Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua, triển vọng kinh tế toàn cầu phục hồi thiếu chắc chắn, lạm phát giảm chậm, rủi ro hệ thống ngân hàng phát sinh ở một số nền kinh tế lớn và nguy cơ suy thoái kinh tế khiến nhiều ngân hàng trung ương điều chỉnh chậm lại đà tăng lãi suất.
Còn ở trong nước, tăng trưởng kinh tế còn nhiều khó khăn, lạm phát được kiểm soát; thanh khoản của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được đảm bảo.
Do đó, tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ ngày 25/5.
Cụ thể, một là, Quyết định số 950/QĐ-NHNN ngày 23/5/2023 về mức lãi suất thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng; lãi suất tái cấp vốn; lãi suất tái chiết khấu.
Theo đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm.
Hai là, Quyết định số 951/QĐ-NHNN ngày 23/5/2023 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014.
Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm.
Đáng chú ý, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.
Riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm.
Còn lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung – cầu vốn thị trường.
Ngân hàng Nhà nước cho biết bám sát Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ để phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, người dân, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Trước đó, trong tháng 3 và tháng 4, Ngân hàng Nhà nước đã hai lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất với mức giảm 0,5-1%/năm nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo tổ chức tín dụng duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro; không làm ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường.
Nhà điều hành cũng khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo nhìn nhận của giới phân tích, Ngân hàng Nhà nước sẽ có nhiều dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ hơn trong năm 2023, mặt bằng lãi suất huy động 12 tháng duy trì quanh ngưỡng 7% và lãi suất cho vay bình quân quanh ngưỡng 10%.
Mức lãi suất này được kỳ vọng bởi cơ sở lạm phát bình quân được kiểm soát tốt quanh 4-4,5%, với áp lực từ lạm phát toàn cầu và tỷ giá trong nước được dự báo bớt căng thẳng hơn so với năm 2022, việc đứt gãy chuỗi cung ứng dần được cải thiện và nhu cầu tiêu thụ toàn cầu sụt giảm giúp giá hàng hoá hạ nhiệt, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được dự báo sẽ sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất vào cuối quý 2/2023.