Như Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã đăng tải, năm 2023, cơ quan thuế nhận được 4.416 yêu cầu cung cấp hồ sơ của cơ quan công an đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến lĩnh vực thuế của người nộp thuế phục vụ công tác quản lý, trấn áp tội phạm kinh tế của cơ quan công an. Nhờ đó, nhiều vụ án mua bán hóa đơn trái phép bị phanh phui.
MỘT TAY KHÔNG VỖ THÀNH TIẾNG
Chia sẻ hội thảo về quản lý, phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử vừa tổ chức, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế), cho biết thời gian qua, các cục thuế địa phương khi nhận được một số văn bản của Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công an) liên quan đến các vụ việc mua bán hóa đơn xảy ra trên địa bàn, các cục thuế đã triển khai đến các đơn vị thuộc và trực thuộc cục thuế rà soát, xử lý các trường hợp có dấu hiệu của tội phạm.
Sau đó, đề nghị chuyển cho cơ quan cảnh sát điều tra có thẩm quyền để điều tra xử lý theo quy định. “Trường hợp không có dấu hiệu của tội phạm mà chỉ vi phạm hành chính thì tiến hành xử phạt và truy thu thuế theo quy định”, bà Lan Anh thông tin.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh phân tích rằng trong quá trình thành lập doanh nghiệp, cơ quan thuế nhận thấy nhiều đối tượng thành lập doanh nghiệp, mua lại doanh nghiệp để bán trái phép hóa đơn một thời gian rồi bỏ trốn.
Các đối tượng đã sử dụng chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân giả mạo/mất cắp, thuê người làm đại diện pháp luật (những người không hiểu biết, thậm chí cả thương binh…), thành lập chuỗi doanh nghiệp trung gian hoặc mua lại các doanh nghiệp và thay đổi giám đốc, người đại diện theo pháp luật.
Bên cạnh đó, các đối tượng thành lập doanh nghiệp trung gian để có hóa đơn đầu vào, đầu ra nhằm mục đích vay ngân hàng, lập chuỗi doanh nghiệp hoàn thuế giá trị gia tăng xuất khẩu khống, nâng khống tổng doanh thu của tập đoàn, hệ thống doanh nghiệp liên quan… Từ đó, tăng doanh thu khống để nâng tổng giá trị doanh nghiệp để đạt được các mục đích kinh doanh, tài chính trái pháp luật.
“Từ các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh thật có hoạt động bán lẻ cho cá nhân không lấy hóa đơn, đã viết hóa đơn cho một số tổ chức, cá nhân không mua hàng hóa, dịch vụ tại các đơn vị này”, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân nêu rõ thực tế.
“Có cầu ắt có cung”, đại diện Tổng cục Thuế cho rằng để các hành vi gian lận trong sử dụng hóa đơn diễn trong thời gian qua, không thể không kể tới nguyên nhân từ nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp nhằm mục đích hợp thức hóa chi phí, trục lợi, chiếm đoạt tiền từ ngân sách nhà nước.
“Các doanh nghiệp mua hóa đơn khống, không có hàng hóa, dịch vụ để hạch toán khống chi phí, khấu trừ thuế giá trị gia tăng, ký hợp đồng mua bán giả và thực hiện thanh toán qua ngân hàng; đồng thời, rút tiền ngay hoặc hạch toán theo dõi dư công nợ phải trả, nhằm gian lận trốn thuế giảm nghĩa vụ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng”.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế).
Bên cạnh đó, trong quá trình theo dõi công tác quản lý thuế, những vụ việc do cơ quan công an, cơ quan thuế và các cơ quan khác phát hiện, xử lý, cơ quan thuế cũng bóc trần thủ đoạn của người bán.
Thực tế hoạt động của các doanh nghiệp gian lận về hóa đơn, đặc biệt là doanh nghiệp thành lập không nhằm mục đích kinh doanh mà chỉ với mục đích bán hóa đơn nhằm trục lợi, chiếm đoạt tiền thuế và các gian lận tài chính khác.
Chỉ rõ những dấu hiệu gian lận của người bán, đại diện Tổng cục Thuế cho biết một là, doanh nghiệp mới thành lập đã thay đổi thông tin đăng ký thuế, làm thay đổi cơ quan thuế quản lý trực tiếp nhiều lần kể từ khi thành lập để trốn tránh sự kiểm tra, phát hiện của cơ quan thuế và các cơ quan quản lý nhà nước.
Doanh nghiệp thường xuyên chuyển địa điểm; cá nhân sinh sống ở địa bàn này hoặc có địa điểm kinh doanh ở địa bàn này nhưng trụ sở chính của doanh nghiệp ở các địa bàn khác nơi sinh sống, kinh doanh…
Hoặc một cá nhân đứng tên (người đại diện theo pháp luật) thành lập, điều hành nhiều doanh nghiệp. Doanh nghiệp đang tạm ngừng kinh doanh nhưng ra kinh doanh trước thời hạn. Doanh nghiệp đặt trụ sở ở những văn phòng “ảo” không có trang thiết bị dụng cụ văn phòng, không phát sinh doanh thu song nhiều năm sau đó xuất hóa đơn với số lượng bán đa dạng các mặt hàng, phát sinh doanh thu lớn bất thường.
Các doanh nghiệp thành lập với mục đích gian lận về hóa đơn thường chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn khoảng hơn 1 năm – 2 năm sau đó tạm ngừng hoặc dừng hoạt động nhưng không làm thủ tục với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế để tránh thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng.
Hai là, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn số lượng lớn, trên hóa đơn xuất bán nhiều mặt hàng đa dạng ngành nghề, doanh thu bán hàng lớn, doanh thu tăng đột biến so với kỳ trước nhưng không có kho hàng, tài sản cố định, kê khai không phát sinh hoặc phát sinh số thuế phải nộp rất thấp.
Ba là, doanh nghiệp mua bán lòng vòng, khách hàng thường chỉ là 1 hoặc 1 vài doanh nghiệp, hàng mua bán giao ngay không qua nhập kho, mặt hàng nhiều hoặc là loại mặt hàng có yếu tố rủi ro.
Bốn là, doanh nghiệp có nhiều cửa hàng, có hoạt động kinh doanh bán lẻ nhưng số lượng hóa đơn và doanh số hóa đơn xuất cho khách hàng cá nhân, khách lẻ không tương ứng.
QUẢN CHẶT TỪ KHÂU THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP
Trước thực tế mua bán hoá đơn khống kể trên, cơ quan thuế đã xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá rủi ro về hóa đơn điện tử, phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý các dữ liệu về hóa đơn điện tử.
“Từ đó, xác định người nộp thuế có yếu tố rủi ro gian lận trong sử dụng hóa đơn để đưa vào kiểm tra, thanh tra. Qua đó, nhận diện được người nộp thuế có rủi ro cao về sử dụng hóa đơn điện tử để đưa ra cảnh báo, xử lý nếu có vi phạm; hoặc chuyển sang cơ quan công an đối với trường hợp thuộc diện rủi ro cao có dấu hiệu tội phạm để phối hợp điều tra và xử lý nếu phát hiện vi phạm”, đại diện Tổng cục Thuế nêu rõ.
Cơ quan thuế cũng phối hợp với cơ quan điều tra và các cơ quan chức năng có liên quan như: hải quan, ngân hàng… để truy vết người nộp thuế có dấu hiệu mua, bán hóa đơn và điều tra, xử lý vi phạm theo quy định.
Cùng với đó, công khai danh sách doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và cơ quan thuế các cấp để người dân và người nộp thuế biết.
Thực hiện rà soát các thông tin có nội dung rao bán hóa đơn điện tử không hợp pháp tại các nền tảng không gian mạng. Trên cơ sở đó, thu thập thông tin của các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi bán trái phép hóa đơn điện tử tại địa bàn quản lý để truy xuất nguồn gốc của hóa đơn điện tử rao bán (tên, mã số thuế, địa chỉ, điện thoại…). Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thuế, về hóa đơn thì kịp thời chuyển cơ quan công an để điều tra, xử lý theo quy định.
Ngoài ra, đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, người nộp thuế về các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế và về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ theo quy định. Chấn chỉnh nội bộ, tăng cường kỷ cương kỷ luật trong thi hành công vụ đối với cán bộ thuế.
Thời gian tới, Tổng cục Thuế kiến nghị về sửa đổi Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 1/7/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ.
“Thực tế đã phát sinh một số vụ án mua bán hóa đơn lớn đòi hỏi ngành thuế cần phải có giải pháp quản lý người nộp thuế ngay từ khâu đăng ký sử dụng hóa đơn và trong quá trình người nộp thuế sử dụng hóa đơn điện tử nếu có hành vi gian lận thì có giải pháp ngừng việc sử dụng hóa đơn điện tử của người nộp thuế”.
Đáng chú ý, Tổng cục Thuế cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi quy định đăng ký kinh doanh, quy định thành lập doanh nghiệp mới, kiểm soát thông tin của cá nhân tham gia thành lập, quản lý doanh nghiệp hay tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn.
Về công tác phối hợp, cơ quan thuế phối hợp với cơ quan điều tra và các cơ quan chức năng có liên quan như: cơ quan công an, hải quan, ngân hàng… để truy vết người nộp thuế có dấu hiệu mua, bán hóa đơn và điều tra, xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.
Đồng thời sẽ tiếp tục cập nhật, bổ sung xây dựng các tiêu chí rủi ro về hóa đơn, tổng hợp danh sách những đơn vị có dấu hiệu rủi ro, các đơn vị có vi phạm trong lĩnh vực hóa đơn chuyển cơ quan công an theo quy chế tin báo, tội phạm.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế tham mưu trình lãnh đạo Bộ Tài chính để phối hợp, có ý kiến tham gia xây dựng hoàn thiện các quy định của pháp luật do các bộ, ngành khác chủ trì xây dựng như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước… như nêu trên để tăng cường công tác quản lý tới người nộp thuế, thắt chặt công tác quản lý để ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận nhằm trục lợi, chiếm đoạt tiền từ ngân sách nhà nước.
MỘT SỐ VỤ MUA BÁN HOÁ ĐƠN ĐIỂN HÌNH BỊ ĐƯA RA XÉT XỬ
Theo đại diện Tổng cục Thuế, một số vụ việc mua bán hóa đơn phức tạp có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều địa phương trên toàn quốc đã bị phát giác.
Cụ thể, ngày 19/12/2023, toà án xét xử 100 người trong đường dây mua bán khống hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) lớn nhất cả nước. Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ xác định cầm đầu đường dây là bị cáo Nguyễn Minh Tú (30 tuổi, trú TP.HCM), lao động tự do. Qua mạng xã hội, Tú thiết lập mạng lưới trung gian (F1) để bán hóa đơn VAT. Trong 22 tháng hoạt động, Tú bị cáo buộc bán 1.025.712 hóa đơn VAT khống cho 88.053 doanh nghiệp, tổng doanh số gần 64.000 tỷ đồng, hưởng lợi 0,7-1,5% doanh số.
Gần đây, ngày 12/4/2024, vụ án mua bán hóa đơn của đối tượng Trương Xuân Đước và cựu Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca cũng là vụ rất lớn. Theo cáo trạng, từ tháng 3/2013 đến tháng 5/2022, tại Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, các bị cáo Trương Xuân Đước, Nguyễn Thị Ngọc Anhđiều hành 26 công ty để hoạt động mua bán trái phép hóa đơn, nhằm chiếm lời bất chính. Kết quả điều tra xác định, số lượng hóa đơn vợ chồng Đước mua bán trái phép là hơn 15.674 hóa đơn, thu lời bất chính hơn 41 tỷ đồng.
Hội đồng xét xử tuyên phạt ông Đỗ Hữu Ca 10 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. “Trùm hoá đơn” Trương Xuân Đước lãnh 2 năm tù về tội mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước và 7 năm về tội đưa hối lộ, tổng hợp hình phạt 9 năm tù.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/nganh-thue-dua-ra-bo-giai-phap-ngan-mua-ban-hoa-don-khong.htm