Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, sau Tết, tiền gửi tại hệ thống ngân hàng tăng khá cao trở lại.
Qua sự kiện rút tiền hàng loạt của SCB tháng 10 năm ngoái cũng như sự sụp đổ của một số ngân hàng ở Mỹ với bài học quản trị thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng tập trung hơn vào ổn định an toàn, cũng như đáp ứng thanh khoản cho người dân.
Năm ngoái, lãi suất đã tăng cao nhưng từ đầu năm đến nay Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện các giải pháp và mặt bằng lãi suất đang có chiều hướng giảm. Vào ngày 31/3 Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành 0,5 – 1%/năm.
Theo bà Hồng, quyết định được đưa ra trên cơ sở lạm phát âm, Fed điều chỉnh lộ trình tăng lãi suất thấp và tỷ giá VND/USD ổn định. VND là một trong những đồng tiền ổn định nhất trong khu vực và trên thế giới.
Giới phân tích đánh giá quyết định cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước là động thái phù hợp để thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp, tăng trưởng GDP chậm và lạm phát trong tầm kiểm soát.
Trong quý 1/2023, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 2,1% so với cùng kỳ năm trước ( mục tiêu cả năm là 14-15% và so với mức tăng trưởng 5% của quý 1/2022), CPI là 4,2% so với cùng kỳ năm trước (YoY) và tăng trưởng GDP khiêm tốn ở mức 3,3% YoY (đây là mức tăng trưởng GDP quý thấp thứ hai trong vòng 14 năm qua). Lãi suất giảm cũng phần nào giúp giảm bớt gánh nặng cho người đi vay, từ đó giảm áp lực suy giảm chất lượng tài sản của các ngân hàng. Ngoài ra, lãi suất giảm sẽ có tác động tích cực đến các tài sản rủi ro, bao gồm cả cổ phiếu.
Sau khi giảm lãi suất điều hành lần 2 trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.600 VND/USD; tỷ giá bán giao ngay ở mức 24.780 VND/USD; và tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.450 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên 3/4 với mức 23.480 VND/USD, tăng 21 đồng so với phiên 31/3. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 40 đồng ở chiều mua vào trong khi tăng 10 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.420 VND/USD và 23.470 VND/USD.
Ngày 3/4, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng 0,03 – 0,42 điểm phần trăm (đpt) ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên 31/3. Cụ thể: qua đêm 1,92%; 1 tuần 2,55%; 2 tuần 2,98% và 1 tháng 4,53%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng tăng 0,01 đpt ở kỳ hạn qua đêm trong khi đi ngang ở kỳ hạn 1 tuần và giảm 0,02 đpt ở các kỳ hạn còn lại. Giao dịch tại kỳ hạn qua đêm 4,63%; 1 tuần 4,73%; 2 tuần 4,88%, 1 tháng 4,98%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp giảm mạnh ở các kỳ hạn 3 năm và 5 năm trong khi tăng mạnh ở các kỳ hạn còn lại, cụ thể: 3 năm 2,82%; 5 năm 2,86%; 7 năm 3,02%; 10 năm 3,38%; 15 năm 3,51%.
Theo nhóm nghiêm cứu MSB, ngày 3/4, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 5.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố kỳ hạn 35 ngày, lãi suất 5,%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng đáo hạn. Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, không có khối lượng đáo hạn. Như vậy, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giữ ở mức 1.201,98 tỷ đồng, khối lượng tín phiếu lưu hành ở mức 110.699,8 tỷ đồng.
Từ ngày 3/4/2023, Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm một số lãi suất điều hành -50 điểm cơ bản bao gồm: 1) lãi suất tái cấp vốn giảm -50 điểm cơ bản xuống 5,5%/năm, 2) mức trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm xuống 4,5%/năm (-50 điểm cơ bản), 3 ) mức trần lãi suất tiền gửi đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,5%/năm (-50 điểm cơ bản) và đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm xuống 5,5%/năm (-50 điểm cơ bản).
Trong khi đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ giữ nguyên 6,0%/năm, lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên 3,5%/năm. Ngân hàng Nhà nước đã giảm các lãi suất này -100 điểm cơ bản vào giữa tháng 3, 2023.