Theo phản ánh của một phụ nữ sinh năm 1985, trú tại TP. Vinh (Nghệ An), chị tham gia hợp đồng đầu tư linh hoạt của một ngân hàng kết hợp với một công ty bảo hiểm từ ngày 3/5/2020 thông qua một nhân viên ngân hàng nói trên. Sở dĩ chị tham gia sản phẩm đầu tư linh hoạt này là do lãi suất huy động tiền gửi thời điểm đó đang thấp nên đầu tư vào hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư sẽ có lợi hơn như lời tư vấn của nhân viên ngân hàng nọ; đồng thời, khi tham gia gói đầu tư sẽ hưởng sản phẩm bảo hiểm đi kèm có thẻ chăm sóc sức khỏe hàng năm trị giá 200 triệu.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, do xảy ra lùm xùm về các sản phẩm bảo hiểm bán tại ngân hàng nên chị đã nghiên cứu cụ thể hơn và hỏi tư vấn nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Điều vị khách hàng này “té ngửa” đó là trót tham gia gói 50 triệu đồng đầu tư linh hoạt, lãi suất cao mà không hề nhắc đến phí bảo hiểm hàng năm.
KHÁCH HÀNG BỊ “GIĂNG BẪY” NHƯ THẾ NÀO?
Khách hàng bảo hiểm này cũng cho biết thêm, do thời gian Covid-19 và gia đình có nhiều việc nên mãi đến ngày 7/6/2021 (đã quá 21 ngày cân nhắc hợp đồng bảo hiểm khá lâu) mới qua lấy hợp đồng và tin tưởng vào tư vấn viên là học trò cũ nên không đọc lại hợp đồng.
Bên cạnh đó, trong quá trình đầu tư, nhân viên ngân hàng luôn khẳng định sản phẩm này khác với sản phẩm truyền thống, dạng đầu tư kiểu lướt sóng. Theo đó, khách hàng có thể đầu tư tối thiểu 50 triệu đồng/năm và có thể đầu tư linh hoạt, rút tiền hàng năm. Tuy nhiên, thực chất đây là sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Nhân viên ngân hàng hoàn toàn giấu nhẹm yêu cầu bắt buộc đóng phí hàng năm, cũng như không hề nhắc đến điều khoản nếu hủy hợp đồng bảo hiểm trước thời gian đáo hạn, công ty bảo hiểm sẽ không hoàn lại toàn bộ số phí đã đóng, nghĩa là khách hàng gần như mất trắng.
“Sai lầm của tôi trong quá trình tham gia mua gói đầu tư linh hoạt này là quá tin tưởng vào tư vấn viên là học trò cũ mà không nghiên cứu kỹ về sản phẩm để tư vấn viên tư vấn sai so với mục đích đầu tư của mình”, chị nói.
Không chỉ với trường hợp nêu trên, thời gian gần đây, sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư nở rộ, dường như đang dần trở nên “biến tướng” khi các đại lý, tư vấn viên ngân hàng mời chào bằng lãi suất cao, đầu tư linh hoạt nhưng thông tin lập lờ, hút số lượng khách hàng khủng tham gia.
Nhiều người bất ngờ khi phải duy trì hợp đồng liên tục nhiều năm với khoản phí hàng chục triệu đồng, gây áp lực tài chính lớn nhưng nếu rút về những năm đầu sẽ mất trắng. Bởi vậy, cả trăm khách hàng gần đây gửi đơn tố giác về sự mập mờ của nhân viên ngân hàng đã “hô biến” tiền gửi tiết kiệm sang bảo hiểm nhân thọ. Thậm chí, nhiều khách hàng cũng tố bị giả chữ ký hay kê khống thu nhập và sai nghề nghiệp… trong các giấy tờ liên quan đến hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Trước phản ứng dư luận ngày càng gay gắt, một “ông lớn” bảo hiểm nhân thọ đồng ý hủy hợp đồng và hứa sẽ hoàn lại 100% tiền đã đóng nhưng yêu cầu khách hàng cam kết giữ bí mật tuyệt đối về nội dung, điều khoản của “thỏa thuận giải quyết khiếu nại” và không được tiết lộ cho bên thứ ba.
Theo giới chuyên gia, khủng hoảng lần này không dừng lại ở một sự vụ riêng lẻ mà thực sự sẽ để lại hệ lụy kéo dài cho uy tín của ngành bảo hiểm nhân thọ.
TƯ VẤN “LẬP LỜ”, CHE GIẤU RỦI RO
Theo các chuyên gia, từ một số hợp đồng nói trên đã cho thấy, hầu hết đều bỏ qua ranh giới bảo vệ rủi ro truyền thống như: tử vong, ốm đau, bệnh tật, tai nạn, thai sản hoặc những bệnh hiểm nghèo xảy ra dẫn đến mất khả năng lao động tạm thời, vĩnh viễn…; thay vào đó, bảo hiểm liên kết đầu tư là một loại hình bảo hiểm nhân thọ gắn thêm chức năng đầu tư, nhằm gia tăng tài sản cho người mua trong tương lai.
Theo đó, phí bảo hiểm mà người tham gia đóng được chia thành hai phần bao gồm (i) phần bảo hiểm và (ii) phần đầu tư. Phần lớn tiền khách hàng đóng vào công ty bảo hiểm được khách hàng ủy thác cho công ty bảo hiểm để đầu tư vào các quỹ như: cổ phiếu, trái phiếu, các công cụ tiền tệ, tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro và mục tiêu đầu tư của khách hàng.
Trên thị trường hiện có hai loại bảo hiểm liên kết đầu tư chính là (i) bảo hiểm liên kết chung và (ii) bảo hiểm liên kết đơn vị. Điểm khác biệt căn bản của hai loại này nằm ở quyền lựa chọn quỹ đầu tư của người tham gia và tính rủi ro. Tuy nhiên, cần lưu ý bảo hiểm liên kết đầu tư được thiết kế để đáp ứng nhu cầu tích lũy đầu tư và bảo vệ lâu dài nên sẽ phù hợp với những người có kế hoạch tham gia dài hạn.
Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư những năm gần đây là sản phẩm “hái ra tiền”, mang lại tỷ trọng doanh thu phí bảo hiểm lớn nhất.
Cụ thể, doanh thu phí nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ các hợp đồng có hiệu lực như: năm 2020 chiếm 63,02%, năm 2021 là 68,27% và năm 2022 lên tới 71,7%.
Nếu tính trên các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khai thác mới toàn thị trường, nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng đến 89,81% và 90,13% lần lượt vào năm 2020, 2021.
Về xu hướng tăng trưởng các loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư, theo đánh giá của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư đơn vị (khách hàng chủ động lựa chọn các quỹ đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm theo khẩu vị đầu tư của mình) có xu hướng tăng trưởng mạnh.
Trong khi đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư chung (khách hàng hưởng kết quả từ hoạt động kinh doanh đầu tư chung của doanh nghiệp bảo hiểm) có xu hướng sụt giảm.
Năm 2022, số lượng hợp đồng khai thác mới của bảo hiểm liên kết chung đạt khoảng 1,24 triệu hợp đồng, giảm khoảng 20% so với 2021. Phí khai thác mới cũng giảm khoảng 14%, đạt khoảng 21.841 tỷ đồng.
Trong khi đó, dòng bảo hiểm liên kết đầu tư đơn vị có dấu hiệu tăng nóng tới 57% so với 2021, đạt trên 747 nghìn hợp đồng, với doanh thu phí đạt khoảng 21,7 nghìn tỷ đồng tăng ấn tượng trên 31%.
Trao đổi với VnEconomy, PGS.TS. Đoàn Minh Phụng, Trưởng khoa Ngân hàng – bảo hiểm (Học viện Tài chính), cho biết bảo hiểm liên kết đầu tư là một dòng sản phẩm bảo hiểm phi truyền thống được các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam cung cấp cùng với 6 dòng sản phẩm bảo hiểm nhân thọ truyền thống, bao gồm: bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm sinh kỳ, bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm hỗn hợp, bảo hiểm trả tiền định kỳ, bảo hiểm hưu trí.
Sở dĩ 6 sản phẩm này được xếp vào dòng sản phẩm bảo hiểm nhân thọ truyền thống bởi được các công ty bảo hiểm nhân thọ trên thế giới cung cấp trên thị trường hàng trăm năm.
Bình luận về những “góc tối” của bảo hiểm liên kết đầu tư gây ra sự phản ứng của người mua thời gian qua, ông Phụng cho biết, việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm nhân thọ nói chung và bảo hiểm liên kết đầu tư nói riêng đòi hỏi người đại lý phải am hiểu sản phẩm, có tâm với nghề để tư vấn cho khách hàng đầy đủ mọi khía cạnh của hợp đồng bảo hiểm.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy khi tư vấn khách hàng về sản phẩm liên kết đầu tư, một bộ phận tư vấn, đại lý bảo hiểm thường không chú trọng những nội dung về bảo hiểm, về rủi ro hay ràng buộc phải đóng phí hàng năm, thay vào đó, họ rót “mật ngọt” vào việc đồng vốn bỏ vào đầu tư có thể sinh lời ra sao.
Từ đó, đã và đang tồn tại tình trạng lập lờ thông tin trong các tài liệu tiếp thị sản phẩm cũng như thông tin tư vấn từ phía đại lý bảo hiểm.
Người mua bảo hiểm không được tư vấn đầy đủ, hợp lý để có những hiểu biết cần thiết trước khi quyết định tham gia vào hợp đồng bảo hiểm. Không ít người mua bảo hiểm phản ánh rằng họ chỉ nghe tư vấn về lợi nhuận mà không hề đề cập đến rủi ro.
CẢNH GIÁC VỚI MỒI NHỬ “SINH LỜI CAO”
Theo phân tích của chuyên gia, sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị được chính thức triển khai từ năm 2012 với sự điều chỉnh của Thông tư 135/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 15/8/2012, rất hấp dẫn bởi tỷ suất sinh lợi cao nhưng lại như “con dao hai lưỡi”.
Lý do là khách hàng được quyền lựa chọn đầu tư vào các quỹ liên kết đơn vị do doanh nghiệp bảo hiểm thành lập và được hưởng toàn bộ kết quả đầu tư như: quỹ cổ phiếu, trái phiếu chính phủ, bất động sản… Khi thị trường cổ phiếu, bất động sản thăng hoa, lợi nhuận đem lại cho khách hàng có thể cao hơn nhiều lần tiền gửi ngân hàng.
Dù vậy, khi thị trường lao dốc, khách hàng sẽ mất tiền, thậm chí lỗ cả phần tiền gốc. Khi đó, khách hàng phải chịu toàn bộ rủi ro đầu tư, lời ăn lỗ chịu và hoàn toàn phải chấp nhận cuộc chơi.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của PGS.TS. Đoàn Minh Phụng, điều đáng quan ngại là đại lý bảo hiểm sử dụng một bảng minh họa bán hàng với một tương lai sinh lời hấp dẫn nhưng ít đả động tới rủi ro, dù rằng đây là lĩnh vực rất khó, đòi hỏi đại lý, người tư vấn có nhiều kiến thức.
“Bảo hiểm liên kết đầu tư là dòng sản phẩm khá phức tạp. Thực tế, không phải khách hàng nào cũng là người hiểu biết sâu về lĩnh vực bảo hiểm, vì vậy, nếu người tư vấn lờ đi khía cạnh rủi ro, không tư vấn kỹ càng cho khách hàng về những nguy cơ có thể gặp phải thì nhiều khách hàng sẽ ngộ nhân khi mua sản phẩm này”, ông Phụng nhấn mạnh.
Hơn nữa, đây thực sự là sản phẩm khó bởi không phải bất cứ đại lý nào cũng được quyền tư vấn cho khách hàng. Đáng lẽ, công ty bảo hiểm phải lựa chọn những đại lý lâu năm, có kinh nghiệm và được đào tạo bài bản mới được tư vấn dòng sản phẩm này.
Cũng theo ông Phụng, quản lý đại lý là dạng quản lý con người nên khá phức tạp, không phải quản lý kết quả mà quản lý quá trình.
“Nhiều công ty bảo hiểm phải trả giá đắt vì quan niệm rằng quản lý đại lý là dạng quản lý kết quả”, ông Phụng cảnh báo.
Chẳng hạn, công ty tuyển dụng vài chục người làm đại lý mới nhưng không quan tâm cách đại lý bán hàng trong thực tế ra sao, tư vấn như thế nào, có trung thực không hay lừa dối khách hàng mà chỉ quan tâm đến kết quả, về lượng hợp đồng và doanh thu để hưởng hoa hồng thì sẽ không nắm bắt được kịp thời những sai sót, những lệch lạc và thậm chí cả những vi phạm, khiến nguy cơ sai phạm lan rộng đến mức khó kiểm soát. Quản lý kiểu này rất nguy hiểm.
Cùng đó, dù công ty bảo hiểm đã đưa ra quy định nhưng vẫn có những trường hợp những người mới vào mới vào làm đại lý, mới thi được chứng chỉ đại lý đã bán sản phẩm này. Do việc quản lý đại lý không chuyên thiếu chặt chẽ, thiếu chế tài nghiêm khắc ở một vài công ty, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã phải gánh những hậu quả khôn lường từ hành vi của một số đại lý không có tâm, vi phạm đạo đức nghề nghiệp khi tư vấn cho khách hàng.
“Mọi lùm xùm gây mất niềm tin khách hàng, chính doanh nghiệp bảo hiểm phải gánh chịu. Tuy nhiên, một doanh nghiệp bảo hiểm làm sai ảnh hưởng đến cả thị trường. Tiếng lành đồn gần còn tiếng dữ đồn xa hơn rất nhiều, nhất là qua mạng xã hội, chỉ cần một khách hàng phàn nàn kêu ca, sự lan truyền khủng khiếp khiến cả thị trường cũng phải gánh chịu”, Phụng quan ngại.
Đưa ra lưu ý về dòng sản phẩm này, tránh những vụ việc lùm xùm như thời gian qua, ông Phùng Đắc Lộc, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam lưu ý: thứ nhất, về lợi ích bảo vệ, tức rủi ro khi tử vong hoặc bảo vệ sức khỏe khi còn sống, đại lý bảo hiểm phải thông tin rõ với khách hàng về những quyền lợi sống và quyền lợi chết khi tử vong được đền bù bao nhiêu, phân biệt rõ tử vong do chết bình thường, chết bệnh hay chết vì tai nạn…
Thứ hai, về lợi ích đầu tư, ông Lộc nhấn mạnh với bảo hiểm liên kết chung, doanh nghiệp bảo hiểm dù sinh lời hay lỗ cũng phải chi trả lãi suất tối thiểu và phải công bố hàng kỳ danh mục đầu tư.
“Còn với bảo hiểm liên kết đơn vị, mỗi doanh nghiệp bảo hiểm có từ 3-6 loại quỹ khác nhau, mức độ đảm bảo an toàn và rủi ro khác nhau. Nguyên tắc càng rủi ro cao hứa hẹn lợi nhuận cao và ngược lại, đại lý phải giải thích từng tính chất của từng quỹ; hàng kỳ doanh nghiệp công khai thông tin ra sao”, ông Lộc nhấn mạnh.
“Đại lý bảo hiểm bán bảo hiểm liên kết đầu tư phải có trình độ cao hơn hẳn đại lý thông thường mới giải thích được những vấn đề phức tạp trong sản phẩm này, bởi họ cũng phải hiểu về chứng khoán, về đầu tư.
Chính vì hai quyền lợi này không rõ ràng và mỗi một mảng có những đặc điểm khác biệt nhau nhưng đại lý bảo hiểm không nói rõ cho khách hàng gây hiểu lầm. Tôi cũng đảm bảo khách hàng chưa có trình độ đại học, chưa hiểu hết về đầu tư chắc chắn như “vịt nghe sấm”, đặt hết sự tin tưởng vào đại lý mới xảy ra tình trạng vừa qua”.
“Dù không phổ biến nhưng để lọt những sai phạm của đại lý, những “con sâu làm rầu nồi canh” mà không ngăn chặn ngay sẽ dễ trở thành hiện tượng xã hội.
Do đó, công ty bảo hiểm cần chấn chỉnh lại công tác quản lý đại lý, liên quan đến tuyển đại lý, đào tạo, huấn luyện đại lý, không chỉ về kiến thức, thái độ mà còn cần huấn luyện kỹ năng. Những kỹ năng phải được lặp đi lặp lại trở thành thói quen.
Về bản chất, bảo hiểm đem lại nhiều lợi ích và rất nhân văn, chính vì thế, nhiều quốc gia không đẩy mạnh tuyên truyền nhưng có đến 90% dân số tham gia bảo hiểm như tại Mỹ, Nhật. Con số này tại Philippines là 38%, Singapore hơn 50%. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm tại nhiều nước khác như Malaysia hay Thái Lan đều cao hơn Việt Nam. Trong Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 tại Quyết định số 07/QĐ-TTg ban hành ngày 5/1/2023, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 có 18% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ.
Tuy nhiên, nếu lùm xùm kéo dài thì tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ có thể sụt giảm. Do vậy, cần tuyên truyền đa chiều, khách quan để người dân hiểu rõ, ngay cả khi những xảy ra những sự cố, khủng hoảng truyền thông, cần sự cuộc của các bên để nhìn nhận khách quan hơn, tránh nghĩ bảo hiểm là xấu, là lừa đảo khách hàng”.