Ngày 14/6, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các ban, bộ, ngành liên quan tổ chức hội thảo chuyên đề 4 “Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045” trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 năm 2023 với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tình hình mới”.
GẶT HÁI NHIỀU “TRÁI NGỌT” KHI COI CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ TRỤ CỘT
Tại hội thảo, các diễn giả trao đổi và làm rõ các vấn đề về: các cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi xanh trong lĩnh vực tài chính ngân hàng; giải pháp huy động vốn thực hiện những dự án tăng trưởng xanh hiện nay; chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế như thế nào; đánh giá về mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc sử dụng các công nghệ không tiếp xúc và thúc đẩy thanh toán không chạm hiện nay…
Chia sẻ tại hội thảo chuyên đề 4, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng, khẳng định ngành ngân hàng nhận thức được tính cấp thiết về chuyển đổi “kép” bao gồm chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Do đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ sớm đã ban hành đề án phát triển ngân hàng xanh, cũng như ban hành kế hoạch chuyển đổi số.
Với đề án phát triển ngân hàng xanh, mục tiêu cơ bản là tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của ngành ngân hàng với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
“Còn mục tiêu tổng quát của chuyển đổi số ngân hàng đó là phát triển mô hình ngân hàng số. Đặc biệt, mục tiêu quan trọng nhất đó là gia tăng tiện ích, tăng trải nghiệm của khách hàng nhờ việc khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0. Thước đo duy nhất đó là trải nghiệm khách hàng”, ông Dũng nhấn mạnh.
Để hiện thực hoá những mục tiêu này, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, cho biết đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước tập trung vào xây dựng, hoàn thiện hạ tầng pháp lý và những tiêu chuẩn, điều này rất quan trọng.
Theo phán đoán của ông Dũng, có tới 90% vị khách trong khán phòng hội thảo trong tuần vừa qua không đến ngân hàng, bởi tất cả các dịch vụ chuyển khoản đều sử dụng qua điện thoại thông minh.
“Trông việc này có vẻ đơn giản nhưng để làm điều này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ năm 2017 ban hành những tiêu chuẩn QR Code, để ứng dụng mobile banking của một ngân hàng có thể đọc được mã QR ngân hàng khác một cách thông suốt”, ông Dũng thông tin.
Thứ hai, xây dựng hạ tầng.
Theo số liệu thống kê, mỗi ngày có lượng giao dịch tương đương khoảng 800.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 40 tỷ USD được chuyển qua hệ thống thanh toán ngân hàng một cách thông suốt.
Để thực hiện việc này, không phải trong một sớm, một chiều mà theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, việc xây dựng hạ tầng được chú trọng từ sớm, để có thể chuyển tiền tính bằng giây, chẳng hạn từ VietinBank sang Agribank và hiện tên ở tài khoản của ngân hàng Agribank, không hề đơn giản mà phải có một hạ tầng dùng chung rất tốt, đảm bảo giá trị giao dịch, số lượng giao dịch lên đến hàng chục triệu mỗi ngày.
Thứ ba, tất cả các ngân hàng hiện đều coi chuyển đổi số một chiến lược phát triển chứ không chỉ là một dự án ngắn hạn, thậm chí, có những ngân hàng coi chuyển đổi số là trụ cột quan trọng và phát triển rất nhanh.
Trong chiến lược này, công nghệ là một yếu tố để các ngân hàng thực hiện thành công nhưng lấy trải nghiệm khách hàng là trọng tâm, với các mục tiêu cụ thể, có thể đong, đếm được như: số lượng khách hàng mở tài khoản, số lượng giao dịch, hay tỷ lệ thực hiện trên kênh số.
“Có nhiều ngân hàng có tỷ lệ giao dịch trên kênh số chiếm đến 94-97% số lượng giao dịch trên kênh số, điều này cho thấy một bước chuyển rất lớn”, ông Dũng khẳng định và nói thêm, ứng dụng mobile banking của ngân hàng Việt chắc hẳn không kém cạnh so với các nước đang phát triển.
Để đạt được thành quả như ngày nay, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh một nhân tố quan trọng từ truyền thông.
“Có những hòn đá tảng, chỉ có truyền thông mới có thể bẩy được, bởi có những người dân chưa bao giờ sử dụng moblile banking nhưng qua một lần sử dụng sẽ không bao giờ quay lại sử dụng tiền mặt nữa. Chỉ có truyền thông mới có thể cho người dân thấy lợi ích, tác dụng và cách sử dụng thế nào”, ông Dũng ví von.
TRỌNG TÂM ĐẨY MẠNH CHO VAY TRỰC TUYẾN, TĂNG ĐỘ PHỦ SÓNG TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN
Tuy nhiên, một điểm khá quan trọng nổi lên được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước lưu ý đó là câu chuyện an ninh, bảo mật, bảo vệ quyền của khách hàng.
Do đó, trước nhiều nguy cơ và thách thức xảy ra, tội phạm công nghệ gia tăng, những giải pháp về khuôn khổ pháp lý, đầu tư hạ tầng cần được các ngân hàng quan tâm hơn.
Chia sẻ thêm về định hướng sắp triển khai tới đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh nhiều nhiệm vụ trọng tâm.
Một là, kinh doanh ngân hàng gồm ba trụ cột chính đó là huy động, tín dụng và thanh toán. Lĩnh vực thanh toán hiện được xử lý khá tốt, người dân hiện cũng dễ dàng gửi tiết kiệm online.
Tuy nhiên, làm sao để cho vay nhỏ lẻ trên môi trường điện tử, giúp người dân có thể tiếp cận tài chính toàn diện, đặc biệt với những người dân vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận được dịch vụ tài chính ngân hàng.
“Đây là định hướng lớn Ngân hàng Nhà nước đang tập trung, đó là cho vay trên nền tảng điện tử”, ông Dũng nhấn mạnh.
Hai là, Việt Nam tự hào rằng có tới 72-73% người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng. Tuy nhiên, dịch vụ công khó được thực hiện hoàn hảo nếu người dân không có tài khoản ngân hàng mà vẫn giao dịch bằng tiền mặt.
Do đó, mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước sắp tới là phủ rộng khả năng tiếp cận tài chính toàn diện, tin cậy với chi phí hợp lý trong mọi lĩnh vực, ngóc ngách cuộc sống.