Thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho thấy, lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố đã giảm mạnh, cả với các khoản vay cũ.
Đến thời điểm 30/09/2023, có khoảng 63% dư nợ tín dụng trên địa bàn Thành phố có lãi suất phổ biến dưới 9,75%; số còn lại có mức lãi suất phổ biến dưới 10,53% (chủ yếu là những khoản dư nợ vay trung dài hạn). Đây là kết quả định lượng và cho thấy tác động trực tiếp, hiệu quả của cơ chế chính sách về lãi suất, tín dụng của Ngân hàng Nhà nước và trách nhiệm chia sẻ từ các tổ chức tín dụng khi chủ động giảm lãi suất cho doanh nghiệp, là khách hàng của Ngân hàng.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, kết quả trên phản ánh tác động và hiệu quả chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua, gắn với nhiệm vụ hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đã được thẩm thấu qua chính sách giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp; cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt áp lực trả nợ vay; trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng và phát triển, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cũng theo ông Lệnh, kết quả định lượng này được phản ánh trên 3 phương diện chính. Thứ nhất, chính sách tiền tệ tín dụng của Ngân hàng Nhà nước không chỉ giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi mà còn trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp, thông qua áp dụng chính sách lãi suất, tỷ giá linh hoạt và phù hợp; chính sách cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm bớt chi phí vay vốn, giảm bớt áp lực trả nợ vay, cơ cấu nợ hợp lý để duy trì, ổn định và phát triển, tạo lập dòng tiền và luân chuyển vốn hiệu quả.
Thứ hai, hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực sản xuất kinh doanh gặp khó khăn do thị trường, do hệ quả của đại dịch… thông qua việc giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; từ đó giảm áp lực trả nợ vay, hợp lý kỳ hạn nợ để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì và phục hồi tăng trưởng.
Tính riêng trên địa bàn TP.HCM, có gần 35.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã được cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ để tạo điều kiện vượt khó và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, nhóm các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, hoạt động trong các ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế tiếp tục được tiếp cận thuận lợi với lãi suất cho vay tốt nhất, cả VND và ngoại tệ. Hiện nay, dư nợ cho vay ngoại tệ trên địa bàn đạt khoảng 172.000 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cuối năm 2022; dư nợ cho vay 5 nhóm, ngành lĩnh vực ưu tiên (trong đó có lĩnh vực xuất khẩu) đạt khoảng 200.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND không quá 4%/năm.
Thứ ba, trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các hoạt động và hành động cụ thể về kết nối ngân hàng – doanh nghiệp; đối thoại doanh nghiệp; truyền thông chính sách và đặc biệt thông qua kênh phối hợp với các sở ban ngành, các hội doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp Thành phố qua danh sách nhu cầu vốn vay của doanh nghiệp từ các đầu mối phối hợp gửi đến. Cách làm này yêu cầu về thời gian và nguồn lực đối với cơ quan quản lý, song gắn với trách nhiệm, hành động cụ thể và kết quả cụ thể, vì vậy được cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn đánh giá cao.
Đến nay, có trên 1.019 trường hợp doanh nghiệp đã được hỗ trợ, giải quyết qua phương thức này. Trường hợp không giải quyết được đều nêu rõ lý do và nguyên nhân để doanh nghiệp nắm bắt và chia sẻ.
“Như vậy, hiệu ứng chính sách đã phát huy hiệu quả, cần tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt. Đồng thời, để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế với kết quả tốt nhất trong năm 2023, cần sự phối hợp và sử dụng đồng bộ các chính sách về hỗ trợ thị trường; kích thích sản xuất kinh doanh phát triển với 3 động lực chính là tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư”, ông Lệnh cho biết thêm.