Theo nguồn tin từ Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa, thu ngân sách nhà nước tháng 5 ước đạt 3.040 tỷ đồng, bằng 72% so với cùng kỳ, trong đó: thu nội địa ước đạt 1.670 tỷ đồng, bằng 61% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 1.370 tỷ đồng, bằng 93%.
Lũy kế 5 tháng đầu năm, Thanh Hóa thu ngân sách nhà nước ước đạt 17.258 tỷ đồng, bằng 49% dự toán và bằng 77% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương tháng 5 ước đạt 3.262 tỷ đồng; lũy kế 5 tháng đầu năm ước đạt 16.894 tỷ đồng, bằng 42% dự toán và 108% so với cùng kỳ.
THU TỪ XUẤT NHẬP KHẨU GIẢM
Nguồn tin từ Cục Hải quan Thanh Hóa, đến hết tháng 5/2023, số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 7.222,5 tỷ đồng đạt 53,5% chỉ tiêu do Bộ Tài chính giao.
Tính đến 21/5/2023, số thu từ dầu thô nhập khẩu đạt 5.450,31 tỷ đồng, chiếm 80% tổng thu ngân sách nhà nước và bằng 82% so với cùng kỳ năm 2022.
Nguồn thu từ các nhóm hàng hóa nhập khẩu khác là 1.244,52 tỷ đồng, đạt 86% so với cùng kỳ năm 2022. Nguồn thu này chủ yếu từ các nhóm hàng nhập khẩu phụ vụ sản xuất của các dự án trong Khu kinh tế Nghi Sơn và tương đối ổn định, như: phế liệu sắt thép, than đá, phụ liệu lọc hóa dầu và dầu cọ tinh luyện. Tuy nhiên, số thu từ máy móc, thiết bị năm 2023 chỉ đạt 28% so với cùng kỳ năm 2022 là nguyên nhân khiến tổng số thu từ các nhóm hàng hóa nhập khẩu khác (ngoài dầu thô) giảm 14% so với cùng kỳ.
Số thu từ nguồn hàng hóa xuất khẩu khác nhìn chung không có biến động lớn và ảnh hưởng không đáng kể đến tổng thu.
Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu tính đến ngày 21/5/2023 đạt 4,68 tỷ USD, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 1,45 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 3,23 tỷ USD.
Kim ngạch các mặt hàng xuất khẩu như: hàng dệt may, da giày, chế phẩm lọc hóa dầu… đều giảm so với cùng kỳ do gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu.
Kim ngạch mặt hàng than đá nhập khẩu tăng (+328%) do nhu cầu sản lượng than nhập khẩu phục vụ nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 tăng cao, song các mặt hàng nhập khẩu chủ chốt khác đều giảm so với cùng kỳ như: dầu thô (-17%); nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi(-27%); vải các loại, phụ liệu may (-4%); máy móc, thiết bị (-30%); linh kiện ô tô (-84%).
THU NỘI ĐỊA GẶP KHÓ
Trong tháng 5/2023: Ước tổng thu ngân sách nhà nước là 1.670 tỷ đồng, đạt 7,6% dự toán (DT) Bộ Tài chính và UBND tỉnh giao, bằng 61,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trừ tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết thu 1.268 tỷ đồng, đạt 8,6% DT giao, bằng 126,7% so với cùng kỳ.
Lũy kế 5 tháng: Ước tổng thu gân sách nhà nước là 10.150 tỷ đồng, đạt 46,5% dự toán Bộ Tài chính và UBND tỉnh giao, bằng 72,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trừ tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết thu 7.160 tỷ đồng, đạt 48,7% dự toán giao, bằng 100,5% so với cùng kỳ.
Trong đó, khối doanh nghiệp nhà nước ước thu 5 tháng được 646 tỷ đồng, đạt 38,5% DT giao, bằng 84,8% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân 5 tháng đầu năm 2023 đạt thấp so với cùng kỳ do nguyên nhân chủ yếu là năm 2022 giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng đầu ra (xuống 8%) theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP nên một số doanh nghiệp có số nộp ngân sách hàng năm lớn nhưng 5 tháng đầu năm 2023 chưa phát sinh số thuế phải nộp hoặc phát sinh thấp do có số thuế còn được khấu trừ từ năm 2022 chuyển sang năm 2023 như: Công ty TNHH một thành viên thủy điện Trung; Công ty nhiệt điện Nghi Sơn – Tổng công ty phát điện 1; Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng HUD4; Công ty điện lực Thanh Hóa – Chi nhánh Tổng công ty điện lực miền Bắc.
Tình hình nộp thuế một số doanh nghiệp trọng điểm: Công ty TNHH MTV thuốc lá Thanh Hóa: Ước sản lượng tiêu thụ 5 tháng được 98,3 triệu bao, đạt 72,7% kế hoạch năm 2023, bằng 109,8% so với cùng kỳ; nộp ngân sách là 261,5 tỷ đồng, đạt 44,3% dự toán giao, bằng 114,2% so với cùng kỳ.
Công ty cổ phần Bia Thanh Hóa: Ước sản lượng tiêu thụ 5 tháng được 8,2 triệu lít, đạt 19,5% kế hoạch năm 2023, bằng 72,1% so với cùng kỳ; nộp ngân sách là 56 tỷ đồng, đạt 21,3% dự toán giao, bằng 88,7% so với cùng kỳ. Nguyên nhân đạt thấp hơn cùng kỳ: Tổng Công ty CP bia rượu nước giải khát Hà Nội đang tồn kho lớn nên tạm dừng thuê Công ty CP Bia Thanh Hóa gia công.
Công ty CP xi măng Bỉm Sơn: Ước sản lượng tiêu thụ 5 tháng được 1.517 ngàn tấn, bằng 70% cùng kỳ; nộp ngân sách là 36,4 tỷ đồng, đạt 25,1% dự toán giao, bằng 124% so với cùng kỳ, số nộp tăng cao chủ yếu là do đơn vị tạm nộp thuế thu nập doanh nghiệp năm 2022 sang tháng 1/2023 theo Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30/10/2022.
Thu từ khối FDI ước 5 tháng được 2.977 tỷ đồng, đạt 68,4% DT giao, bằng 138,7% so cùng kỳ.
Tình hình nộp thuế một số doanh nghiệp FDI trọng điểm: Công ty TNHH Lọc dầu Nghi Sơn: Ước sản lượng tiêu thụ 5 tháng được 2.683 ngàn tấn đạt 35,8% kế hoạch năm 2023, bằng 100% so với cùng kỳ; nộp NSNN là 2.558,5 tỷ đồng đạt 69,7% dự toán giao, bằng 139,3% so cùng kỳ.
Công ty xi măng Nghi Sơn: Ước sản lượng tiêu thụ 5 tháng được 2,1 triệu tấn đạt 42,9% kế hoạch năm 2023, bằng 102% cùng kỳ; nộp ngân sách là 29 tỷđồng, bằng 118% so với cùng kỳ.
NGUỒN THU TỪ BẤT ĐỘNG SẢN GIẢM SÂU VÌ THỊ TRƯỜNG ẢM ĐẠM
Sau nhiều này tăng thu ngân sách ấn tượng, năm 2022 Thanh Hóa đã chính thức gia nhập nhóm các tỉnh thành có số thu ngân sách từ 50.000 tỷ với số thu đạt 50.600 tỷ. Nhóm này bao gồm các địa phương: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai.
Tuy nhiên, sau 5 tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn, số thu ngân sách của tỉnh Thanh Hóa mới đạt 17.258 tỷ đồng, bằng 49% dự toán và bằng 77% so với cùng kỳ. Thanh Hóa có nguy cơ rớt khỏi câu lạc bộ 50.000 tỷ.
Năm 2022, nguồn thu từ đất là 12.600 tỷ. Tuy nhiên nguồn thu chủ lực này này hiện đang gặp khó do thị trường bất động sản ảm đạm cũng như nhiều dự án lớn vẫn đang vướng mắc những rào cản pháp lý khiến tiến độ giao quyền sử dụng đất chững lại.
5 tháng đầu năm 2023, thu tiền sử dụng đất được 2.979 tỷ đồng, đạt 42% dự toán giao, bằng 42,9% so với cùng kỳ. Thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước: Ước thu 5 tháng được 119 tỷ đồng, đạt 21,6% dự toán giao, bằng 41,1% so với cùng kỳ.
Bên cạnh nguồn thu từ đất, một nguồn thu chủ lực khác cũng bị ảnh hưởng là nguồn thu từ Liên hiệp Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Năm 2022, riêng đơn vị này đã đóng góp hơn 22.000 tỷ vào ngân sách địa phương, chiếm tỷ trọng 44% tổng thu.
5 tháng đầu năm 2023, số thu từ dầu thô giảm do giá dầu thô bình quân giảm (-17,5 USD/thùng), mặt khác số chuyến tàu dầu được thông quan trong năm 2023 ít hơn 02 chuyến so với cùng kỳ năm 2022.
6 tháng cuối năm 2023, số thu nộp ngân sách nhà nước của Cục Hải quan Thanh Hóa chịu sự ảnh hưởng rất lớn từ kế hoạch bảo dưỡng lần đầu theo thiết kế của nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Dự kiến, nhà máy sẽ bắt đầu tiến hành bảo dưỡng lớn lần đầu theo thiết kế vào tháng quý 3 năm 2023, kéo dài 1- 2 tháng. Theo đó, số chuyến tàu dầu thô nhập khẩu sẽ giảm từ 3 đến 6 chuyến, tương ứng với số thuế giảm từ 1.140 đến 2.280 tỷ đồng, do đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN năm 2023 của tỉnh Thanh Hóa. Kéo theo đó, số thu từ các các thuế nội địa tại Liên hiệp Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng sẽ biến động mạnh theo chiều hướng giảm.
Vì vậy, nếu không có những nguồn thu đột biến, nhiều khả năng Thanh Hóa sẽ bị rớt khỏi câu lạc bộ 50.000 tỷ và lần đầu tiên sau 10 năm liên tiếp tăng trưởng ấn tượng, địa phương này sẽ ghi nhận số thu ngân sách năm sau giảm hơn so với năm liền trước.