Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ cảm ơn sự hỗ trợ và tư vấn của IMF đối với việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ, góp phần xây dựng các khuôn khổ chính sách phù hợp với xu thế, tiếp cận các quỹ đầu tư; mong muốn hai bên có giai đoạn hợp tác mới hiệu quả hơn trước những thay đổi nhanh chóng của thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị IMF tiếp tục tư vấn chính sách cho Chính phủ Việt Nam về điều hành kinh tế, hoàn thiện các công cụ tài khóa, tiền tệ, tái cơ cấu tài chính-ngân hàng.
Thủ tướng chia sẻ về sự thành công của Việt Nam, thị trường tài chính ổn định, thương hiệu quốc gia được nâng lên, giá trị Thương hiệu Quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong 3 năm qua, năm 2022 đạt 431 tỷ USD, Việt Nam tăng 12 bậc trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2023. Sự phát triển kinh tế của Việt Nam có yếu tố nội lực và ngoại lực.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng đã trao đổi thẳng thắn, đi thẳng vào các vấn đề hai bên quan tâm, gợi mở những vấn đề mới trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn.
Tổng Giám đốc IMF bày tỏ vui mừng trước những kết quả tích cực của kinh tế Việt Nam, đánh giá Việt Nam là ngôi sao sáng trên bầu trời kinh tế thế giới, kinh tế duy trì ổn định, tốc độ tăng trưởng khả quan, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động mạnh, nhiều rủi ro, chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19.
Bà Kristalina Georgieva đánh giá cao chính sách điều hành kinh tế-xã hội của Việt Nam, sớm kiểm soát dịch bệnh Covid-19, chuyển nhanh sang mở cửa nền kinh tế; cho rằng việc thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ rất phù hợp, giúp Việt Nam duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn vừa qua.
Tổng Giám đốc IMF cho biết, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng gấp 2 lần mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu và IMF mong muốn sẽ tư vấn lãi suất, chính sách tiền tệ, nâng cao năng lực tự chủ của kinh tế Việt Nam ứng phó với khủng hoảng.
Bà Kristalina Georgieva khẳng định IMF và cá nhân bà ủng hộ mạnh mẽ và sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong tiến trình phát triển của Việt Nam.
Cũng trong buổi sáng ngày 20/5, Thủ tướng đã tiếp ông Mathias Cormann, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Tại buổi tiếp, Thủ tướng đánh giá cao quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và OECD, cảm ơn hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn chính sách của OECD cho Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác, trước mắt chuẩn bị tốt cho Hội nghị Bộ trưởng Chương trình Đông Nam Á năm 2023 và đề nghị OECD tạo điều kiện cho nhiều cán bộ điều phối Việt Nam làm việc tại Ban Thư ký.
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam là nước đang phát triển, là nền kinh tế đang chuyển đổi, độ mở kinh tế lớn, khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài còn hạn chế, mong OECD hỗ trợ chia sẻ nghiên cứu, cách tiếp cận trong những vấn đề mới, nhất là thuế tối thiểu toàn cầu, an ninh năng lượng, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn…
Tổng Thư ký OECD chúc mừng thành quả cải cách và chuyển đổi kinh tế của Việt Nam, cảm ơn những đóng góp tích cực và vai trò chủ chốt của Việt Nam trong Chương trình Đông Nam Á trên cương vị đồng Chủ tịch Chương trình, đặc biệt là tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Chương trình Đông Nam Á tháng 10/2022 tại Hà Nội.
Tổng thư ký bày tỏ ấn tượng trước vai trò quốc tế của Việt Nam với việc Việt Nam được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng cũng như tham dự Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD tháng 6/2023 sắp tới. Tổng Thư ký cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy trao đổi, hợp tác với Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam phục hồi, phát triển kinh tế, đặc biệt trong các lĩnh vực Việt Nam quan tâm gồm xây dựng chính sách đầu tư thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
Tổng Thư ký mong Việt Nam tham gia sáng kiến Diễn đàn các phương pháp giảm các-bon (IFCMA) để đóng góp xây dựng cách tiếp cận chuẩn, tổng thể về việc giảm thiểu các-bon ở cấp độ toàn cầu.