Thực hiện Quyết định số 213/QĐ-TTg ngày 01/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý, Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định số 1195/QĐ-BTC về kế hoạch kiểm kê tài sản công của Bộ.
Mục tiêu kiểm kê tài sản công của Bộ Tài chính là tổng hợp thực trạng tài sản công của các đơn vị dự toán thuộc Bộ đang quản lý, sử dụng theo các chỉ tiêu kiểm kê do bộ này quy định, hướng dẫn để báo cáo cấp có thẩm quyền kết quả kiểm kê theo nội dung, tiến độ tại Đề án tổng kiểm kê tài sản công đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời, thực hiện xử lý tài sản công theo quy định của pháp luật; xác định nhu cầu đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản công của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; phục vụ công tác báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công, cung cấp thông tin để lập báo cáo tài chính nhà nước, báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính đưa ra thời điểm chốt số liệu kiểm kê là 0h ngày 1/1/2025. Cục Kế hoạch – Tài chính (Bộ Tài chính) là đơn vị tổng hợp kết quả kiểm kê của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, báo cáo lãnh đạo Bộ gửi Bộ Tài chính (Cục Quản lý công sản) trước ngày 31/5/2025.
Phát biểu tại hội nghị tập huấn triển khai công tác kiểm kê thử nghiệm tài sản công tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc huyện Gia Lâm (TP. Hà Nội) vừa được tổ chức, ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, cho biết, kể từ năm 1998 đến nay, đây là lần thứ hai triển khai thực hiện tổng kiểm kê tài sản công quy mô lớn trên toàn quốc.
Năm 1998, công tác kiểm kê tài sản công chỉ được thực hiện trong khu vực hành chính sự nghiệp. Đó là tài sản mà Nhà nước giao cho các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp quản lý, sử dụng để phục vụ công tác quản lý, cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công.
Đối với Đề án tổng kiểm kê vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành (Quyết định số 213/QĐ-TTg ngày 01/3/2024) sẽ mở rộng hơn về tài sản mà các đơn vị phải thực hiện kiểm kê.
Do đó, Bộ Tài chính đang triển khai các công việc để thực hiện tổng kiểm kê đối với tài sản công tại khu vực hành chính sự nghiệp và các tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư quản lý tại các bộ, ngành, địa phương trên cả nước. Việc kiểm kê đối với tài sản công là công việc thường xuyên của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được Nhà nước giao quản lý, sử dụng đối với tài sản công.
Để đảm bảo công tác triển khai tổng kiểm kê chính thức trên phạm vi cả nước được hiệu quả, Bộ Tài chính ban hành quyết định triển khai kiểm kê thử nghiệm tại 2 bộ, đó là Bộ Tài chính (hệ thống Kho bạc Nhà nước); Bộ Giao thông vận tải (Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) cùng 3 địa phương, trong đó có TP. Hà Nội.
Ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết đợt thử nghiệm nhằm tập dượt cách thức thực hiện công tác kiểm kê. Từ kiểm kê thực tế tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản công đến việc tổng hợp của các cơ quan quản lý cấp trên. Đồng thời, phát hiện các vấn đề trong công tác quản lý đối với tài sản công để có những chấn chỉnh kịp thời trước khi thực hiện kiểm kê chính thức trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, thông qua các đợt kiểm kê, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện các mẫu biểu và chỉ tiêu kiểm kê. Do đó, trong quá trình kiểm nghiệm, các đơn vị không chỉ thực hiện theo bộ mẫu được ban hành mà có ý kiến góp ý thực tiễn để Bộ Tài chính hoàn thiện các mẫu biểu kiểm kê đảm bảo phù hợp, đơn giản, dễ sử dụng…
Về số liệu kiểm kê, các đơn vị trực tiếp thực hiện chịu trách nhiệm. Đối với các cơ quan tổng hợp có trách nhiệm đôn đốc các đơn vị trực tiếp kiểm kê báo cáo số liệu theo đúng thời hạn, rà soát, đối chiếu thông tin, số liệu đảm bảo tính chính xác, logic trước khi gửi cho cơ quan quản lý cấp trên để tổng hợp báo cáo về Ban chỉ đạo kiểm kê của thành phố, của trung ương.
Về tiến độ triển khai Đề án tổng kiểm kê tài sản công tại TP. Hà Nội, ông Mai Công Quyền, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP. Hà Nội, cho biết có một số vướng mắc nhất định, nhất là trong kiểm kê 18 loại tài sản kết cấu hạ tầng vì có một số nhóm tài sản chưa được quy định điều chỉnh bởi một văn bản cụ thể.
“Theo sự hướng dẫn của Bộ Tài chính, chúng tôi sẽ vừa làm, vừa hiệu chỉnh để đảm bảo kiểm kê đúng, đủ và làm sao có số liệu “sạch” để thực hiện công tác tổng kiểm kê tài sản của TP. Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung”, ông Quyền cho biết.
Với vai trò là đầu mối thực hiện thử nghiệm kiểm kê tài sản công trên địa bàn TP. Hà Nội, địa phương có khối lượng tài sản công lớn ở trên 30 quận, huyện và 22 sở, ban ngành, công tác quản lý rất phức tạp, TP. Hà Nội thực hiện nội dung về kiểm kê tài sản công ngay từ năm 2023. Sở Tài chính cũng đã tham mưu, trình thành phố đề án tài sản công trong giai đoạn 2023 – 2025 và định hướng giai đoạn 2026 – 2030, trên cơ sở đó, thành phố đã phân công nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành thực hiện.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/tong-kiem-ke-tai-san-cong-quy-mo-toan-quoc.htm