Tuần này, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell sẽ xuất hiện trước Quốc hội Mỹ với một nhiệm vụ không dễ dàng: thuyết phục các nhà làm luật rằng ông quyết tâm và có thể kéo được lạm phát xuống mà không khiến nền kinh tế sụt tốc theo.
Trong lúc chờ cuộc điều trần của ông Powell, thị trường tài chính Mỹ và toàn cầu giữ tâm trạng hồi hộp, tự hỏi liệu nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới có hoàn thành được nhiệm vụ đó hay không. Trong mấy phiên giao dịch gần đây, nhà đầu tư đã lạc quan hơn, nhưng sự lạc quan đó hoàn toàn có thể đảo chiều một cách chóng vánh nếu ông Powell rơi vào thế bí trong cuộc điều trần chính sách tiền tệ định kỳ mỗi năm hai lần vào hai ngày 7-8/3.
NHỮNG MỐI LO CỦA THỊ TRƯỜNG
“Ông Powell cần phải truyền tải được hai thông điệp. Thứ nhất là nhắc lại một số phát biểu mà ông ấy đã đưa ra rằng cuộc chiến chống lạm phát đã đạt bước tiến. Thứ hai là giữ vững quan điểm lãi suất sẽ duy trì ở mức cao. Ông ấy có thể tái khẳng định thông điệp rằng lãi suất sẽ giữ ở mức cao cho tới khi vấn đề lạm phát được giải quyết hoàn toàn”, trưởng bộ phận chính sách và chiến lược đầu tư của Silvercrest Asset Management, ông Robert Teeter nhận định.
Nếu giữ lập trường như vậy, ông Powell có thể đối mặt với một số sức ép từ các nghị sỹ trong Uỷ ban Ngân hàng của Thượng viện vào ngày thứ Ba, tiếp theo là các nhà làm luật trong Uỷ ban Dịch vụ tài chính của Hạ viện vào ngày thứ Tư. Các nghị sỹ thuộc Đảng Dân chủ đang rất lo ngại về khả năng chính sách cứng rắn để chống lạm phát của Fed có thể kéo tụt nền kinh tế, từ đó gây ảnh hưởng lớn đến những người thuộc tầng lớp thu nhập thấp.
Trong vòng 1 năm trở lại đây, Fed đã nâng lãi suất 8 lần, gần đây nhất là đợt nâng 0,25 điểm phần trăm vào đầu tháng 2 vừa qua, đưa lãi suất quỹ liên bang (fed funds rate) lên vùng 4,5-4,75%.
Thị trường tài chính đang bị giằng co giữa hai mối lo, một mặt muốn Fed kéo lạm phát xuống nhưng mặt khác cũng lo Fed “quá tay” khiến tăng trưởng kinh tế “vạ lây”. Fed bị cho là đã chậm trễ trong việc khởi động cuộc chiến chống lại sự leo thang của giá cả, và điều này đẩy cao mối lo sợ rằng Fed sẽ không thể khống chế được lạm phát nếu không gây ra ít nhất một cuộc suy thoái kinh tế ở cấp độ nhẹ.
“Lạm phát là một vấn đề nguy hiểm. Lạm phát đã trở nên tồi tệ hơn bởi chính Fed không nhận thức sớm được vấn đề vào năm 2021”, Chủ tịch Komal Sri-Kumar của Sri-Kumar Global Strategies nhận định.
Vị chuyên gia này cho rằng Fed lẽ ra nên hành động sớm hơn và quyết liệt hơn, chẳng hạn tăng lãi suất 1,25 điểm phần trăm vào tháng 9/2022 khi lạm phát đo bằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức 8,2% cả năm. Thay vào đó, Fed đến tháng 12 đã bắt đầu giảm tốc độ tăng lãi suất.
Theo ông Sri-Kumar, giờ đây, Fed có thể sẽ phải nâng lãi suất lên 6% trước khi lạm phát có thể thực sự xuống thang, và điều đó sẽ gây ra tổn thất kinh tế. “Tôi không tin vào kịch bản nền kinh tế ‘không hạ cánh’ mà người ta đang nói đến”, ông nói – đề cập đến một kịch bản mà ở đó nền kinh tế Mỹ không “hạ cánh cứng” (tức là rơi vào một cuộc suy thoái sâu) và cũng không “hạ cánh mềm” (tức là chỉ giảm tốc nhẹ).
“Vâng, nền kinh tế vẫn đang mạnh. Nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ không xảy ra một cuộc suy thoái nào. Nếu nền kinh tế ‘không hạ cánh’, chúng ta sẽ có mức lạm phát 5%, và đó là điều không thể chấp nhận được về mặt chính trị. Ông Powell sẽ phải kéo lạm phát xuống, và do nền kinh tế còn mạnh, suy thoái sẽ bị trì hoãn. Nhưng sự trì hoãn càng lâu thì suy thoái sẽ càng sâu hơn khi xảy ra”, ông Sri-Kumar cảnh báo.
THẾ KHÓ CỦA ÔNG POWELL
Về phần mình, ông Powell sẽ phải tìm được một điểm cân bằng giữa các luồng quan điểm xung đột về chính sách tiền tệ.
Hôm thứ Sáu, Fed đã công bố một báo cáo chính sách tiền tệ gửi tới Quốc hội Mỹ. Báo cáo này giống như một lời mở đầu cho cuộc điều trần của ông Powell – sự xuất hiện mà vị Chủ tịch Fed được cho là sẽ lặp lại những gì ông vẫn nói suốt thời gian qua rằng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ kỳ vọng lãi suất sẽ tiếp tục tăng.
Theo bà Krishna Guha, trưởng bộ phận chính sách toàn cầu và chiến lược ngân hàng trung ương của Evercore ISI, ông Powell có thể “sẽ đưa ra một quan điểm vừa kiên định vừa chừng mực”. Ông Powell sẽ ghi nhận “sự vững vàng của nền kinh tế thực” đồng thời thận trọng rằng dữ liệu lạm phát đã nóng lên và con đường tiến tới kiềm chế lạm phát “sẽ dài và gập ghềnh”.
Tuy nhiên, bà Guha nói rằng ít khả năng Powell sẽ đưa ra khả năng tăng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp vào tháng 3 này – điều mà một số nhà đầu tư đang lo sợ. Trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, các hợp đồng lãi suất tương lai phản ánh khả năng 31% Fed nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm – theo dữ liệu từ CME Group.
“Chúng tôi cho rằng Fed chỉ nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào tháng 3 nếu kỳ vọng lạm phát, tiền lương và lạm phát dịch vụ tăng tốc tới mức nguy hiểm và/hoặc các số liệu kinh tế sắp tới rất mạnh”, bà Guha nhận định.
Tuy nhiên, việc diễn giải các số liệu kinh tế trong thời gian tới sẽ là một công việc khó khăn.
Lạm phát toàn phần có thể tiếp tục giảm trong tháng 3 so với cùng kỳ năm trước, nhưng các số liệu thực chất có thể bị bóp méo bởi giá năng lượng đã tăng vọt vào thời điểm này năm ngoái. Một công cụ của Fed chi nhánh Cleveland cho thấy lạm phát toàn phần giảm từ mức 6,2% trong tháng 2 còn 5,4% trong tháng 3. Tuy nhiên, lạm phát lõi – chỉ số không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm – được dự báo tăng lên mức 5,7% từ 5,5%.
Bà Guha nói rằng trong 2 buổi điều trần sắp tới, ông Powell có thể định hướng về lãi suất cực đại của Fed trong chu kỳ tăng này, theo đó lãi suất tối đa của chu kỳ có thể được nâng lên 5,25-5,5%, cao hơn 0,25 điểm phần trăm so với dự báo mà Fed đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái.