Tại hội thảo “Phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh mới” do Ban Kinh tế Trung ương chỉ đạo, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) tổ chức, các chuyên gia cùng thống nhất nhận định rằng xu hướng chuyển dịch các công xưởng sản xuất ngoài lãnh thổ Trung Quốc đã và đang tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam.
CƠ HỘI TỪ XU HƯỚNG DỊCH CHUYỂN SẢN XUẤT
Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN, cho biết nhiều doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ đang tập trung vào việc chuẩn bị cho xu hướng chuyển dịch, trước khi cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ diễn ra.
Các doanh nghiệp dự đoán rằng sau bầu cử, khả năng cao chính phủ Hoa Kỳ sẽ tăng thuế suất đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, đẩy nhanh quá trình dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Dẫn chứng cho xu hướng này, Phó Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN cho hay: “Một công ty thành viên chuyển sản xuất những linh kiện kết nối trong các thiết bị điện tử trong khu công nghiệp Thăng Long vừa mới khai trương phần mở rộng đầu tư. Cách đây chưa đến hai năm, doanh nghiệp này đã tăng quy mô đầu tư lên gấp đôi và tăng quy mô xuất khẩu lên gấp bốn vào khoảng 200 đến 240 triệu đô-la một năm. Và sau chưa đầy 2 năm sau khi mở rộng thì bây giờ doanh nghiệp này lại đang tìm địa điểm để mở rộng quy mô sản xuất bằng một nhà máy mới.
Do khu công nghiệp Thăng Long đã hết đất nên doanh nghiệp buộc phải đi tìm địa điểm mới. Mặc dù nhà máy hiện tại ở khu công nghiệp Thăng Long có diện tích đất khoảng hơn 1 hecta, nhưng áp lực công suất của doanh nghiệp hiện đã lên rất cao và cần mở rộng quy mô có diện tích lớn hơn, dao động từ 7 – 10 hecta”.
Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN, phát biểu tại hội thảo “Phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh mới”. Ảnh: Việt Dũng
Một trường hợp khác được chuyên gia Vũ Tú Thành nhắc đến là một doanh nghiệp phía Nam có quy mô xuất khẩu hàng năm lên tới 2 tỉ đô la mỗi năm, có nhà máy đặt tại khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Doanh nghiệp này cũng làm OEM (Original Equipment Manufacturing, tức là sản xuất thiết bị, sản phẩm gốc) cho các khách hàng nước ngoài trong lĩnh vực điện tử. Họ nói rằng khách hàng tạo áp lực về số lượng nên bắt buộc họ phải gia tăng công suất ở Việt Nam.
Ngoài sản xuất trong lĩnh vực điện tử, một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực đồ chơi cũng có nhu cầu phát triển quy mô sản xuất.
Trong thời gian qua, trên 70 % nguồn đầu tư rơi vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, còn lại khoảng 20 % là bất động sản, và 10% cho các lĩnh vực khác. Như vậy, khu vực chế biến, chế tạo cần rất đang hút vốn và tiếp tục cần thêm nguồn lực để khai thông được hết những tiềm năng thông qua giải quyết những điểm nghẽn như năng lượng, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng hay logistics…
GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Theo đánh giá của các chuyên gia, lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo tại Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội từ xu hướng dịch chuyển sản xuất toàn cầu. Tuy nhiên, để thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, Việt Nam cần phải nhanh chóng cải thiện những điểm nghẽn trong đầu tư liên quan đến năng lượng, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng…
Song thực tế là, đối với những dự án đầu tư quy mô lớn như dự án nhà máy điện lên tới vài tỷ USD, nhà đầu tư nước ngoài thường yêu cầu bảo lãnh Chính phủ. Điều này khiến nhiều dự án rơi vào bế tắc và khó triển khai bởi quy định liên quan tới bảo lãnh Chính phủ và nợ công.
Vì vậy, theo ông Thành, có thể cân nhắc sử dụng một số công cụ tài chính linh hoạt để giảm bớt tỷ lệ bảo lãnh Chính phủ.
Một là xây dựng cơ chế chính sách cho phép doanh nghiệp có hợp đồng mua bán điện dài hạn. Từ hợp đồng này, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã có thể ra trực tiếp ngân hàng để vay vốn, từ đó giảm được phần bảo lãnh Chính phủ.
Hai là giúp các doanh nghiệp đảm bảo khả năng thanh toán bởi khi được đảm bảo, các doanh nghiệp sẽ có thể tiếp cận các nguồn khác như bảo hiểm tư nhân để bảo vệ rủi ro.
Với phương án này, Chính phủ không cần phải cấp bảo lãnh nhưng vẫn phải đề xuất những văn bản mang tính ràng buộc như thư xác nhận của Bộ Công Thương hoặc Bộ Tài Chính… xác nhận rằng EVN là doanh nghiệp nhà nước và có đủ thẩm quyền để thực hiện nghĩa vụ của mình.
Về mặt lý thuyết, các doanh nghiệp nước ngoài hoàn toàn có những lo ngại khi cho rằng EVN có khả năng phá sản và không có khả năng thực hiện nghĩa vụ thanh toán của mình đối với các hợp đồng mua điện. Nhưng về mặt pháp lý thì những văn bản như thư xác nhận như vậy lại không có giá trị rằng buộc và không tính vào nợ công quốc gia.
Mặc dù vậy, hiện nay chưa có quy định cụ thể cho phép các cơ quan nhà nước có thể phát hành các văn bản đó hay không. Vì thế nên cần sớm đưa ra những quy định cụ thể để giúp các các cơ quan Nhà nước giải quyết được câu chuyện này.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/thao-go-diem-nghen-ve-san-xuat-che-bien-che-tao-hut-von-dau-tu-nuoc-ngoai.htm