Lý giải câu chuyện này, ông Danny Lê, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Masan, cho rằng thị trường tiêu dùng Việt Nam còn khá phân mảnh, việc kết nối với người tiêu dùng chưa có dữ liệu, kênh bán truyền thống còn chiếm tỷ trọng lớn trong khi kênh hiện đại tỷ trọng thấp.
BA TRỤ CỘT TĂNG TRƯỞNG
“Với việc thiếu hỗ trợ công nghệ, không có phân tích dữ liệu, cộng với chi phí bán hàng cao, khiến cho người tiêu dùng phải trả giá cao và nhu cầu không được cập nhật kịp thời ở các kênh bán hàng truyền thống. Tuy nhiên, những nhược điểm này đã được khắc phục ở kênh bán hàng hiện đại của Masan để từ đó, chúng tôi đồng hành với người tiêu dùng trải nghiệm con đường số hóa tại Việt Nam” , ông Danny Lê nói.
Trong khi thị trường đóng cửa 1.000 cửa hàng thì mỗi ngày, hệ thống bán lẻ tập đoàn này mở 2 cửa hàng, nhờ đó thị phần và mạng lưới siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi tăng từ 40% của năm 2021 lên 50% của năm 2022.
Vị CEO của Tập đoàn Masan cũng không giấu tham vọng dùng số hóa tăng chi tiêu, tăng mạng lưới, tăng hội viên để từ đó gây dựng kho dữ liệu khổng lồ trên con đường đưa Masan trở thành nhà bán lẻ số bá chủ thị trường.
Hiện tại, để đạt mục tiêu này, Masan đã thành lập công ty chuyên về hệ thống kho bãi, vận chuyển, tận dụng trí tuệ nhân tạo AI và các công nghệ khác để tối ưu hóa vận hành (Supra).
Hệ sinh thái của Masan được mở rộng thêm ở nhiều khu vực nhưng vẫn trong vòng quay liên kết hữu cơ của một nhà bán lẻ tạo lập thị trường với 3 ba trụ cột chính: (i) tăng trưởng mạng lưới; (ii) tăng trưởng hội viên và (iii) tăng trưởng thị phần chi tiêu. Ba trụ cột này được củng cố bởi dịch vụ hậu cần xuyên suốt trên toàn quốc (Supra) để giao hàng hóa cho người tiêu dùng mọi lúc, mọi nơi một cách kịp thời, tiết kiệm chi phí nhất. Trong đó, trí tuệ nhân tạo AI và công nghệ là nền tảng giúp vận hành mạng lưới thương mại thông minh hơn, tự động hơn với quy mô ngày càng lớn.
Với cách vận hành như vậy, tại kỳ đại hội đồng cổ đông lần này, Masan gây ngạc nhiên với hàng loạt chỉ tiêu ấn tượng mà đầu tiên là tăng trưởng mạng lưới. Theo đó, trong khi thị trường đóng cửa 1.000 cửa hàng thì mỗi ngày, hệ thống bán lẻ tập đoàn này mở 2 cửa hàng, nhờ đó thị phần và mạng lưới siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi tăng từ 40% của năm 2021 lên 50% của năm 2022.
Thứ hai, đối với thị phần chi tiêu, Masan cũng đồng thời phát triển mô hình bán lẻ hiện đại mang tính đột phá, cửa hàng WIN, để củng cố mạng lưới và mở rộng quy mô giỏ hàng từ 25% lên 68% với tạp hóa, F&B, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tài chính trong năm qua.
Thứ ba, về hội viên, nhà bán lẻ này triển khai chương trình hội viên WIN cho phép kết nối trực tiếp với thành viên và thu hút thêm khách hàng với chi phí thấp hơn bất cứ chương trình thu hút khách hàng nào đang có trên thị trường.
Lộ trình tăng trưởng của tập đoàn này trong giai đoạn 2023 – 2025 như sau: về mạng lưới, tiếp tục chiếm lĩnh thị phần bán lẻ hiện đại nhưng vẫn hợp tác với bán lẻ truyền thống để phục vụ 30 – 50 triệu hội viên WIN; tăng quy mô hội viên Offline và online lên mức 30 – 50 triệu, trong năm 2023 sẽ đạt 10 triệu hội viên; tăng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho 5 triệu người tiêu dùng chưa được phục vụ đầy đủ các dịch vụ tài chính trong 2 – 3 năm tới.
MỤC TIÊU DOANH THU 100 NGHÌN TỶ ĐỒNG TRONG NĂM 2023
Về kế hoạch năm 2023, Masan dự kiến doanh thu thuần hợp nhất đạt từ 90.000 tỷ đồng đến 100.000 tỷ đồng so với mức 76.189 tỷ đồng của năm 2022.
The CrownX (TCX) vẫn được kỳ vọng là động lực tăng trưởng doanh thu chính với tỷ trọng đóng góp hơn 70% vào doanh thu thuần năm 2023. Lợi nhuận sau thuế cốt lõi Pre-MI (không bao gồm chi phí một lần) dự kiến khoảng 4.000 tỷ đồng đến 5.000 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng từ 4% đến 30% so với mức 3.852 tỷ đồng vào năm 2022.
Kịch bản tiêu cực, trong đó các điều kiện vĩ mô khó khăn hơn dự kiến và tâm lý thắt chặt tiêu dùng vẫn tồn tại, ban điều hành dự kiến lợi nhuận các mảng hàng đầu sẽ tăng từ 10% đến 15%.
Kịch bản tiêu cực, trong đó các điều kiện vĩ mô khó khăn hơn dự kiến và tâm lý thắt chặt tiêu dùng vẫn tồn tại, ban điều hành dự kiến lợi nhuận các mảng hàng đầu sẽ tăng từ 10% đến 15%.
Theo đó, một là, đối với TCX, dự kiến đạt doanh thu thuần trong khoảng 65.000 đến 72.300 tỷ đồng, tăng 16% đến 29% so với năm 2022. Trong đó, WCM (đơn vị thuộc TCX) dự kiến đạt doanh thu thuần khoảng 36.000 tỷ đồng và 40.500 tỷ đồng vào năm 2023, tăng 23% đến 38% so với cùng kỳ.
Động lực chính của sự tăng trưởng này là việc tiếp tục mở cửa hàng mới thành công và tăng doanh thu cấp cửa hàng. Còn doanh thu thuần của MCH (cũng thuộc TCX) dự kiến đạt 30.500 tỷ đồng và 33.500 tỷ đồng vào năm 2023 nhờ tập trung vào nỗ lực R&D, tăng 15% đến 30% so với năm trước. Về hàng tiêu dùng có thương hiệu Masan, Masan Consumer đặt mục tiêu doanh thu 50 nghìn tỷ đồng với 20% tỷ suất lợi nhuận hoạt động vào năm 2025.
Hai là, khu vực PLH dự kiến doanh thu từ 2.500 tỷ đồng đến 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng vững chắc từ 58% đến 90% so với năm 2022 nhờ mở thành công 75 đến 90 cửa hàng flagship và duy trì hiệu suất doanh thu cửa hàng mới như các cửa hàng hiện có.
Ba là, với MML dự kiến đạt doanh thu thuần trong khoảng 8.500 tỷ đồng và 9.000 tỷ đồng, tăng 78% đến 88% so với cùng kỳ sau khi mở rộng danh mục sản phẩm thịt lợn và thịt gà, đặc biệt là thịt chế biến và tăng cường phân phối qua kênh WCM (giảm chênh lệch giá so với chợ truyền thống bằng cách trở thành hội viên WIN sẽ tạo ra thử nghiệm và chuyển đổi người tiêu dùng từ thương mại truyền thống sang thương mại hiện đại).
Bốn là, MHT đặt mục tiêu doanh thu thuần từ 16.500 tỷ đồng đến 18.200 tỷ đồng, tăng 6% đến 17% so với kỳ trước thông qua tập trung tối ưu hóa chi phí, tích hợp với Nyobolt và chuẩn bị liên tục cho phế liệu vonfram và tái chế khối đen. MHT sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội trong nước và quốc tế để bán hàng tồn kho bằng đồng.