Tại Hội thảo “Thuế và nền tài chính lành mạnh cho sự phát triển bền vững” do Bộ Tài chính chủ trì, Tổng cục Thuế phối hợp Báo Lao Động tổ chức chiều 18/12, ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài Chính) cho biết đến nay ngành thuế đã thực hiện được 86,5% mục tiêu thu ngân sách đề ra theo Nghị quyết 23/2021/QH15 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2021-2025. Trong đó, mục tiêu kế hoạch tổng thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 là 8,3 triệu tỷ đồng. Tính đến tháng 12/2024, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt khoảng 7,2 triệu tỷ đồng.
Theo ông Mai Sơn, với tiến độ thực hiện như trên, nếu tính cả dự toán năm 2025 mà Quốc hội, Chính phủ giao, thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 đạt khoảng 9 triệu tỷ đồng, đảm bảo hoàn thành mục tiêu kế hoạch tài chính ngân sách đề ra, tỷ lệ huy động vào Ngân sách Nhà nước đạt khoảng 16 – 17% GDP, trong đó thu từ thuế, phí đạt khoảng 14% GDP, tỷ trọng thu nội địa tính đến cuối năm 2025 đạt khoảng 86% tổng thu Ngân sách Nhà nước.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết trong giai đoạn 2021-2024, ngành thuế đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn cho gần 3,7 triệu lượt người nộp thuế với 8 loại thuế và 36 loại phí. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thông qua đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường số hóa, hiện đại hóa công tác quản lý thu nộp ngân sách.
DOANH NGHIỆP CÒN LÚNG TÚNG TRONG THỰC THI THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THUẾ
Tại hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI đánh giá, mặc dù trong thời gian qua, ngành thuế đã có những cải cách quan trọng, nhưng từ thực tế, vẫn còn nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục thuế.
Ông Phòng cho biết ghi nhận mới nhất từ khảo sát môi trường kinh doanh do VCCI tiến hành trong năm 2024, vẫn có tới 31% doanh nghiệp gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính thuế, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
“Mặc dù đã có nhiều cải thiện quy trình kê khai, nộp thuế, hoàn thuế và quyết toán thuế nhưng vẫn còn phức tạp, gây mất thời gian và tốn kém chi phí cho doanh nghiệp. Một số quy định thuế chưa được diễn giải hoặc áp dụng thống nhất giữa các cơ quan quản lý ở trung ương và địa phương, dẫn đến sự thiếu minh bạch và khó dự đoán cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, ứng dụng công nghệ số ở mức chưa đồng đều. Mặc dù ngành thuế đã chuyển đổi số mạnh mẽ, nhưng không phải doanh nghiệp nào, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, cũng có đủ nguồn lực và năng lực để thích nghi”, ông Hoàng Quang Phòng kiến nghị.
Ngành Thuế cần có các tài liệu hướng dẫn chi tiết, dễ hiểu và thống nhất về việc thực thi các chính sách thuế, tránh tình trạng mỗi nơi áp dụng một kiểu. Đơn giản hóa biểu mẫu kê khai, giảm thiểu các loại thuế phí chồng chéo và duy trì sự ổn định trong chính sách để doanh nghiệp yên tâm lập kế hoạch dài hạn.
(Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI)
Từ phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, Phó Chủ tịch VCCI kiến nghị ngành thuế tiếp tục đẩy mạnh số hóa trong quản lý thuế. Hoàn thiện các nền tảng công nghệ và tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong việc sử dụng các hệ thống này.
Phó Chủ tịch VCCI cho rằng ngành thuế cần có các tài liệu hướng dẫn chi tiết, dễ hiểu và thống nhất về việc thực thi các chính sách thuế, tránh tình trạng mỗi nơi áp dụng một kiểu. Đơn giản hóa biểu mẫu kê khai, giảm thiểu các loại thuế phí chồng chéo và duy trì sự ổn định trong chính sách để doanh nghiệp yên tâm lập kế hoạch dài hạn.
Đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, đại diện VCCI kiến nghị cần có các chính sách đặc thù như miễn giảm thuế, hỗ trợ đào tạo về tuân thủ thuế, hoặc tư vấn trực tiếp. Cơ quan thuế cần duy trì các kênh đối thoại thường xuyên với doanh nghiệp để lắng nghe phản hồi, cũng như cập nhật các vấn đề thực tiễn trong thực thi chính sách.
GIẢM RỦI RO CHO DOANH NGHIỆP VÀ CÁN BỘ THUẾ KHI HOÀN VAT
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cũng cho biết tại 2 hội nghị đối thoại về Thuế, Hải quan mới đây, các doanh nghiệp phản ánh còn gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT).
Bà Cúc lấy ví dụ: đầu vào phế liệu thu gom của sản xuất thép, loa Lioa, gỗ đối với sản phẩm gỗ xuất khẩu, xác định thuế giá trị gia tăng của nông sản, thủy hải sản…là những lĩnh vực đang gặp nhiều vướng mắc.
Bà Cúc kiến nghị cần có cơ chế chính sách rõ ràng xử lý khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; đảm bảo việc hoàn thuế giá trị gia tăng kịp thời và giảm thiểu rủi ro cho cả doanh nghiệp và cán bộ thuế thi hành công vụ.
Theo Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, trường hợp doanh nghiệp không thông đồng với doanh nghiệp khác, hàng hóa đủ điều kiện về hợp đồng, thanh toán thì cơ quan thuế không chịu trách nhiệm về nguồn gốc hợp đồng hàng hóa của các doanh nghiệp được hoàn thuế. Trường hợp kiểm tra phát hiện các sai sót không thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp kê khai hoặc của cán bộ thuế thì doanh nghiệp không bị xử lý phạt thuế, cán bộ thuế không bị xử lý trách nhiệm trong thi hành công vụ.
Bà Cúc cho rằng trước mắt để xử lý khó khăn cho doanh nghiệp, cơ quan thuế căn cứ vào biện pháp quản lý rủi ro để áp dụng tạm hoàn VAT theo một tỷ lệ nhất định cho doanh nghiệp.
Bên cạnh các vấn đề liên quan đến hoàn VAT, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cũng kiến nghị các chính sách ưu đãi thuế cần rõ ràng, minh bạch, cụ thể… có tính khả thi cao; không để chính sách “treo”.Tới đây, các cơ quan hoạch định chính sách nên tập hợp các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành vào Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp sửa đổi.
“Cơ quan thuế cần được tăng cường, ổn định về tổ chức nguồn lực để tiếp tục thực hiện cải cách quản lý thuế, hỗ trợ người nộp thuế tháo gỡ nút thắt, tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, tăng cường tính tuân thủ của người nộp thuế và hiệu quả của cơ quan thuế”, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam nhấn mạnh.
Theo ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng, Tổng Cục thuế, trong thời gian tới (2025), Tổng cục thuế sẽ cải cách mạnh mẽ hơn nữa, tiết giảm thời gian, chi phí cho người nộp thuế. Ngoài ra, chính sách thuế sẽ tiếp tục góp phần nâng cao sự minh bạch trong hoạt động tổ chức kinh doanh của doanh nghiệp, tăng cường hội nhập, thu hút doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cùng cạnh tranh lành mạnh với các doanh nghiệp trong nước.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/thao-go-som-vuong-mac-cua-doanh-nghiep-khi-thuc-hien-thu-tuc-thue.htm