Theo dữ liệu từ FactSet, tính đến tuần trước, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đã tăng 8 tuần liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất kể từ cuối năm 2014 đầu năm 2015. Nếu tính từ giữa tháng 7 tới nay, chỉ số đã tăng 5%.
Trước đợt tăng này, đồng bạc xanh đã có một khoảng thời gian mấy tháng biến động mạnh, do sức ép từ mối lo rằng USD có thể mất dần địa vị đồng tiền dự trữ của thế giới, cộng thêm kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ.
Đồn đoán về sự phi đôla hoá trong thương mại toàn cầu một lần nữa nổi lên vào tháng trước sau khi nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS kết nạp thêm một loạt thành viên trong đó có một số nước sản xuất dầu lớn như Saudi Arabia. Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh lần này của BRICS không đạt được nhất trí nào về một đồng tiền chung nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD như ý tưởng mà một số thành viên đề xuất lúc đầu.
“Những đồn đoán về sự mất địa vị của đồng USD vẫn chỉ là một sự thổi phồng”, Giám đốc James Athey của công ty quản lý tài sản Abrdn nhận định với hãng tin CNN.
NỀN KINH TẾ MỸ TIẾP TỤC GÂY NGẠC NHIÊN
Trong khi đó, sức mạnh của đồng USD vẫn đang được nâng đỡ bởi sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ trong tương quanh so sánh với các nền kinh tế lớn khác như Trung Quốc, Nhật Bản hay châu Âu. Việc kinh tế Mỹ trụ vững sau 11 lần nâng lãi suất của Fed đặt ra khả năng Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn, từ đó tạo thêm lực hỗ trợ cho đồng USD, vì lãi suất cao hơn ở Mỹ so với ở các nền kinh tế khác sẽ hút các dòng vốn chảy vào Mỹ.
“Nền kinh tế Mỹ tiếp tục cho thấy sức mạnh đáng kể. Trong khi đó, các vấn đề ở Trung Quốc và nhất là ở châu Âu đặt ra rủi ro suy thoái ngày càng lớn”, ông Athey nói thêm.
Tình hình thị trường việc làm ở Mỹ là chỉ báo rõ rệt nhất về sự vững vàng của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tỷ lệ thất nghiệp ở nước này dù có tăng gần đây nhưng vẫn gần mức thấp nhất 50 năm. Hoạt động tuyển dụng diễn ra mạnh mẽ, với tăng trưởng việc làm diễn ra 32 tháng liên tiếp tính đến tháng 8 vừa qua. Tiền lương sau khi khấu trừ lạm phát tiếp tục đi lên.
Một vài dữ liệu gần đây về kinh tế có cho thấy sự suy yếu của lĩnh vực tiêu dùng và sản xuất, nhưng tổng thể vẫn là một bức tranh kinh tế khả quan. Nhiều nhà kinh tế học đã điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm nay. Kịch bản một cuộc “hạ cánh mềm” cho kinh tế Mỹ – với Fed giảm được lạm phát mà không khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái – đang có khả năng cao trở thành hiện thực.
“Nền kinh tế Mỹ tiếp tục gây ngạc nhiên theo chiều hướng tích cực. Dường như nền kinh tế vững vàng hơn so với những gì mà người ta đã lo sợ”, trưởng nghiên cứu kinh tế vĩ mô toàn cầu Carsten Brzeski của ngân hàng ING nhận định với CNN.
Với một nền kinh tế như vậy, người tiêu dùng Mỹ sẽ có niềm tin để duy trì mức chi tiêu, và như thế Fed sẽ càng có lý do để duy trì lãi suất ở mức cao cho tới khi lạm phát giảm về mục tiêu 2% một cách bền vững. Lãi suất quỹ liên bang, lãi suất điều hành của Fed, hiện đang ở mức 5,25-5,5%, cao nhất trong 22 năm.
Theo ông Brzeski, Fed “có ít lý do để mạnh tay cắt giảm lãi suất trong năm tới”, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) “có rất ít dư địa để tiếp tục tăng lãi suất” xét tới môi trường kinh tế khó khăn hơn ở khu vực eurozone.
Giám đốc đầu tư Russ Mould của công ty AJ Bell nhận định chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và châu Âu, “cộng với khả năng chênh lệch đó sẽ duy trì chứ không rút ngắn”, là một “nhân tố lớn trong xu hướng tăng giá của USD”.
THỰC TRẠNG KINH TẾ CHÂU ÂU, TRUNG QUỐC VÀ NHẬT BẢN
Sự yếu kém của kinh tế châu Âu và Trung Quốc so với Mỹ đang đặt đồng euro và nhân dân tệ trước áp lực giảm giá lớn. Đối với đồng yên, việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo – với biện pháp kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) và lãi suất âm, trái ngược với sự thắt chặt của Fed – là nguyên nhân gây sức ép mất giá.
Đồng euro đã giảm 4,4% so với USD kể từ giữa tháng 7 tới nay, còn 1,07 USD đổi 1 euro. Đồng nhân dân tệ giảm 2,6% trong cùng khoảng thời gian, xuống mức thấp nhất so với USD trong 16 năm. Đồng yên từ đầu năm đến nay giảm 11% so với USD, đang ở gần mức thấp nhất 3 thập kỷ, dẫn tới những đồn đoán cho rằng nhà chức trách Nhật Bản có thể phải can thiệp để vực dậy tỷ giá đồng nội tệ.
Sáng 11/9, đồng yên phục hồi về ngưỡng 147 Yên đổi 1 USD, trong khi nhân dân tệ giảm về mức 7,37 nhân dân tệ/USD. Euro hồi nhẹ, đạt hơn 1,07 USD/euro.
Chiến lược gia Athanasios Vamvakidis của Bank of America Global Research nhận định kinh tế châu Âu đang có khả năng rơi vào tình trạng “stagflation” – tăng trưởng trì trệ kết hợp lạm phát cao. Số liệu điều chỉnh do cơ quan thống kê eurozone công bố tuần vừa rồi cho thấy nền kinh tế khu vực 20 nước sử dụng đồng euro chỉ tăng 0,1% trong quý 1 năm nay, thay vì tăng 0,3% như công bố lần đầu. Sản lượng công nghiệp của Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 7.
Đồng euro yếu sẽ đẩy chi phí nhập khẩu tăng, gây áp lực lạm phát. Ngoài ra, giá dầu thô cũng tăng trong những tuần gần đây do Nga và Saudi Arabia gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng. Biến động giá khí đốt có thể xảy ra ở châu Âu trong mùa đông khiến rủi ro lạm phát ở khu vực này càng lớn hơn.
Kinh tế Trung Quốc cũng đang đối đầu một loạt thách thức lớn khiến đồng nhân dân tệ mất đi sức hấp dẫn: tiêu dùng giảm, khủng hoảng bất động sản leo thang, và xuất khẩu trượt dốc. Để bảo vệ tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) liên tục hạ lãi suất thời gian gần đây – biện pháp không có lợi cho tỷ giá nhân dân tệ.
“Tình trạng yếu kém của kinh tế Trung Quốc không chỉ gây sức ép lên nhân dân tệ, mà còn cả các đồng tiền chủ chốt khác trong khu vực và đồng tiền các đối tác thương mại chính của Trung Quốc gồm euro”, chiến lược gia Alex Cohen của Bank of America Global Research nói với CNN.
Về phần mình, Nhật Bản đang phát đi tín hiệu có thể điều chỉnh chính sách tiền tệ, nhưng điều này có vẻ không sớm trở thành hiện thực.
Hôm thứ Bảy vừa rồi, tờ báo Nhật Yomiuri đưa tin Thống đốc BOJ Kazuo Ueda nói rằng BOJ có thể sẽ kết thúc chính sách lãi suất âm một khi việc đạt mục tiêu lạm phát 2% trong tầm tay. Ông Ueda nói từ nay đến cuối năm, BOJ có thể sẽ có đủ dữ liệu để ra quyết định kết thúc lãi suất âm hay không. Lãi suất của BOJ hiện ở mức âm 0,1%.
“Một khi chúng tôi tin rằng Nhật Bản sẽ có được lạm phát bền vững cùng với tăng trưởng tiền lương, chúng tôi sẽ có nhiều lựa chọn khác nhau. Nếu thấy có thể đạt được mục tiêu lạm phát sau khi chấm dứt lãi suất âm, chúng tôi sẽ làm như vậy”, Yomiuri dẫn tới vị Thống đốc.
Khác với các nền kinh tế phương Tây, Nhật Bản không chống lạm phát mà tìm cách kéo lạm phát lên. Dù cả BOJ, Fed và ECB đều có mục tiêu lạm phát 2%, BOJ phải nới lỏng để kéo lạm phát lên con số này, trong khi Fed và ECB nâng lãi suất đển kéo lạm phát xuống mục tiêu này. Lạm phát ở Nhật hiện đã vượt 2% được hơn 1 năm, nhưng BOJ lo ngại việc nâng lãi suất quá sớm sẽ khiến lạm phát tụt trở lại.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn, ông Ueda nhắc lại lập trường rằng BOJ sẽ “kiên nhẫn” duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo trong thời gian trước mắt. “Dù đã có những tín hiệu tích cực xuất hiện, mục tiêu lạm phát vẫn chưa trong tầm tay”, ông nói.