do lực cầu yếu.
Với Việt Nam, nền kinh tế năm vừa qua chứng kiến tốc độ tăng trưởng cao do nền kinh tế được khôi phục trở lại trên nền thấp và đạt mức tăng cao nhất trong suốt nhiều năm. Sang nửa đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng GDP nửa đầu năm chậm lại rõ rệt, ước tính tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020, mức đáy của giai đoạn 13 năm do đại dịch Covid-19.
Dẫn chứng đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), TS. Cấn Văn Lực cho biết dự báo tăng trưởng GDP cả năm còn khoảng 6% nhưng nhóm nghiên cứu thận trọng hơn, dự báo tăng trưởng Việt Nam ở mức 5-5,5%, với nhiều rủi ro, thách thức.
Đánh giá tổng quan bức tranh nền kinh tế Việt Nam, vị chuyên gia này cho rằng “khủng hoảng đa tầng” hay tiến trình phục hồi bấp bênh, gập gềnh, có vẻ diễn giả khá đúng bối cảnh hiện nay đang phải đối mặt.
CÓ GIỮ ĐƯỢC ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG?
Nỗ lực vượt qua những “cơn gió ngược”, Việt Nam hiện vẫn ghi nhận nhiều nhân tố tạo động lực tăng trưởng. Tại Việt Nam, dũng cảm ngược chiều so với thế giới, chính sách tiền tệ chuyển từ “chặt chẽ, chắc chắn” sang “linh hoạt, nới lỏng”; nhà điều hành mạnh tay giảm lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp, giúp giảm mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân, gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Bên cạnh đó, khối dịch vụ những năm trước đóng góp 30-40% cho tăng trưởng nhưng năm nay đóng góp đến 60% tăng trưởng và tiếp tục tăng trưởng tích cực nhất và là động lực quan trọng.
Cùng với đó, đầu tư công được đẩy mạnh và là bệ đỡ cho tăng trưởng nhưng chưa đạt kỳ vọng. Việt Nam vẫn ghi nhận mức thặng dư thương mại nhưng do nhập khẩu giảm mạnh, nhu cầu sản xuất kinh doanh còn yếu. Ngoài ra, suy giảm lực cầu, tiêu dùng cuối cùng chỉ tăng 2,68%.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội thực thi trong hai năm 2022-2023 cũng là những điểm tích cực. Đặc biệt, rủi ro tài khóa ở mức trung bình, dư địa chính sách tài khoá vẫn còn, chỉ số nợ công, thâm hụt ngân sách ở mức chắc chắn. Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng nhiều giải pháp, nhưng điều quan trọng hơn là khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế mới.
Cùng với đó, thị trường chứng khoán và bất động sản có dấu hiệu phục hồi. Lượng giao dịch bất động sản nhúc nhích trở lại, dù vướng định giá đất những sẽ thúc đẩy thời gian tới.
Ngoài ra, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng được đẩy mạnh, rất tích cực, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ sang và cam kết chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) và các chương trình khác để hợp tác với Việt Nam.
“Hoàn thiện thể chế được thúc đẩy. Việt Nam sửa luật, cải cách thể chế mạnh mẽ với 18 luật được bổ sung, sửa đổi cùng các nghị quyết được bàn thảo thời gian tới. Rõ ràng, cơ hội trước mắt và lâu dài thời gian tới được mở ra”, ông Lực nhấn mạnh.
Tuy nhiên, “các động lực tăng trưởng nêu trên liệu có được duy trì trong năm 2023-2024”, vị chuyên gia này đặt câu hỏi.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam giảm sâu tăng trưởng do sức khỏe của doanh nghiệp suy yếu, sức cầu từ thị trường quốc tế suy giảm, để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt kế hoạch năm 2023, cũng như các mục tiêu trong trung và dài hạn, nhiều quyết sách quan trọng đã được Chính phủ, các bộ, ngành ban hành nhanh chóng.
Dù các chính sách rất đúng đắn, hợp lòng dân, tuy nhiên, điều vị chuyên gia này trăn trở đó là dòng vốn và các chính sách có được thẩm thấu vào doanh nghiệp, giúp nền kinh tế tăng tốc hay không?