Thay vào đó, họ đi tìm những tài sản gần nhất và có khả năng sinh lời tốt hơn – theo hãng tin Reuters.
Tuần vừa rồi, tỷ giá nhân dân tệ so với USD giảm xuống mức thấp nhất 7 tháng, cùng với đó là sự đảo ngược của dòng vốn chảy vào thị trường chứng khoán Trung Quốc. Giới phân tích cho biết lượng tiền gửi nhân dân tệ ở Hồng Kông cũng tăng lên do nhà đầu tư ở đại lục muốn tìm kiếm lợi tức cao hơn và do các công ty niêm yết chuẩn bị cho việc trả cổ tức hàng năm. Tất cả những yếu tố này khiến cho áp lực mất giá đối với nhân dân tệ càng lớn hơn.
“Tâm lý của nhà đầu tư về Trung Quốc đã xấu đi trong tháng qua, vì thị trường trước đó đã tăng do kỳ vọng số liệu kinh tế vĩ mô khởi sắc, mà rốt cục các báo cáo thống kê lại tiếp tục gây thất vọng”, nhà quản lý danh mục Gary Tan của công ty Allspring Global Investments nhận định.
Allspring hiện đang giảm tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc, nhưng ông Tan cho biết nếu so với thời điểm mà nhà đầu tư cho rằng thị trường đại lục Trung Quốc là “không đáng để đầu tư”, tâm lý đã có sự cải thiện đáng kể và sẽ tiếp tục cải thiện. Dù vậy, ông cho biết mức độ kiên nhẫn của nhà đầu tư đã giảm đi sau nhiều tháng chờ đợi Chính phủ Trung Quốc triển khai thêm các biện pháp kích cầu, nhất là hỗ trợ thị trường bất động sản đang chìm sâu trong khủng hoảng.
Từ đầu tháng 2 đến giữa tháng 5, chỉ số Shanghai Composite Index của chứng khoán đại lục tăng 20%, nhưng kể từ đó đến nay đã giảm 6%.
Sau khi bán tháo chứng khoán Trung Quốc trong năm 2023, nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu quay trở lại vào tháng 2 năm nay. Nhưng trong tháng 6 này, khối ngoại lại bán ròng chứng khoán Trung Quốc, thoái lượng vốn 33 tỷ nhân dân tệ, tương đương 4,54 tỷ USD, thông qua cơ chế kết nối chứng khoán Stock Connect Scheme giữa đại lục với Hồng Kông.
Cùng với đó, các nhà đầu tư ở đại lục chuyển 129 tỷ nhân dân tệ, tương đương 17,74 tỷ USD, sang thị trường Hồng Kông trong cùng khoảng thời gian.
Theo Reuters, giới phân tích nói rằng nhà đầu tư có một số lý do để trở nên thận trọng với chứng khoán đại lục, không phải chỉ liên quan đến việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ giảm lãi suất đến đâu, mà còn vì sắp tới một kỳ họp quan trọng của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc – sự kiện được dự báo sẽ định hình chính sách kinh tế và tài khoá của nước này trong thời gian tới.
Chiến lược gia cấp cao Chi Lo của công ty BNP Paribas Asset Management dự báo Trung Quốc có thể tăng cường các biện pháp nới lỏng và kỳ họp sắp tới sẽ khẳng định định hướng chính sách như vậy.
Diễn biến tỷ giá tham chiếu đồng nhân dân tệ thời gian gần đây đang làm dấy lên đồn đoán rằng Bắc Kinh sẽ để cho đồng nội tệ mất giá thêm để giải toả bớt áp lực. So với đầu năm, nhân dân tệ hiện giảm 2,2% so với đồng USD.
Do tiền chảy từ đại lục sang Hồng Kông, lượng tiền gửi nhân dân tệ ở Hồng Kông đang ở mức cao gần kỷ lục. Theo dữ liệu mới nhất, ở thời điểm tháng 4, lượng tiền gửi nhân dân tệ ở Hồng Kông là 1,09 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 150 tỷ USD, gần mức đỉnh thiết lập vào tháng 1/2022.
Bà Ju Wang, trưởng chiến lược tỷ giá và tiền tệ Trung Quốc tại ngân hàng BNP Paribas, cho rằng các nhà đầu tư đại lục đang đổ xô đến Hồng Kông để tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn vì lợi suất ở đại lục đang thấp cộng thêm khả năng lãi suất còn giảm thêm nữa. Theo bà Wang, dòng chảy nhân dân tệ sang Hồng Kông, cộng thêm hoạt động chuyển tiền truyền thống từ tháng 6 đến tháng 7 hàng năm của các công ty Trung Quốc để chuẩn bị cho việc trả cổ tức ở Hồng Kông, cũng làm gia tăng việc bán nhân dân tệ ngoài đại lục và đẩy cao nhu cầu đối với đôla Hồng Kông.
Từ đầu tháng 5 tới nay, nhân dân tệ đã giảm 1,9% so với đồng đôla Hồng Kông.
Một yếu tố khác hút vốn từ đại lục sang Hồng Kông là kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp đến lúc giảm lãi suất. Do tỷ giá đôla Hồng Kông được neo vào đồng USD, nên một động thái như vậy của Fed sẽ tác động tới nền kinh tế Hồng Kông.
“Việc Mỹ giảm lãi suất sẽ rất quan trọng đối với lượng thanh khoản ở Hồng Kông do có sự neo buộc tỷ giá. Một khi Fed bắt đầu hạ lãi suất, tôi cho rằng lượng thanh khoản ở Hồng Kông sẽ tăng mạnh, đẩy giá tài sản ở đây tăng lên”, ông Lo của BNP Asset Management nhận định.
Triển vọng còn ảm đạm của kinh tế Trung Quốc cũng khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước này tiếp tục sụt giảm. Theo số liệu do Bộ Thương mại Trung Quốc công bố vào hôm thứ Sáu vừa rồi, vốn FDI vào Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm nay giảm 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 412,51 tỷ nhân dân tệ, tương đương 56,8 tỷ USD, đánh dấu tháng giảm thứ 12 liên tiếp.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/tien-dang-chay-khoi-trung-quoc-ap-luc-mat-gia-cua-dong-nhan-dan-te-gia-tang.htm