“Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam là một sáng kiến, một chương trình của Thời báo Kinh tế Việt Nam, nay là Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, được khởi xướng từ năm 2008, thời điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, bắt nguồn từ Mỹ. Suốt 17 năm qua, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã bền bỉ với sự đồng hành của các chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp và lãnh đạo các ban, bộ, ngành, triển khai nhiều chuyên đề báo chí và tổ chức các Tọa đàm quý, giữa năm và thường niên.
Năm nay, với sự đồng hành nhiều năm của Ban Kinh tế Trung ương, hai bên nâng tầm hợp tác chiến lược trong các hoạt động truyền thông về các nghị quyết kinh tế quan trọng của Đảng do Ban Kinh tế Trung ương thực hiện, Ban Kinh tế Trung ương đồng hành nội dung chuyên môn, cùng với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức Tọa đàm Kinh tế mùa hè để cùng bàn thảo về các vấn đề kinh tế giữa năm, những nhận định dự liệu và khuyến nghị cho giai đoạn tới, tới kỳ tháng 1 đầu năm 2025 sẽ là Phiên toàn thể mùa Xuân – Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam.
Ban Kinh tế Trung ương lắng nghe đầy đủ và nhiều khía cạnh thông tin từ các quý chuyên gia và hiệp hội, doanh nghiệp. Ban Kinh tế trung ương tiếp nhận và tham khảo ý kiến của các quý vị để tổng hợp báo cáo kinh tế giữa năm trình các cơ quan trung ương.
Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy sẽ sản xuất các chuyên đề báo chí phục vụ thông tin cho độc giả, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài”.
Mức tăng trưởng của Việt Nam khoảng 5-6% tạo cảm giác tương đối thấp so với mong muốn và mục tiêu đề ra nhưng so với khu vực là tương đối cao. Cùng với Việt Nam, các nền kinh tế tăng trưởng chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu, như: Thái Lan, Singapore, Malaysia, đều tăng trưởng khá tốt.
Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có độ mở lớn, rất gắn bó với kinh tế khu vực và thế giới, thể hiện ở tổng kim ngạch thương mại hai chiều tương đương 170% GDP.
Quý 2/2024, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới có thêm động lực mới từ cơ hội giảm lạm phát, lãi suất và nới lỏng dần chính sách tiền tệ, cùng sự gia tăng trở lại nhu cầu tiêu dùng ở một số thị trường lớn trên thế giới. Trong tháng 6/2024, các tổ chức quốc tế như: Liên hợp quốc (UN), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đều nhận định lạc quan hơn và điều chỉnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu với mức tăng từ 0,1 đến 0,3 điểm phần trăm so với các dự báo đưa ra trước đó. Điều này tạo sức kéo cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2024.
Phác họa bức tranh kinh tế toàn cầu, theo ông Nguyễn Bá Hùng, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới từ năm 2023-2026 vẫn trong xu hướng giảm, tiếp tục khó khăn và chưa vượt qua đáy, song tốc độ giảm chậm hơn trước đây, do lo ngại hậu Covid-19, chiến sự Nga – Ukraine và các xung đột trên thế giới. Trong khi các nền kinh tế lớn, đặc biệt là khu vực Bắc Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản tăng trưởng thấp và chậm dần thì khu vực châu Á – Thái Bình Dương có triển vọng tăng trưởng cao nhất dù vẫn trong xu hướng giảm.
Về lạm phát, sau những năm 2021-2022 lạm phát leo thang khiến các nước phát triển thắt chặt chính sách tiền tệ, song trong xu hướng chung, lạm phát sẽ trở về ngưỡng bình thường. Nhờ đó, việc nới lỏng tiền tệ các nền kinh tế thu nhập cao chắc chắn sẽ diễn ra, nhưng chưa rõ thời điểm cụ thể.
Thương mại toàn cầu hiện có dấu hiệu tăng trưởng trở lại nhưng phục hồi còn yếu. Về xu hướng, theo Chuyên gia kinh tế trưởng ADB, hiện khoảng 1/3 thương mại thế giới phụ thuộc vào Trung Quốc, song chuỗi giá trị đang chuyển dịch theo diễn biến cạnh tranh địa chính trị (friendshoring) tăng lên; đồng thời, giảm độ phụ thuộc tương đối vào Trung Quốc (de-risking).
Về đầu tư toàn cầu, xu hướng chính là tổng mức đầu tư suy giảm, giảm đầu tư vào các nền kinh tế đang phát triển và chuyển dịch sang các nước phát triển. “Vốn FDI vào Trung Quốc sụt giảm khoảng 150 tỷ USD/năm, luồng vốn này chạy đi đâu?”, ông Hùng đặt câu hỏi. Hiện, dòng vốn FDI đang chảy vào các nước xung quanh, trong đó Việt Nam vẫn là “điểm sáng” khi thu hút FDI tốt trong bức tranh suy giảm tổng thể. Cùng với đó, Thái Lan và Philippines đón dòng vốn rất tốt khi vốn FDI của Thái Lan tăng gấp đôi trong quý 1/2024; Philippines ghi nhận mức cao nhất trong 2 năm vào tháng 2/2024 với 1,4 tỷ USD.
“Các cơ quan nhà nước trong điều hành phải lắng nghe, nhìn vào những “nút thắt” để bàn cách gỡ. Ngoài nguồn lực về tài chính, chúng ta có tiền để đầu tư, tôi cho rằng có mấy vấn đề quan trọng.
Thứ nhất, phải tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về cơ chế chính sách. Đây là điều chúng ta tạo ra và có thể gỡ được.
Thứ hai, tạo thuận lợi trong khai thác, phát huy các nguồn lực, đặc biệt từ nguồn lực đất đai, tạo cơ chế cho địa phương. Hiện, vùng Đông Nam Bộ thí điểm hình thành Quỹ phát triển hạ tầng, nhưng chúng tôi rất sốt ruột vì triển khai chậm, nghị quyết trung ương ghi rõ nghiên cứu hình thành quỹ phát triển hạ tầng không chỉ cho vùng mà cho địa phương, phải suy nghĩ ngay vấn đề này.
Thứ ba, về phát triển khoa học và công nghệ, chúng ta đặt ra là đột phá, đổi mới sáng tạo. Trong chủ trương nêu rõ phải triển khai thí điểm các cơ chế đặc thù về khoa học và công nghệ, các mô hình tại các viện, trường đại học, địa phương nhưng hiện mới ký kết thí điểm giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với TP. Hồ Chí Minh. Tại sao thí điểm khó, cơ chế tài chính thúc đẩy thế nào? Suốt gần 3 năm qua đều phản ánh vướng mắc về quỹ khoa học và công nghệ, rất nhiều doanh nghiệp, quỹ khoa học và công nghệ không trích 30% theo yêu cầu, hoặc trích xong không tiêu được.
Thứ tư, chúng tôi trăn trở về khai thác tối đa các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), nâng cấp các quan hệ chiến lược. Phải chăng cần phải có một chỉ đạo rốt ráo trong vấn đề này và phải đôn đốc mới đi vào thực tiễn. Qua phân tích, chất lượng FDI và chất lượng xuất khẩu từ khi nâng cấp các quan hệ so với trước cũng chưa có gì thực sự nâng cao, do đó, phải thể chế hóa và bắt tay vào thực hiện”.
Trong bối cảnh kinh tế trong nước cũng như kinh tế thế giới dù phục hồi nhưng còn phải đương đầu với nhiều khó khăn, theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, kinh tế Việt Nam có những điểm sáng thể hiện qua tốc độ tăng trưởng GDP quý 1 và quý 2/2024 có xu hướng tăng lên, từ 5,87% lên 6,93%, tính chung 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6,42%. Các chỉ tiêu liên quan cũng cơ bản đạt được, như: vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, đầu tư công, đầu tư tư nhân đều gia tăng, khu vực FDI tăng 10,3%. Tiêu dùng trong nước ổn định, với tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng khoảng 8,6%.
Cùng chung quan điểm, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Trước hết, một trong những sự kiện về hội nhập quốc tế tác động tới kinh tế thế giới, khu vực cũng như Việt Nam nửa đầu năm 2024, đó là Vương quốc Anh gia nhập hiệp định CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương).
Bên cạnh đó, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được nâng cấp trong nội khối ASEAN đem lại tác động hết sức tích cực cho kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2024. Trong hoạt động xuất nhập khẩu, Việt Nam tiếp tục thặng dư 11,85 tỷ USD và nhiều con số cải thiện.
Ở trong nước, nhấn mạnh về những hành động mang tính kịp thời tạo ra những hiệu ứng tích cực trong cải thiện môi trường kinh doanh, Viện trưởng CIEM nêu rõ: Chính phủ hiện rất quyết liệt ban hành những giải pháp đẩy mạnh cải cách, thể chế để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 603/QĐ-TTg ngày 8/7/2024 thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Đầu năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, để truyền đi thông điệp cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ ưu tiên, các bộ, ngành, địa phương cũng bám vào nghị quyết để đưa ra các giải pháp cụ thể.
Một số luật quan trọng cũng được áp dụng sớm (Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Các tổ chức tín dụng 2024) cũng cho thấy quyết tâm của Chính phủ tiếp tục cải cách thể chế, đưa thể chế trở thành một nguồn lực tạo ra nền tảng hỗ trợ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và thuận lợi hơn cho hoạt động điều hành của Chính phủ.
Một trong những điểm sáng tiếp theo đó là các cấu phần của tổng cầu đều phục hồi tương đối tích cực, diễn biến lạm phát trong khả năng kiểm soát (CPI bình quân tăng 4,08%). Về thu hút FDI, bà Minh cho rằng trong bối cảnh các nước trên thế giới thu hút FDI có sự sụt giảm, Việt Nam vẫn đạt được những con số tích cực đem lại nhiều ý nghĩa.
“Cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá khá tích cực về môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam. Theo thông tin của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố tháng 5/2024 cho thấy Việt Nam vẫn đứng thứ 2 trong danh sách địa điểm đầu tư các doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng hoạt động”, Viện trưởng CIEM dẫn chứng.
Dù kinh tế 6 tháng có một số kết quả rất tích cực, song lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cho rằng tăng trưởng mặc dù tích cực nhưng cũng chưa đồng đều trong quý 2/2024 và thiếu bền vững, còn một số vấn đề cần phải phân tích, làm rõ và tìm ra nguyên nhân.
Chỉ rõ những “điềm mờ” trong bức tranh kinh tế nửa đầu năm 2024, ông Nguyễn Đức Hiển cho rằng so với năm trước khi xảy ra đại dịch, 2/3 ngành kinh tế chủ lực có mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm thấp hơn, nhất là khu vực động lực từ công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngành công nghiệp xây dựng có điểm sáng là Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trên 50, đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng GDP.
Tuy nhiên, nếu phân tích về dữ liệu về tiêu thụ điện hiện ở mức 50,88%, thấp hơn bình quân của cả năm 2023 (51,25%), điều này phần nào phản ánh tăng trưởng có cải thiện hay chưa. Ngành nông nghiệp, được ví như “trụ đỡ” của nền kinh tế, song tăng chậm (khoảng 3,38%). Cùng với đó, các “đầu tàu” tăng trưởng kinh tế của cả nước, một số thành phố trung ương đạt mức chưa cao, thậm chí khiêm tốn, thiếu bền vững.
Hoạt động doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tốc độ tăng trưởng số doanh nghiệp gia nhập thị trường (8,7%) chậm hơn hẳn tốc độ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (18,5%). Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 4,45%, trong khi cùng kỳ cũng là năm khó khăn đạt 3,83%, như vậy tín dụng tăng nhưng vẫn nằm trong vùng đáy khoảng 10 năm gần đây. “Việc hấp thụ vốn phản ánh sức sống, khả năng mở rộng sản xuất của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế”, ông Hiển nhận định.
Cầu tiêu dùng nội địa tăng trưởng nhưng vẫn còn yếu và thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Xuất khẩu có cải thiện nhưng vẫn chậm. “Đặc biệt, về xuất khẩu và đầu tư, chúng ta có các cam kết nâng cấp quan hệ với một số đối tác chiến lược nhưng qua phân tích, cơ cấu ở các khu vực thị trường này thấy rõ sự phát triển chưa tương xứng. Vậy vấn đề ở đâu?”, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương đặt vấn đề.
Ngoài ra, bức tranh thị trường lao động có nhiều tươi sáng, song tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm đều tăng. Về vốn đầu tư công, việc sử dụng nguồn tăng thu ngân sách năm 2023 cho năm 2024 chủ yếu đầu tư cho hạ tầng giao thông, còn tỷ trọng đầu tư cho lĩnh vực y tế, giáo dục, chuyển đổi số, hạ tầng số thấp hơn, cũng là điều cần quan tâm. Một số vấn đề lớn trong điều hành chính sách như: cải cải cách hành chính, chồng lấn quy hoạch, vướng mắc về quỹ khoa học và công nghệ, rào cản từ Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước, hay vấn đề khi phát triển không gian mới về kinh tế số, kinh tế tuần hoàn… cũng cần phân tích rõ.
Viện trưởng CIEM cũng chỉ rõ nhiều vấn đề nội tại Việt Nam cần giải quyết. Bà Trần Thị Hồng Minh cho rằng thời gian tới cần phải có những giải pháp để việc tăng lương sẽ tạo ra niềm vui thực sự cho người lao động, thay vì phải đối mặt với làn sóng tăng giá.
“Tác động từ tăng lương cơ sở và tăng lương tối thiểu vùng có thể gây ra lạm phát chi phí đẩy nếu không có các giải pháp đồng bộ. Hiện, người dân chắc cảm nhận rất rõ, đặc biệt trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, như nơi tôi ở, từ tháng 7/2024, giá gửi xe tăng lên khoảng gần 30%. Tương tự các mặt hàng khác, tôi cho rằng cũng sẽ theo xu hướng tăng giá như vậy”, bà Minh bày tỏ.
Thời gian tới, cần đẩy mạnh cải cách thể chế và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhanh hơn nữa. Ngoài ra, một câu chuyện cố hữu diễn ra nhiều năm và trong năm 2024 chưa xử lý được dù Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương rất nỗ lực, đó là kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Nếu kéo dài tình trạng, sự mất cân đối này thì kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài sẽ ngày càng rời rạc hơn. “Tôi cho rằng thời gian tới phải quan tâm hơn để doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI hỗ trợ lẫn nhau, cùng song hành và đạt mối quan hệ win-win (cùng thắng)”, Viện trưởng CIEM mong đợi.
Cũng theo lãnh đạo CIEM, kinh tế thế giới sẽ còn rất nhiều khó khăn, bất định liên quan đến bất ổn địa chính trị, kinh tế trên thế giới, chắc chắn sẽ tác động tiềm tàng tới nền kinh tế của Việt Nam trong nửa cuối năm cũng như những năm tiếp theo. Khi xung đột trên Biển Đỏ leo thang, các chi phí liên quan, đặc biệt là chi phí logistics tăng lên rất nhiều, khi các doanh nghiệp vận tải biển phải thay đổi luồng di chuyển hàng hóa để tránh những xung đột.
Bên cạnh đó, rủi ro lạm phát vẫn còn hiện hữu. Việc gia tăng chiến tranh thương mại chắc chắn có thể sẽ làm tăng lạm phát ở Mỹ và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giữ lãi suất điều hành ở mức cao.
Đưa ra lời khuyên với doanh nghiệp, bà Trần Thị Hồng Minh cho rằng doanh nghiệp hiện phải đối mặt với những khó khăn trong và ngoài nước, do đó, cần có chiến lược kinh doanh phù hợp như chiến lược chuyển đổi số, chuyển đổi cách vận hành để lường đón thách thức, hay hướng tới sản xuất xanh để tham gia vào thị trường thế giới.
VnEconomy 15/07/2024 13:00
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 29-2024, phát hành ngày 15/07/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/tao-suc-keo-cho-tang-truong-kinh-te-cuoi-nam.htm