Theo báo cáo từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, thị trường bảo hiểm hiện có 85 doanh nghiệp, bao gồm 32 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 32 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
Trong giai đoạn 2023-2024, thị trường bảo hiểm gặp nhiều khó khăn và biến động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục duy trì năng lực tài chính và đạt được các kết quả theo hướng phát triển chất lượng hơn, minh bạch, bền vững hơn. Mặc dù, tốc độ phục hồi còn chậm, song có thể thấy đã có những tín hiệu về triển vọng tích cực.
NHỮNG DẤU HIỆU TÍCH CỰC TỪ THỊ TRƯỜNG
Theo đó, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 1.007.204 tỷ đồng (tăng 10,88% so với cùng kỳ năm trước); Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 210.124 tỷ đồng (tăng 6,45%); Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 227.495 tỷ đồng (giảm 0,26%; Chi trả bảo hiểm ước đạt 93.906 tỷ đồng (tăng 17,94%)…
Trong năm 2024, các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 850.075 tỷ đồng (tăng 13,17% so với cùng kỳ năm trước) và gia tăng tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm 13,26%, ước đạt 676.265 tỷ đồng.
Đặc biệt, các doanh nghiệp bảo hiểm tăng 17,94% số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm, ước đạt 93,906 tỷ đồng.
Về cơ chế, chính sách, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã trình Bộ ban hành Thông tư số 85/2024/TT-BTC quy định về việc thi, cấp, thu hồi, cấp đổi chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm; hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
Bên cạnh đó, Cục cấp phép cho 4 doanh nghiệp bảo hiểm gồm 1 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 3 doanh nghiệp bảo hiểm môi giới bảo hiểm. Đồng thời hoàn thành kế hoạch thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, chấn chỉnh các biểu hiện sai phạm nhằm phát triển thị trường bảo hiểm lành mạnh. Theo đó, năm qua, Cục đã xử phạt đối với 9 doanh nghiệp, nộp vào ngân sách Nhà nước 1,32 tỷ đồng.
Riêng đối với vấn đề khắc phục hậu quả do siêu bão Yagi, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết đã chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm nắm bắt nhanh, chính xác tình hình tổn thất, giám định, tạm ứng bồi thường, bồi thường, nhằm hỗ trợ khách hàng, góp phần nhanh chóng khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh.
Tính đến ngày 13/12/2024, trên cơ sở báo cáo của các doanh nghiệp, tình hình thiệt hại, tạm ứng và bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm. Cụ thể, đã xử lý 161 vụ về người với số tiền bảo hiểm ước tính là 25,7 tỷ đồng. Về tài sản và các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ khác đã xử lý tổng cộng 14.614 vụ, ước tính thiệt hại là 10.604,2 tỷ đồng. Tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm đã tạm ứng bồi thường 696,2 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tạm ứng là 678,5 tỷ đồng và doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tạm ứng 17,7 tỷ đồng.
HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU MỚI
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận, năm 2025 là năm khó khăn đối với nền kinh tế nói chung và thị trường bảo hiểm nói riêng, nhất là sau cuộc khủng hoảng niềm tin với thị trường bảo hiểm nhân thọ vừa qua.
Mặc dù vậy, ông Lê Tân Cận cho rằng định hướng chiến lược và khung khổ pháp lý mới sẽ tạo được “cú huých” cho thị trường bảo hiểm Việt Nam cả về quy mô lẫn chất lượng phát triển trong năm 2025 và các năm tiếp theo.
Lãnh đạo Bộ Tài chính giao nhiệm vụ cho Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm trong năm 2025 cần tập trung hơn nữa vào công tác phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm. Hướng tới mục tiêu nâng tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tăng 2,65%; các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tăng 6,6%; đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tăng 5,77%, của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tăng 5,4%. Đặc biệt, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 239.636 tỷ đồng (tăng 0,05% so với cùng kỳ năm 2024).
Song song đó, Thứ trưởng Lê Tấn Cận yêu cầu Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cần tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách; phối hợp với chuyên gia, cơ quan có liên quan xây dựng quy định về mô hình vốn trên cơ sở rủi ro (RBC). Đặc biệt, sửa đổi chính sách về bảo hiểm nông nghiệp, xây dựng danh mục tài sản công phải mua bảo hiểm cho rủi ro bão, lũ, lụt, lộ trình thực hiện và các nhiệm vụ khác được Bộ giao.
Thứ trưởng yêu cầu Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm thực hiện cấp phép cho các chủ đầu tư đủ điều kiện để tham gia thị trường; tiếp tục thực hiện công tác quản lý, giám sát thị trường theo phương thức giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản lý, giám sát thị trường; thực hiện thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp theo kế hoạch được phê duyệt; tiếp tục tham gia vào các diễn đàn hợp tác quốc tế như Hội nghị các nhà quản lý bảo hiểm ASEAN (AIRM), Hiệp hội các cơ quan quản lý bảo hiểm quốc tế (IAIS)….; tiếp tục chuẩn bị các phương án tham gia cho lĩnh vực bảo hiểm đối với các Hiệp định hiện đang trong quá trình đàm phán.
Riêng đối với công tác quản lý giám sát, Bộ Tài chính yêu cầu Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cần tiếp tục tập trung, đảm bảo mục tiêu phát triển thị trường bảo hiểm theo hướng minh bạch, an toàn, hiệu quả; Triển khai toàn diện, đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm, hướng tới mục tiêu xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/tin-hieu-phuc-hoi-tu-thi-truong-bao-hiem-trong-nam-2024.htm