Sáng 29/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội (Nghị quyết số 43/2022/QH15) và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia.
NHIỀU CHÍNH SÁCH KHÔNG ĐẠT MỤC TIÊU
Kết quả biểu quyết cho thấy có 467/469 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 96,09%). Như vậy, với đại đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thực hiện Nghị quyết số 43 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia.
Nghị quyết được Quốc hội thông qua gồm 3 điều, trong đó quyết nghị: Quốc hội cơ bản tán thành nội dung Báo cáo số 616/BC-ĐGS ngày 13/5/2024 của Đoàn giám sát về kết quả giám sát thực hiện Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 với những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân chủ yếu.
Bên cạnh những kết quả tích cực, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 43 còn nhiều tồn tại, hạn chế. Nghị quyết nêu rõ công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án chậm, chưa bảo đảm tính sẵn sàng để thực hiện, giải ngân vốn; danh mục dự án trình Quốc hội không sát thực tế, phải điều chỉnh nhiều so với dự kiến khi trình Quốc hội ban hành nghị quyết.
“Một số chính sách thực hiện không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra như: chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại chỉ đạt khoảng 3,05% kế hoạch; chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đạt 56% kế hoạch, phải điều chuyển để thực hiện chính sách khác”.
Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn nhiều dự án đầu tư không bảo đảm thời hạn quy định trong 02 năm 2022 và 2023, đặc biệt, các dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin tiến độ rất chậm.
Cùng với đó, chính sách sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam chưa thực hiện giải ngân được như dự kiến; Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch đã được tăng vốn điều lệ nhưng chưa được sử dụng hiệu quả.
“Tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ dẫn đến giải quyết công việc chậm, chưa hiệu quả”, nghị quyết chỉ rõ nguyên nhân.
Nghị quyết của Quốc hội cũng nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả trong thực hiện Nghị quyết số 43 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương quán triệt các bài học kinh nghiệm, khẩn trương triển khai những kiến nghị được nêu trong Báo cáo số 616/BC-ĐGS ngày 13/5/2024 của Đoàn giám sát.
NHIỀU CHÍNH SÁCH HỮU HIỆU, CÂN NHẮC KÉO DÀI
Trước khi tiến hành biểu quyết, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo tóm tắt tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo số 899/BC-UBTVQH15 tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội, thể hiện các nội dung đánh giá khái quát về kết quả đạt được, chỉ ra tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm và đề xuất các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết số 43.
Từ đó, rút kinh nghiệm trong công tác đánh giá thực tiễn, phân tích, dự báo tác động của các giải pháp; trong đề xuất ban hành chính sách và triển khai tổ chức thực hiện chính sách.
Một số đại biểu đề nghị xem xét việc tiếp tục giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng 2% vì tình hình sản xuất của doanh nghiệp, người dân nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, khả năng phục hồi và phát triển chưa thực sự bền vững.
Về vấn đề này, ông Lê Quang Mạnh cho biết qua kết quả giám sát cho thấy, chính sách giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng 2% trong năm 2022 đã phát huy hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực; nhiều địa phương, doanh nghiệp đánh giá cao hiệu quả của chính sách.
Từ kết quả thực tiễn, Chính phủ trình và Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện chính sách trong 6 tháng cuối năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024. Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã có tờ trình kiến nghị Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ và nội dung này được Quốc hội xem xét và thể hiện tại Nghị quyết của Quốc hội về Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.
Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét cho phép tiếp tục thực hiện chính sách cho vay vốn hỗ trợ lãi suất, chính sách cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì mở rộng việc làm và chương trình cho vay để mua nhà, thuê mua nhà theo chính sách về nhà ở xã hội để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau đại dịch, ổn định đời sống và phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Qua kết quả giám sát cho thấy, chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội đã phát huy hiệu quả cao và cần nghiên cứu, cân đối nguồn lực để triển khai thực hiện.
Theo quy định hiện hành, các chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho vay nhà ở xã hội và cho vay phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang được tiếp tục triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, một số chính sách tín dụng ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định của Nghị quyết số 43 đã hết thời gian thực hiện và kết thúc từ 31/12/2023.
“Việc tiếp tục triển khai cần được đánh giá và có giải pháp tổng thể, hài hòa, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và khả năng đáp ứng của nguồn lực”, ông Mạnh nêu rõ.
Ngoài ra, một số ý kiến đại biểu đề nghị mở rộng việc áp dụng chính sách đặc thù để đẩy mạnh giải ngân, thúc đẩy tăng trưởng. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các chính sách đặc thù áp dụng cho các dự án quan trọng quốc gia đến nay vẫn đang trong quá trình áp dụng. Thời gian tới, trên cơ sở tổng kết đánh giá kỹ lưỡng sau quá trình triển khai thực hiện, đề nghị Chính phủ nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền việc mở rộng áp dụng đối với các chính sách đặc thù này.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết nghị quyết đã giao Chính phủ tổng kết đánh giá việc thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho các dự án, trên cơ sở đó đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đối với các nội dung đã thực hiện có hiệu quả.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/quoc-hoi-thong-qua-nghi-quyet-giam-sat-chuyen-de-viec-thuc-hien-chuong-trinh-phuc-hoi.htm