Tại Diễn đàn Kinh tế mới 2024 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức cuối tuần qua, các chuyên gia nhấn mạnh thế giới đang thay đổi nhiều hơn bao giờ hết bởi hai yếu tố then chốt: tiến bộ công nghệ và biến đổi khí hậu.
CHỦ ĐỘNG ĐÓN VẬN HỘI MỚI
Trải qua nhiều thập kỷ, Việt Nam đã vươn mình trở quốc gia có nền kinh tế phát triển. Nhiều tổ chức dự báo Việt Nam sẽ đạt mốc 760 tỷ USD vào năm 2030. Riêng HSBC dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 đạt 7%, được kỳ vọng là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm nay.
Việt Nam hiện nằm trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới xét về GDP và top 20 xét về thương mại, thu nhập bình quân đầu người tăng 43 lần từ 100 USD thời mới cải cách lên 4.300 USD như hiện nay.
“Suốt nhiều năm, FDI vẫn luôn là một trong những động lực quan trọng của sự tăng trưởng vượt bậc này, chiếm 4-6% GDP hàng năm. Tuy nhiên, câu chuyện về sự tăng trưởng của Việt Nam không chỉ đơn giản xoay quanh thu hút FDI và xuất khẩu”, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nói.
Gần đây, đã có những động lực mới xuất hiện tiếp tục thúc đẩy câu chuyện của Việt Nam lên một tầm cao mới. “Sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo, máy học và khoa học người máy đã thay đổi hoàn toàn diện mạo nhiều ngành nghề, từ y tế đến sản xuất và kể cả ngành ngân hàng. ChatGPT đã vượt ra ngoài khuôn khổ của một cỗ máy tìm kiếm thông thường và đó mới chỉ là một ví dụ nhỏ trong “vũ trụ AI”. Giải thưởng Nobel mới đây cho lĩnh vực vật lý và hóa học một lần nữa khẳng định sự thống lĩnh của ứng dụng AI”, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam chia sẻ.
Theo McKinsey, AI tạo sinh là một trong hai xu hướng nổi bật nhất của năm 2023. AI tạo sinh đã chứng kiến một “cơn sốt” trên Google, với số lượt tìm kiếm năm 2023 tăng 700% so với năm 2022, cùng lượng đăng tuyển nhân sự và đầu tư tăng đáng kể.
“Biến cố rất lớn là đại dịch Covid-19 trong mấy năm vừa qua đã tạo ra nhiều đứt gãy tại Việt Nam và thế giới; đòi hỏi những sự thay đổi có tính cấu trúc. Qua biến cố, những điểm yếu nội tại của nền kinh tế bộc lộ rõ khiến chúng ta buộc lòng phải thay đổi”, GS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó Giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) đặt vấn đề.
“Chúng tôi đã thực hiện những công trình nghiên cứu để tìm ra mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam trong kỷ nguyên tiếp theo và thấy rõ rằng phải dựa trên trụ cột của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển khởi nghiệp và dựa vào đóng góp của khu vực doanh nghiệp tư nhân”.
GS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo nhấn mạnh ngày 2/9/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có bài phát biểu rất quan trọng về vai trò của chuyển đổi số. Tổng Bí thư chỉ ra đây là cuộc cách mạng để phát triển lực lượng sản xuất phù hợp với quan hệ sản xuất mới và đây sẽ là động lực để đưa đất nước tiến vào một kỷ nguyên mới. Từ đó cho thấy tầm nhìn chiến lược của Đảng trong việc chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế.
“Tôi cho rằng chúng ta có đủ cơ sở để tin tưởng nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước thời cơ, vận hội vô cùng quan trọng”, GS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo lạc quan.
Theo ông Bảo, nếu như bây giờ Việt Nam không có những hành động cụ thể, có tính chất hệ thống, toàn diện thì sẽ bỏ lỡ chuyến tàu và mất rất nhiều thời gian để bắt kịp với thế giới bởi sự tụt hậu. “Từ 10 năm trước chúng ta đã nói đến thương mại điện tử, chuyển đổi số và công nghệ. Tuy nhiên, đến nay kinh tế số còn mờ nhạt, manh mún”, ông Bảo đánh giá.
CHUYỂN ĐỔI KÉP TỐN KÉM RA SAO?
Biến đổi khí hậu đã và sẽ là thách thức trên toàn cầu trong những thập kỷ tới. CEO HSBC Việt Nam cho biết nhiều nghiên cứu phát hiện cơn bão Helene đã mạnh lên rất nhiều bởi khối nước siêu nóng ở Vịnh Mexico khiến khả năng bão tăng 500 lần do biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu cũng khiến gió mạnh hơn và tăng lượng mưa do bão Helene gây ra, khiến tốc độ gió ở bờ biển Florida giật mạnh hơn 11% và tăng lượng mưa khoảng 10%. Việt Nam cũng phải chịu hậu quả nặng nề do bão Yagi gây ra.
“Trên thực tế, hậu quả của tình trạng trái đất nóng lên vẫn đang diễn ra, kéo theo một loạt thiên tai – những thiên tai sau này sẽ đưa chúng ta đến ngưỡng không thể vãn hồi. Tác động của cơn bão Helene là minh chứng cho thấy biến đổi khí hậu đã rất cận kề, trở thành nguy cơ sống còn đối với thế giới này khi mà hậu quả của nó mỗi ngày càng thêm tệ hại”, ông Tim Evans chia sẻ.
“Trên phạm vi toàn cầu, chi tiêu cho chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang chậm lại do nhà đầu tư lo ngại về việc “tẩy xanh”. Tuy nhiên, đây chỉ là sự gián đoạn nhất thời.
Trong dài hạn, xu hướng chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là không thể đảo ngược”.
Liên hợp quốc ước tính đến cuối thế kỷ này, trái đất sẽ nóng thêm 3°C dù hàng loạt cam kết cân bằng phát thải được công bố trên khắp thế giới để nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính.
Theo một nghiên cứu chính sách công bố tháng 11/2023 của Ngân hàng Thế giới, có 4,5 tỷ người đang bị ảnh hưởng bởi những sự kiện thời tiết cực đoan như ngập lụt, hạn hán, lốc xoáy hoặc nắng nóng gay gắt. Tổ chức này cũng cảnh báo rằng Việt Nam là một trong 5 quốc gia đứng đầu về khả năng bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu sẽ giảm thu nhập quốc dân của Việt Nam lên đến 3,5% GDP vào năm 2050.
Theo ước tính của HSBC, để thế giới có cơ hội đạt được cân bằng phát thải vào năm 2050, các chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân cần tăng 60% mức chi cho năng lượng và hệ thống sử dụng đất so với hiện tại, nghĩa là cần thêm 3,5 nghìn tỷ USD/năm. Con số này tương đương một nửa lợi nhuận doanh nghiệp trên toàn cầu, một phần tư ngân sách thu từ thuế cũng như 7% chi tiêu hộ gia đình của cả thế giới.
Việt Nam cần khoảng 400 tỷ USD đến năm 2040 (gần 6,8% GDP hàng năm) để ứng phó biến đổi khí hậu, theo Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong đó, vốn từ ngân sách nhà nước dự kiến cho ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam chỉ đáp ứng được khoảng 130 tỷ USD.
Đối với vấn đề chuyển đổi số, theo International Data Corporation, chi tiêu cho chuyển đổi số toàn thế giới được dự báo sẽ đạt gần 4 nghìn tỷ USD vào năm 2027. Mỗi dự án chuyển đổi có tính chất khác nhau và tổng chi phí chuyển đổi số sẽ không giống nhau tùy thuộc vào mỗi công ty, ngành nghề, hình thức chuyển đổi và nhiều yếu tố khác. Chi phí bình quân của một dự án chuyển đổi số là 27,5 triệu USD.
Tại Việt Nam, chi phí đầu tư là thách thức số 1 trong chuyển đổi số, theo 60,1% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Bộ Kế hoạch – Đầu tư và USAID.
Bà Trần Thúy Ngọc, Phó Tổng giám đốc thường trực Deloitte Việt Nam, cho biết trên phạm vi toàn cầu, chi tiêu cho chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang chậm lại do nhà đầu tư lo ngại về việc “tẩy xanh”. Tuy nhiên, đây chỉ là sự gián đoạn nhất thời. Trong dài hạn, xu hướng chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là không thể đảo ngược.
“Song, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số tại Việt Nam hiện nay rất thách thức; rào cản lớn ngay từ khâu nhận thức của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vậy đâu là lộ trình và cách thức phù hợp giúp Việt Nam chuyển đổi xanh và chuyển đổi số thành công?”, bà Ngọc đặt vấn đề.
Theo đại diện Deloitte Việt Nam, trước tiên, cần phát triển nguồn tri thức trẻ, tri thức số. Hiện nay, rất nhiều người trẻ Việt Nam đang làm việc cho các công ty công nghệ nước ngoài. Vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược thu hút lực lượng lao động này về làm việc cho các công ty Việt Nam.
Thứ hai, để phát triển bền vững thì Việt Nam vẫn phải tập trung vào nghiên cứu phát triển (R&D), vì nếu không, chúng ta sẽ không có công nghệ cốt lõi, bị lệ thuộc vào công nghệ của các nước khác.
Liên quan đến chuyển đổi số, bà Ngọc cho rằng Việt Nam chưa phát huy được hết tiềm năng và thế mạnh của mình. Thương mại điện tử tuy bùng nổ những năm gần đây nhưng vẫn chưa bền vững. Để giải quyết bài toán này, bà Ngọc khuyến nghị Nhà nước cần sớm có những cải cách về thuế.
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 43-2024 phát hành ngày 21/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/tim-dong-von-lon-cho-chuyen-doi-so-va-xanh.htm