Đại biểu Trần Thị Thanh Hương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, cho biết cử tri và đông đảo người dân trên cả nước phấn khởi và kỳ vọng vào gói tín dụng cho 1 triệu căn nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030 nhưng đến nay tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp, chỉ khoảng 100 tỉ đồng.
Đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết khó khăn, vướng mắc và giải pháp để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Trả lời chất vấn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội là gói tín dụng sử dụng nguồn tiền từ các tổ chức tín dụng, lãi suất ưu đãi cũng từ các ngân hàng.
Ngay khi chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội được Thủ tướng phê duyệt, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện; đồng thời có văn bản gửi UBND các tỉnh/thành phố quan tâm công bố các dự án theo diện cho vay theo gói tín dụng này. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng ban hành quy trình nội bộ để triển khai.
“Qua tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, có thể thấy trong điều kiện hiện nay, chưa thể bỏ việc điều hành tăng trưởng tín dụng, vì nhu cầu vốn của nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào tín dụng”.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng.
Thời gian qua, đã có 18/63 UBND cấp tỉnh công bố dự án tham gia chương trình với 53 dự án. Đến nay đã có 105 tỉ đồng cho 3 dự án ở 3 tỉnh/thành được giải ngân.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết giải ngân còn hạn chế là do nguồn cung nhà thuộc đối tượng hạn chế. Nhu cầu nhà ở lớn nhưng nhu cầu đi vay để mua nhà lại là vấn đề người dân cân nhắc kỹ lưỡng. Điều kiện cho vay còn những điểm chưa phù hợp. Mặt khác, chương trình thực hiện thời gian dài 10 năm nên việc giải ngân theo thời gian.
Ngân hàng Nhà nước kiến nghị UBND các tỉnh thành phố sớm công bố danh mục các dự án thuộc diện cho vay. Đồng thời Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân nắm rõ.
Phản hồi giải trình của Thống đốc, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng phần trả lời của Thống đốc đã trả lời đúng nhưng chưa đủ.
“Đây là chủ trương rất đúng đắn và nhân văn của Chính phủ, để triển khai thực hiện hiệu quả, đại biểu cho rằng cần có sự vào cuộc không chỉ riêng của ngân hàng mà còn sự vào cuộc của Bộ Xây dựng, địa phương, tổ chức công đoàn, đặc biệt là người lao động. Bên cạnh đó, phải nắm được nhu cầu, yêu cầu về số lượng, diện tích, địa điểm, chất lượng, mức giá… Từ đó lên kế hoạch triển khai, xây dựng, cung cấp trên cơ sở nhu cầu, yêu cầu của người lao động thì mới thực hiện thành công được”, đại điểu Trí nhấn mạnh và mong muốn Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo nhằm đạt được sự đồng thuận, thống nhất, qua đó đảm bảo đề án được thực hiện hiệu quả.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tiếp thu ý kiến bổ sung của đại biểu Nguyễn Anh Trí và cho biết thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng quan tâm triển khai giải ngân gói 120 nghìn tỉ đồng và có mở rộng tham gia đối với các ngân hàng thương mại cổ phần khác để gia tăng quy mô nguồn vốn cho chương trình này.
Về vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thời gian qua Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhiều giải pháp như rà soát hành lang pháp lý, tạo thuận lợi cho việc thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay, nhiều hoạt động được thực hiện qua các kênh số, ứng dụng công nghệ, bảo đảm an toàn hoạt động thanh toán.
Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt trong 9 tháng qua tăng trưởng cao như tỉ lệ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 49% về số lượng, giao dịch qua internet tăng 60,3%, qua kênh điện thoại di động tăng 60,8%, qua QR code tăng 105%…; Giao dịch qua ATM giảm, cho thấy xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt tăng. Tháng 9/2023, tỷ lệ thanh toán tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán giảm xuống mức 9,17% so với 11,73% của năm 2020 cho thấy điều hành của cơ quan quản lý đã bắt kịp xu hướng thanh toán hiện đại.
Về khó khăn trong thanh toán không dùng tiền mặt, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết một bộ phận lớn người dân vẫn duy trì thói quen cũ, e ngại tiếp cận công nghệ, sợ rủi ro thanh toán trực tuyến trong bối cảnh tội phạm công nghệ gia tăng. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát các văn bản và phối hợp các cơ quan để hoàn thiện hành lang pháp lý và có các biện pháp phòng ngừa để bảo mật thông tin, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách hàng, tăng cường truyền thông để nhận được đồng thuận cao của xã hội.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về tăng trưởng tín dụng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thấp là do cầu về tín dụng thấp. Số đơn hàng doanh nghiệp giảm sút, người dân và các hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Về nguồn cung tín dụng, Ngân hàng nhà nước đã điều hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức tín dụng cung tín dụng. Ngân hàng nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp, chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát các thủ tục cho vay vốn để có thể rút ngắn thời gian, hỗ trợ tốt hơn cho người dân, đồng thời đưa ra một số kiến nghị với các bộ, các ngành liên quan để thực hiện các giải pháp cải thiện điều kiện tín dụng, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về điều hành tăng trưởng tín dụng tiến tới xóa bỏ “room tín dụng”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết đây là một trong các giải pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước, kết hợp với các công cụ chính sách khác. Trên thực tế, Ngân hàng nhà nước điều hành bám sát theo Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ. Qua tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, có thể thấy trong điều kiện hiện nay, chưa thể bỏ việc điều hành tăng trưởng tín dụng, vì nhu cầu vốn của nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào tín dụng.