Bị chậm hoàn thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) hàng trăm tỷ đồng, Hiệp hội Sắn Việt Nam cùng các doanh nghiệp xuất khẩu sắn từng gửi đơn kêu cứu đến Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính sau khi Tổng cục Thuế đưa ra quy định hoàn thuế VAT đối với mặt hàng tinh bột sắn.
Trong báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện các quy định pháp luật về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với xuất khẩu” gửi tới Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Uỷ ban Tài chính, Ngân sách, Quốc hội, làm rõ thực trạng các vướng mắc của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu sắn trong hoàn thuế VAT.
“TẮC” HỒ SƠ VÌ DOANH NGHIỆP XUẤT KHẨU SẮN KIỆN CƠ QUAN THUẾ
Kết quả hoàn thuế trong lĩnh vực tinh bột sắn được Uỷ ban Tài chính, Ngân sách, tổng hợp cho thấy tỷ lệ số hồ sơ được giải quyết hoàn trên tổng số hồ sơ đề nghị giảm dần qua các năm, từ mức 94-95% của năm 2019, năm 2020 giảm xuống còn 84-82% năm 2021 và năm 2022, sang nửa đầu năm 2023 số hồ sơ được giải quyết hoàn thuế chỉ còn 45%.
Bên cạnh đó, tỷ lệ số hồ sơ được hoàn trước trên tổng số hồ sơ đề nghị cũng giảm từ mức khoảng trên dưới 70% (các năm 2019-2021) xuống còn 49% (năm 2022) và 22% (nửa đầu năm 2023).
Đáng nói, số hồ sơ tồn của các năm 2019-2022 chỉ là vài hồ sơ mỗi năm thì năm 2023 đã tăng lên là 43 hồ sơ.
Sở dĩ lĩnh vực tinh bột sắn bị rơi vào tầm soi xét bởi ngành thuế cho rằng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tinh bột sắn Việt Nam giao dịch với doanh nghiệp “ma”, bỏ trốn, mất tích tại Trung Quốc gây nên sự nghi ngờ về hành vi trục lợi trong hoàn thuế VAT và gây thất thoát ngân sách.
Thế nhưng, theo số liệu của Tổng cục Thuế, trong nửa đầu năm 2023, mặc dù số hồ sơ thực hiện kiểm tra trước hoàn là rất lớn, chiếm 78% tổng số hồ sơ đề nghị hoàn nhưng số hồ sơ không giải quyết hoàn chỉ là 7 hồ sơ, chỉ tương ứng 8% số hồ sơ đề nghị hoàn và 1% số tiền đề nghị hoàn. Cùng với đó, tỷ lệ thực hiện thanh tra, kiểm tra sau hoàn không lớn và kết quả phát hiện truy thu nhìn chung không đáng kể.
Làm rõ vướng mắc đối với nhóm mặt hàng tinh bột sắn, Uỷ ban Tài chính, Ngân sách, cho biết trong lĩnh vực này, khi kiểm tra điều kiện về chứng từ thanh toán qua ngân hàng trong một số trường hợp xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc, cơ quan thuế nhận thấy các chứng từ thanh toán của khách hàng Trung Quốc chỉ có tên và số tài khoản ngân hàng trung gian tại biên giới Trung Quốc và Việt Nam. Do đó lo ngại rằng không xác định được việc chuyển tiền từ bên nhập khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam.
Vì vậy, cơ quan thuế có văn bản đề nghị cơ quan thuế Trung Quốc hỗ trợ xác minh một số doanh nghiệp, cá nhân trên hợp đồng mua bán hàng hóa xuất khẩu.
Trước tình trạng trên, một số doanh nghiệp trong ngành kiện cơ quan thuế như Cục thuế Nghệ An, Cục thuế TP. Hồ Chí Minh. Các vụ việc hoàn thuế đối với xuất khẩu tinh bột sắn đang được phán quyết khác nhau tại toà án các tỉnh.
Kết quả bất ngờ là “cơ quan thuế Trung Quốc cho biết một số doanh nghiệp, cá nhân có tên trên hợp đồng không thừa nhận có quan hệ mua bán với doanh nghiệp xuất khẩu tinh bột sắn của Việt Nam, hoặc không thể liên hệ và tìm thấy đối tượng có tên trên hợp đồng”, Uỷ ban Tài chính, Ngân sách thông tin.
Vì vậy, cơ quan thuế cho rằng doanh nghiệp không đáp ứng tính pháp lý của hợp đồng mua bán xuất khẩu và cho rằng đây có thể là các trường hợp không thật sự xuất khẩu, từ đó, nghi ngờ doanh nghiệp gian lận tiền hoàn thuế.
“Với thực trạng nêu trên, quan điểm của cơ quan thuế là các hồ sơ này không có đủ căn cứ để giải quyết hoàn thuế. Hiện số hồ sơ này vẫn đang tồn đọng chưa có phương án xử lý”, Uỷ ban Tài chính, Ngân sách nêu rõ thực tế.
Để giải quyết vướng mắc, hiện Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) gửi văn bản trao đổi với Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Tòa án Nhân dân tối cao, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam xin ý kiến về hướng xử lý về nội dung nêu trên. Vì vậy, các hồ sơ hoàn thuế VAT vẫn đang trong trạng thái dừng hoàn.
NHIỀU MÁNH KHOÉ
Quan điểm của Hiệp hội và các doanh nghiệp cho rằng, từ khi có Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/1/2018 của Chính phủ về hoạt động thương mại biên giới (xuất khẩu tiểu ngạch), các doanh nghiệp được phép mua bán trao đổi hàng hoá qua biên giới và đẩy mạnh việc xuất khẩu tinh bột sắn tiểu ngạch với Trung Quốc.
Với việc nhập khẩu tiểu ngạch, các doanh nghiệp Trung Quốc tránh được khoản thuế nhập khẩu 13%. Còn đối tác phía Trung Quốc có thể khai thác những khả năng tránh thuế này khi nhập khẩu tiểu ngạch, hợp thức hoá bằng hồ sơ hàng hoá của cư dân biên giới.
Vì vậy, “khi cơ quan thuế Trung Quốc xác minh, các đối tác này sẽ từ chối xác nhận việc nhập khẩu các đơn hàng với phía Việt Nam và không thực hiện thanh toán trực tiếp từ tài khoản ngân hàng mang tên của đối tác trên hợp đồng. Trên thực tế, các hợp đồng mua bán giữa doanh nghiệp và đối tác Trung Quốc có phụ lục về việc uỷ quyền cho bên thứ 3 thực hiện thanh toán”, Uỷ ban Tài chính, Ngân sách làm rõ vướng mắc.
Khi làm việc tại Cục thuế Lạng Sơn về các trường hợp xuất khẩu tinh bột sắn, Đoàn giám sát của Uỷ ban Tài chính, Ngân sách được biết các ngân hàng thương mại Việt Nam cũng cho rằng tổ chức tín dụng của Trung Quốc ở biên giới có tồn tại một tài khoản chung để các cá nhân có thể thanh toán cho phía Việt Nam.
Hiện nay, biên giới phía Bắc đã có hàng rào đầy đủ và mặt hàng tinh bột sắn có khối lượng lớn, giá trị thấp, thời hạn sử dụng ngắn nên trên thực tế khả năng hàng hoá xuất đi rồi quay lại nội địa qua các đường mòn lối mở là thấp.
Qua làm việc với các cục thuế và một số doanh nghiệp, Hiệp hội, Đoàn giám sát cho rằng quan điểm xử lý của Tổng cục Thuế trong một số các trường hợp này có thể là tương đối cứng nhắc và có thể cần được tiếp cận phù hợp hơn.
Uỷ ban Tài chính, Ngân sách phân tích trong 4 điều kiện để được hoàn thuế VAT thì hai yếu tố (i) hàng hoá được xuất khẩu thực chất; (ii) tính xác thực của các hoá đơn đầu vào là hai yếu tố trọng yếu.
Còn lại hai yếu tố còn lại về (iii) thanh toán qua ngân hàng; (iv) hợp đồng ngoài mục tiêu thúc đẩy không dùng tiền mặt, về cơ bản là mang tính bổ trợ cho việc xác định hàng hoá được thực xuất khẩu.
Trong trường hợp xuất khẩu tinh bột sắn, yếu tố đầu vào (hoá đơn đầu vào), cơ bản là được bảo đảm vì nguồn hàng được lấy từ các nhà máy chế biến trong nước.
Về yếu tố thanh toán qua ngân hàng, tại buổi làm việc với Đoàn giám sát, Cục thuế Lạng Sơn cho biết, việc thanh toán mặc dù trong nhiều trường hợp là chung một tài khoản song đều phát sinh các khoản thanh toán từ phía tổ chức tín dụng Trung Quốc.
“Để kiểm tra đối với đầu ra, do đây là xuất khẩu tiểu ngạch, nên tập trung vào khâu kiểm soát hải quan hơn là vấn đề xác minh tính pháp lý của đối tác phía Trung Quốc khi trên thực tế các đối tác này có thể đang cố tận dụng ưu đãi của thương mại biên giới, để tránh việc nộp thuế nhập khẩu”.
Uỷ ban Tài chính, Ngân sách.
“Việc yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của đối tác Trung Quốc và coi đây là căn cứ để cho rằng doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện hoàn thuế có thể là chưa đủ thuyết phục”, Uỷ ban Tài chính, Ngân sách nhấn mạnh.
Do đó, Uỷ ban Tài chính, Ngân sách khuyến nghị cơ quan thuế có thể lưu ý về tính pháp lý của đối tác trong các trường hợp này để đánh giá, chấm điểm về mức độ rủi ro của doanh nghiệp xuất khẩu, ví dụ đối tác bên mua không ổn định, thường xuyên thay đổi, để yêu cầu cơ quan hải quan (thuộc Bộ Tài chính) có các biện pháp kiểm tra, giám sát phù hợp đối với các lô hàng của doanh nghiệp.
Vì thực tế là mặt hàng này nhìn chung được xuất theo luồng xanh, vì vậy, cơ quan hải quan có thể không kiểm soát kỹ về khối lượng thực xuất so với khối lượng trên tờ khai hải quan.
Về mặt pháp lý, để đánh giá về tính xác thực của khối lượng xuất khẩu, nếu có rủi ro gian lận về khối lượng thực xuất khẩu thì cơ quan hải quan có thể thực hiện hậu kiểm.
Trong trường hợp đã thực hiện hậu kiểm hoặc không thực hiện hậu kiểm thì cơ quan quản lý nhà nước như: Tổng cục Thuế/Tổng cục Hải quan cần chấp nhận tính pháp lý của tờ khai hải quan.
“Chính phủ đã ban hành Nghị định số 14/2018/CP-CP để khuyến khích xuất khẩu tiểu ngạch thì các cơ quan quản lý nhà nước cần có cách tiếp cận thống nhất trong quản lý để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu và giảm thiểu các khó khăn, tránh tính trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, Uỷ ban Tài chính, Ngân sách lưu ý.
Vì vậy, trong lĩnh vực xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc, theo Thường trực Uỷ ban Tài chính, Ngân sách, trước hết các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan gồm: Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và Ngân hàng nhà nước cần thống nhất về mặt chính sách đối với vấn đề xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Theo đó, các cơ quan cần làm rõ quan điểm có tiếp tục khuyến khích xuất khẩu tiểu ngạch hay nên thúc đẩy các doanh nghiệp hoàn toàn chuyển sang xuất khẩu “chính ngạch” để tạo cơ sở cùng phối hợp trong quản lý và giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp dựa trên bản chất.
“Việc xin ý kiến các cơ quan tư pháp về tính pháp lý của các hợp đồng mua bán của bên đối tác Trung Quốc từ các thông tin của cơ quan thuế nước ngoài để đánh giá về tính thực chất của hoạt động xuất khẩu có thể không phải là cách giải quyết một cách thấu đáo đối các hồ sơ tồn đọng về xuất khẩu tinh bột sắn hiện nay”, Uỷ ban Tài chính, Ngân sách lưu ý.