Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi và sẽ được Quốc hội thảo luận vào Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua vào Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025), hiện có nhiều điểm mới đáng chú ý và có ảnh hưởng lớn tới ngành đồ uống nói chung và đồ uống có cồn nói riêng.
Tại dự thảo lần này, cơ quan soạn thảo đề xuất lộ trình tăng thuế suất đến năm 2030 với đồ uống có cồn. Đề xuất này nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong ngành đồ uống.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế suất từ năm 2026 dự kiến khi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) có hiệu lực thi hành. Về bước nhảy thuế suất, dẫn khuyến nghị tăng thuế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với mục tiêu tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10%, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án về thuế suất theo tỷ lệ phần trăm tăng theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030.
Phương án 1: Năm 2026, khi tăng thuế suất cao hơn 5% quy định hiện hành thì giá bán các sản phẩm sẽ tăng 10% so với năm 2025.
Phương án 2: Năm 2026, khi tăng thuế suất cao hơn 15% quy định hiện hành thì giá bán các sản phẩm sẽ tăng 20% so với năm 2025. Bộ Tài chính nghiêng về phương án này.
Sau đó trong vòng 4 năm tiếp theo, trong cả hai phương án nêu trên, Bộ Tài chính đề xuất tăng 5%/năm liên tiếp khiến giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo.
Đến năm 2030, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với bia và rượu trên 20 độ tăng lên mức 90-100% (cao hơn hiện hành 25-35%); rượu dưới 20 độ lên mức 60-70% (cao hơn hiện hành 25-35%).
Ngay sau khi Bộ Tài chính đề xuất trình Chính phủ các phương án này, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) và các đơn vị trong ngành bia, rượu bày tỏ nhiều ý kiến lo lắng. Cùng đó, VBA và các doanh nghiệp cũng chia sẻ những thách thức, khó khăn của ngành đang phải đối mặt từ bắt đầu đại dịch Covid-19 đến nay và đề xuất Bộ Tài chính cũng như các cơ quan hữu quan tiếp tục cân nhắc, xem xét thấu đáo các vấn đề, yếu tố tác động tới các chủ thể có liên quan trước khi ban hành chính sách.
Về cơ bản, VBA và các đơn vị sản xuất bia, rượu đồng thuận quan điểm tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hai mặt hàng này so với mức thuế hiện hành. Tuy nhiên, các đơn vị quan tâm đến mức tăng và lộ trình tăng thuế cần được các cơ quan chức năng cân nhắc ở mức độ và khoảng cách phù hợp hơn so với phương án tăng thuế mà Bộ Tài chính đang đề xuất.
Tại tọa đàm, chuyên gia tập trung bàn thảo các nhóm vấn đề chính.
Một là, phân tích, đánh giá phương án đề xuất của Bộ Tài chính trình Chính phủ về lộ trình tăng thuế suất với mặt hàng rượu, bia. Trong đó, khẳng định việc tăng thuế suất là cần thiết và làm rõ các mục tiêu, luận điểm, luận cứ và lộ trình tăng thuế suất đối với sản phẩm rượu, bia.
Phân tích tính hợp lý của lộ trình tăng (khoảng cách tăng và mức độ tăng) dựa trên các cơ sở có tính khoa học và thực tiễn gắn với chiến lược cải cách thuế, chiến lược phát triển ngành hàng cũng như các kinh nghiệm quốc tế về phương pháp tính thuế chia theo độ cồn sản phẩm bia và rượu.
Hai là, phân tích các mục tiêu, lợi ích bền vững cần đạt được của việc tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu bia.
Mục tiêu điều chỉnh sản xuất và hành vi tiêu dùng sẽ đạt được ra sao dựa trên phân tích các khía cạnh chuyên môn, từ hệ quy chiếu của việc tăng thuế dẫn đến tăng giá và hạn chế sản xuất và hành vi tiêu dùng.
Với mục tiêu đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và an toàn xã hội, liệu hành vi tiêu dùng có giảm như kỳ vọng, hay chuyển hướng hành vi đa dạng khác khó kiểm soát và đảm bảo tính an toàn hơn với sức khỏe con người, chẳng hạn như: chuyển hành vi tiêu dùng sản phẩm cấp thấp hơn, chất lượng không cao, kéo theo xu hướng sản xuất và thúc đẩy tiêu thụ hàng thấp cấp… Điều này sẽ đặt ra nhiều vấn đề nảy sinh đối với công tác quản lý chuỗi giá trị ngành hàng, quản lý thị trường…
Về mục tiêu đảm bảo nguồn thu ngân sách, việc tăng nguồn thu thuế suất liệu có đảm bảo ổn định các nguồn thu khác như: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp…
Ba là, đề xuất giải pháp nhằm đảm bảo lợi ích bền vững của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đối với đồ uống có cồn dựa trên tính cân bằng của tam giác lợi ích: i) Nhà nước – xã hội; ii) nhà sản xuất – chuỗi giá trị ngành hàng; iii) người tiêu dùng.
Bốn là, đề xuất xem xét, nghiên cứu tách biểu thuế theo nồng độ cồn của bia tương ứng như áp dụng với rượu dựa trên cơ sở thông tin từ Luật Phòng chống tác hại rượu bia và các mục tiêu tiêu ưu tiên hiện nay về việc giảm sản xuất và giảm tiêu thụ các sản phẩm có độ cồn cao ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Toạ đàm có sự tham dự của các chuyên gia:
– GS.TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam;
– PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, Giảng viên Học viện Tài chính;
– Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch PwC Việt Nam;
– Bà Đặng Thúy Hà, Chuyên gia nghiên cứu hành vi tiêu dùng, Giám đốc khu vực miền Bắc, Neilsen Việt Nam.
– Điều hành tọa đàm: TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách (VEPR).
Trân trọng kính mời quý độc giả theo dõi toạ đàm: “Đảm bảo lợi ích bền vững khi sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn”.
Toạ đàm sẽ được livestream trên nền tảng VnEconomy.vn, FanPage VnEconomy vào lúc 14h00 ngày 31/07/2024.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/sap-dien-ra-toa-dam-dam-bao-loi-ich-ben-vung-khi-sua-doi.htm