Thông tin tại Hội nghị giao ban công nghệ thông tin ngành tài chính năm 2023 do Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) vừa tổ chức, Phó Cục trưởng Nguyễn Việt Hà, cho biết trong thời gian qua, việc triển khai, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin có trọng tâm, trọng điểm vào hoạt động nghiệp vụ và trong cải cách thủ tục hành chính của các đơn vị thuộc bộ đã góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và từng bước hình thành nền tài chính điện tử, hướng tới tài chính số.
NHIỀU NĂM DẪN ĐẦU VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ
Theo kết quả xếp hạng, năm 2021, Bộ Tài chính tiếp tục xếp vị trí thứ nhất về mức độ chuyển đổi số khối các bộ, ngành cung cấp dịch vụ công… Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp Bộ Tài chính dẫn đầu về chuyển đổi số. Bộ Tài chính cũng duy trì vị trí đứng đầu về Bộ chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh, cấp quốc gia (DTI) của các bộ cung cấp dịch vụ công, với giá trị 0,6321 tăng so với năm 2020 (0,4944).
Tính đến cuối tháng 3, Bộ Tài chính triển khai 792 dịch vụ công trực tuyến, trong đó, 433 dịch vụ công trực tuyến một phần và 359 dịch vụ công trực tuyến toàn trình; đồng thời, đưa 296/405 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Trong đó, ngành thuế triển khai cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử cho 100% doanh nghiệp, tổ chức (851.372 đơn vị) và 100% hộ, cá nhân kinh doanh (65.567 hộ, cá nhân kinh doanh) tại 63 tỉnh, thành phố cả nước.
Ngành hải quan cũng triển khai hiệu quả các hệ thống ứng dụng phục vụ đắc lực cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu. Tính từ đầu năm đến ngày 15/3, các hệ thống dịch vụ công trực tuyến của ngành hải quan đã tiếp nhận và xử 2,83 triệu hồ sơ.
Kho bạc Nhà nước tiếp tục cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt 100% số đơn vị (trừ khối an ninh quốc phòng), 99,5% chứng từ chi ngân sách nhà nước bằng kênh điện tử; cung cấp thông tin tình trạng xử lý hồ sơ dịch vụ công trực tuyến và biến động số dư tài khoản qua thiết bị mobile.
Đồng thời, Kho bạc Nhà nước thực hiện liên thông giữa hệ thống kế toán hành chính sự nghiệp sử dụng tại các đơn vị sử dụng ngân sách với hệ thống dịch vụ công trực tuyến của kho bạc; hoàn thành triển khai thí điểm cổng trao đổi dữ liệu với nhà cung cấp điện, nước, viễn thông nhằm cải cách thủ tục hành chính, tiến tới chủ động thanh toán chi phí dịch vụ cho các đơn vị sử dụng ngân sách và triển khai diện rộng bắt đầu từ 15/4…
Bên cạnh đó, các đơn vị trong ngành tài chính thực hiện tốt các hoạt động nhằm duy trì, đảm bảo an toàn thông tin mạng, không để xảy ra sự cố mất an toàn thông tin. Các đơn vị cơ bản cũng đảm bảo triển khai đủ 4 lớp an toàn thông tin theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Cùng với đó, ngành tài chính tích cực triển khai các nhiệm vụ chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả tích cực, mang lại hiệu quả cho toàn xã hội góp phần rút ngắn thời gian làm thủ tục thuế, hải quan, kho bạc, giảm thiểu giấy tờ, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân.
BỔ SUNG NHÂN LỰC, QUAN TÂM VỀ AN TOÀN HỆ THỐNG
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi ghi nhận các kết quả đã đạt được trong năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023 của công tác công nghệ thông tin và thống kê ngành tài chính.
Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị tập trung thực hiện các nội dung để triển khai tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị năm 2023 của ngành tài chính.
Cùng với đó, tập trung nguồn lực tổ chức triển khai và đảm bảo tiến độ giải ngân đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công; tổ chức triển khai danh mục dự toán, các dự án lớn, nhiệm vụ trọng tâm toàn ngành, đảm bảo yêu cầu về chất lượng và phấn đấu đến hết quý 2/2023 hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu các gói thầu, ký hợp đồng để giải ngân tối thiếu 95% dự toán được giao.
“Cần ưu tiên các nhiệm vụ cần tập trung triển khai, nắm bắt kịp thời các thay đổi và điều chỉnh nghiệp vụ để ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Tin học và Thống kê tài chính và các đơn vị hệ thống thuộc Bộ Tài chính cần tăng cường phối hợp Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, các tổ chức an toàn thông tin, các chuyên gia trong và ngoài nước theo dõi, nắm bắt các sự kiện, sự cố, cảnh báo về an toàn thông tin trên thế giới và tại Việt Nam.
Từ đó, có đề xuất, phản ứng kịp thời đảm bảo an ninh, an toàn các hệ thống thông tin dữ liệu của ngành tài chính; thường xuyên rà soát, cập nhật, phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin và triển khai phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.
Toàn ngành cũng cần củng cố, bổ sung nguồn nhân lực công nghệ thông tin đảm bảo về mặt số lượng, nâng cao về chất lượng…